Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 23/04/2021 - 06:37
(Thanh tra)- Báo cáo của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) về các giao dịch liên quan đến đại dịch đã phát hiện 73 hợp đồng trị giá hơn 3,7 tỷ bảng Anh xứng đáng được "điều tra thêm".
Chính phủ Vương quốc Anh đang đối mặt với những câu hỏi khó về cách tiếp cận mua sắm trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Ảnh: Justin Setterfield/Getty
Những dấu hiệu tham nhũng
Chính phủ Anh đang phải đối mặt với những câu hỏi hóc búa về cách tiếp cận mua sắm trong thời kỳ đại dịch bùng phát sau khi TI tiến hành xem xét các giao dịch được ký kết trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 11 năm ngoái, qua đó chỉ ra, 73 hợp đồng (tương đương hơn 3,7 tỷ bảng Anh, chiếm khoảng 20% tổng giá trị các hợp đồng phản ứng với COVID của Chính phủ Anh) "có một hoặc nhiều dấu hiệu cho thấy có thể tham nhũng".
Theo báo cáo của TI công bố hôm 22/4, tổ chức chống tham nhũng quốc tế này đã xem xét gần 1.000 hợp đồng ứng phó với cuộc khủng hoảng COVID-19, qua đó cho thấy sự thiên vị đối với các công ty có mối liên hệ chính trị.
Phân tích của TI đặc biệt quan tâm tới "làn đường VIP” hoặc “làn ưu tiên cao”. Theo TI, "làn đường VIP" bí mật, tại đó theo dõi nhanh các hợp đồng cho những người có mối liên hệ với các chính trị gia hoặc quan chức, ám chỉ "sự thiên vị có hệ thống đối với những người có mối liên hệ với đảng của Chính phủ ở Westminster".
Ở đây, các đề nghị cung cấp thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) từ các công ty được giới thiệu bởi các nghị sĩ, đồng sự và quan chức cấp cao.
Báo cáo cho thấy 24 hợp đồng PPE, tổng trị giá 1,6 tỷ bảng Anh, đã được trao cho những người có mối liên hệ chính trị với Đảng Bảo thủ và 3 hợp đồng liên quan đến dịch vụ xét nghiệm coronavirus, trị giá 536 triệu bảng Anh, được trao cho các công ty có kết nối chính trị.
Daniel Bruce, Giám đốc Điều hành TI Vương quốc Anh cho biết: "Tần suất mà các hợp đồng liên quan đến COVID được trao cho những người có quan hệ chính trị là rất đáng quan tâm và ở mức độ không thể giải thích được như một sự trùng hợp.
Do có vẻ như chỉ một nhóm được chọn biết về "làn đường VIP", với những chính trị gia chỉ giới hạn ở một bên của Hạ viện, chúng tôi kết luận rằng, hệ thống xử lý các đề xuất PPE đã được cài đặt trước với sự thiên vị.
Nhiều tháng sau khi "làn đường VIP" được đưa ra ánh sáng, Chính phủ vẫn chưa trả lời được những câu hỏi cơ bản về hoạt động và sự tồn tại của nó".
Ngoài ra, báo cáo của TI còn cho thấy, một phần lớn hơn những hợp đồng được trao cho các công ty có liên hệ chính trị được công bố muộn (93%), so với các hợp đồng không có kết nối chính trị (70%).
Những dấu hiệu cho thấy nguy cơ tham nhũng tại các hợp đồng bị gắn "cờ đỏ" bao gồm: Đấu thầu không cạnh tranh; lý do mơ hồ hoặc không phù hợp cho quyết định trao hợp đồng; hợp đồng thiếu minh bạch; không bảo đảm tài liệu đầy đủ; lựa chọn các công ty không phù hợp; hoặc định giá cao bất thường.
Cuộc điều tra của TI diễn ra trong bối cảnh bê bối vận động hành lang và tiếp cận chính trị ở Westminster, liên quan đến nhiều quan chức Chính phủ đương nhiệm và nhiệm kỳ cũ.
Bộ trưởng Văn phòng Nội các Công đảng Rachel Reeves nói với tờ POLITICO rằng, quy mô rủi ro đối với tiền đóng thuế được tiết lộ trong báo cáo là “gây sốc”.
Còn người phát ngôn của Chính phủ Anh khẳng định: “Trong thời kỳ đại dịch, ưu tiên của chúng tôi luôn là bảo vệ công chúng và cứu sống con người, và chúng tôi đã sử dụng các quy tắc hiện hành để mua thiết bị và vật tư cứu sinh, chẳng hạn như PPE cho tiền tuyến của dịch vụ y tế quốc gia (NHS)”.
Cũng theo người phát ngôn, tất cả gói thầu PPE đều trải qua cùng một quy trình đảm bảo, và ngoài ra, việc khảo sát tính khả thi được thực hiện trên mọi hợp đồng - nơi "các bộ trưởng không có vai trò gì trong việc trao chúng".
Về các "làn đường VIP" cho hợp đồng do các nghị sĩ giới thiệu, Chính phủ chỉ ra rằng, chỉ 10% trong số đề xuất có độ ưu tiên cao dẫn đến các đơn đặt hàng PPE. Người phát ngôn cho biết thêm, danh sách ưu tiên "đã được công bố rộng rãi trên toàn Chính phủ như một cách nhanh chóng hơn để thu hút các đề xuất hỗ trợ".
Vấn đề không chỉ ở nước Anh
Vấn đề nêu trên không chỉ giới hạn ở Vương quốc Anh. Đối mặt với cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có, dưới áp lực của công chúng và nhu cầu cấp thiết về thiết bị ứng phó đại dịch, không ít chính phủ và đơn vị mua sắm trên khắp châu Âu đã vi phạm hợp đồng công bằng.
Tại Đức, 3 nghị sĩ và 1 nhà lập pháp bang Bavaria - người trước đây là Bộ trưởng Tư pháp của bang - đã từ chức và đang bị điều tra liên quan đến cáo buộc nhận lại quả từ môi giới các giao dịch mua bán khẩu trang.
Trong khi, tại Ý, Domenico Arcuri - cựu Ủy viên của Ủy ban Khẩn cấp COVID bị cáo buộc biển thủ công quỹ liên quan đến thỏa thuận trị giá 1,25 tỷ euro mua khẩu trang từ người bán Trung Quốc.
Theo các công tố viên, Domenico Arcuri đã chuyển tiền bất hợp pháp từ hợp đồng cho bạn bè và người quen - những người đóng vai trò môi giới cho thương vụ này. Các nhà chức trách Ý đã thu giữ số tài sản trị giá khoảng 70 triệu euro được nghi ngờ là có được bất hợp pháp thông qua hợp đồng mua sắm.
Với lợi nhuận lớn như vậy, thị trường đã chín muồi cho những kẻ lừa đảo và kẻ cơ hội, đặc biệt là trong bối cảnh mạng lưới chống tham nhũng đã bị hạ xuống trong thời kỳ khủng hoảng - cho phép các công ty và cá nhân có mối quan hệ chính trị vượt qua những biện pháp kiểm soát hợp đồng nghiêm ngặt của trạng thái bình thường.
Theo Martin McKee - giáo sư y tế công châu Âu tại Trường Y học nhiệt đới và vệ sinh dịch tễ London: “Đã có nhiều thất bại trong việc mua sắm, gây mất mát tiền bạc và sinh mạng... Mặc dù một số sai lầm là không thể tránh khỏi do tính cấp bách khi bắt đầu cuộc khủng hoảng, nhưng nhiều sai lầm lẽ ra có thể tránh được".
Báo cáo mà tờ POLITICO thu thập được đã liệt kê nhiều hợp đồng trên khắp EU, trong đó tội phạm cũng như các cá nhân có quan hệ chính trị đã phá hoại hệ thống mua sắm công, bỏ túi hàng triệu euro mà không cần cung cấp thiết bị; cung cấp thiết bị dưới tiêu chuẩn và không phù hợp; hoặc tính phí quá mức đáng kể; tham ô, hối lộ...
Tham nhũng trong mua sắm công không phải là mới. Các nghiên cứu trước đây đã ước tính rằng từ 5 - 10% giá trị của các hợp đồng công có thể bị mất vào tay tham nhũng - Rafael García Aceves, điều phối viên chính sách về hợp đồng công tại TI cho biết.
Trong điều kiện bình thường, Chính phủ các nước EU và cơ quan mua sắm của họ đưa các hợp đồng ra đấu thầu, nhận nhiều hồ sơ dự thầu và công bố quyết định của họ dựa trên các tiêu chí được quy định nghiêm ngặt. Các quy tắc được thiết kế để thúc đẩy cạnh tranh minh bạch, công bằng, và chúng cũng được áp dụng ở Vương quốc Anh.
Trong một cuộc khủng hoảng như đại dịch, những quy tắc này cho phép các hợp đồng trực tiếp, nhanh hơn, bỏ qua các quy trình quảng cáo và đấu thầu. Tuy nhiên, sau khi thỏa thuận được thực hiện, thông báo quyết định trao hợp đồng vẫn phải được công bố trong vòng 90 ngày.
Giáo sư McKee cho rằng: “Một trong những mục đích của các thủ tục thông thường là để tăng tính minh bạch và giảm nguy cơ tham nhũng. Bởi vậy, việc đình chỉ các thủ tục này sẽ gây ra rủi ro".
Những khuyến nghị
Báo cáo của TI Vương quốc Anh gióng lên cảnh báo về thực trạng nhiều hợp đồng liên quan đến COVID-19 đã được trao mà không có bất kỳ hình thức cạnh tranh nào, "nhiều hợp đồng không có sự biện minh thích đáng".
Nhóm này đang kêu gọi Chính phủ Anh ngay lập tức trả lại trạng thái hợp đồng mở, cạnh tranh cho tất cả hoạt động mua sắm của khu vực công như một mặc định.
Bên cạnh đó, TI cũng kêu gọi kiểm toán khẩn cấp tất cả 73 hợp đồng bị gắn "cờ đỏ" có dấu hiệu tham nhũng và khuyến nghị rằng, "làn đường nhanh" cho các hợp đồng PPE sẽ bị đóng lại nếu nó vẫn đang hoạt động.
Một vấn đề khác mà báo cáo của TI chỉ ra là chỉ có 10% nhà cung cấp có thể xác định được bằng mã số doanh nghiệp tại dữ liệu mua sắm trong COVID-19, trong khi đây là thông tin cơ bản để bảo đảm sự minh bạch.
TI kêu gọi Chính phủ Vương quốc Anh thực hiện một loạt đề xuất trong kế hoạch cải cách mua sắm của mình, yêu cầu các thông tin phải được công bố rộng rãi.
Hoài Phương
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Viện Trần Nhân Tông có chuyên môn về Phật học, nhưng vẫn trúng gói thầu Biên soạn và xuất bản Bộ Địa chí huyện Đan Phượng với giá 8,347 tỷ đồng tại huyện Đan Phượng, dù nhà thầu này bỏ giá cao hơn 747 triệu đồng so với đơn vị.. . trượt thầu.
Công Thắng - Phạm Hoa
21:13 11/11/2024(Thanh tra) - Bộ Chính trị đề nghị Trung ương Đảng xem xét, xử lý kỷ luật các 2 nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ là các ông Ngô Đức Vượng và Nguyễn Doãn Khánh. Còn nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Dân Mạc do bị bệnh nặng nên chưa xem xét kỷ luật.
Hương Giang
20:28 11/10/2024Lê Phương
10:00 23/08/2024Phương Hiếu
21:34 22/08/2024Hương Giang
19:26 14/08/2024Hương Giang
15:49 03/08/2024Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải
Trần Quý
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Văn Thanh
Phương Anh
Phương Anh
Lê Phương