Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ hai, 03/06/2019 - 19:34
(Thanh tra)- Cuộc đua vào lớp 10 trường công lập trên địa bàn TP Hà Nội chưa bao giờ “hạ nhiệt”. Năm học 2019 - 2020, chỉ có khoảng 62% thí sinh dự thi được đặt chân vào trường công. Trước “sức nóng” của kỳ thi, nhiều phụ huynh chia sẻ, rất lo lắng, nhưng không tạo áp lực cho con, nếu con trượt trường công, đành chấp nhận học trường tư…
Thí sinh vui vẻ sau khi kết thúc 4 môn trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội. Ảnh: HH
Đề thi theo lối mòn cũ
Trong 2 ngày 2-3/6, hơn 85 nghìn thí sinh Hà Nội đã bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020. Kết thúc 2 ngày thi, nhiều chuyên gia giáo dục nhận xét, đề thi các môn khá an toàn, cấu trúc đề thi đi theo lối mòn cũ.
Cho ý kiến về đề thi Ngữ Văn năm nay, TS Trịnh Thu Tuyết - Giáo viên Ngữ văn của Trung tâm Học Mãi nhận xét, đề thi vừa sức và không làm khó học trò. Dạng đề quen thuộc, không đánh đố, học sinh khá có thể 7,5 hoặc 8, giỏi có thể 8,5 hoặc 9 điểm.
Tuy nhiên, cô Tuyết cũng cho rằng, đề thi không có gì mới, cũng như rất nhiều năm nay, sự lặp lại kiểu dạng, cấu trúc và nội dung kiến thức ít nhiều tạo ra tâm lý học văn theo mẫu, theo công thức, giảm bớt hứng thú cho học trò khi làm bài.
Chung nhận xét, cô Đặng Nguyệt Anh - Giáo viên Văn Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam chia sẻ: Đề thi Văn của Hà Nội năm nay vừa sức và vẫn rất an toàn. Giá có một câu hỏi nhỏ để thử sức học sinh giỏi thì sẽ hay hơn.
Nói về đề thi Toán, thầy Trần Mạnh Tùng - Giáo viên Toán, Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng: Đề thi giữ cấu trúc tương tự như những năm trước. Các kiến thức khá cơ bản, học sinh được rèn luyện nhiều. Với đề thi như vậy, thầy Tùng nhận xét, điểm sẽ tương tự như năm 2018. Phổ điểm chủ yếu là 6-8. Điểm 9 số ít và hiếm điểm 10.
Năm nay, lần đầu tiên Hà Nội áp dụng phương thức thi 4 môn để tuyển sinh vào lớp 10, thay vì chỉ thi 2 môn Ngữ văn và Toán như đã áp dụng hơn 10 năm qua.
Việc có thêm 2 môn thi mới (Ngoại ngữ và Lịch sử) gây áp lực và nhiều băn khoăn, lo lắng cho thí sinh. Tuy nhiên, kết thúc buổi thi sáng 3/6, các thí sinh đều nhận xét đề thi “dễ thở”. Với bài thi trắc nghiệm, nhiều thí sinh tự tin được 9 điểm.
Phạm Thị Thái Dương - học sinh Trường THCS Giáp Bát cho biết, cả 2 đề thi Tiếng Anh và Lịch sử đều dễ. Mặc dù thi trắc nghiệm, thời gian làm bài 60 phút, nhưng cả 2 môn em đều làm thừa thời gian tới 20 phút. Dương dự kiến Tiếng Anh và Lịch sử đều đạt 9,5 điểm.
"Khi biết năm nay phải thi 4 môn, em thấy rất áp lực vì chỉ còn 3 tháng nữa là đến kỳ thi. Thời gian gần thi em phải "cày" ngày, "cày" đêm để hệ thống lại kiến thức. Mặc dù vất vả hơn, nhưng em nghĩ rằng, việc thi 4 môn là cần thiết, để học sinh chúng em bỏ tâm lý không học các môn phụ.
Kết thúc buổi thi sáng ngày 3/6 nhiều thí sinh đã có thể nghỉ ngơi, những thí sinh dự thi vào trường chuyên tiếp tục làm bài thi trong chiều 3/6 và sáng 4/6.
Thấp thỏm chờ đợi
Theo con số thống kê của Sở GD&DT Hà Nội, năm nay có 85.873 thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 công lập ở Hà Nội. Tổng nguyện vọng 1 và 2 đăng ký dự tuyển vào các trường là 167.678 thí sinh. Chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường công lập là 63.090 (khoảng 62%). Như vậy, khoảng 23.000 học sinh sẽ phải lựa chọn phương án khác, học các trường dân lập, trường nghề, hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên...
Chia sẻ về nguyện vọng của mình, nhiều phụ huynh cho biết, dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng bố mẹ cũng phải chắt chiu để cho con đi học trường tư.
Anh Đặng Văn Đoàn (Yên Xá, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) có con gái thi vào Trường THPT Lê Quý Đôn mong muốn con sẽ được học trong ngôi trường công lập ưng ý. Mặc dù từ lớp 1 đến lớp 9 con đều là học sinh giỏi, nhưng anh Đoàn vẫn không khỏi lo lắng bởi "học tài thi phận", rồi tỷ lệ chọi vào trường con đăng ký thuộc top cao, không đỗ thì sẽ phải học trường dân lập tốn tiền lắm.
Cháu đăng ký nguyện vọng vào 2 trường công lập là Trường THPT Lê Quý Đôn và Trường THPT Quang Trung, nhưng trước áp lực của kỳ thi, gia đình tôi đã phải mua thêm hồ sơ vào Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh để dự phòng.
Nhà có 2 con ăn học, anh lớn học Trường Đại học Kinh doanh Công nghệ Hà Nội, học phí trường dân lập cao, nên giờ mong muốn con gái được học vào trường công lập cho bố mẹ đỡ nặng gánh.
Anh Đoàn kể, nuôi 1 đứa con ăn học ở Hà Nội bằng nuôi 5 đứa ở quê. Chi phí cái gì cũng đắt đỏ. Con gái thi vào lớp 10, một tháng tiền học thêm cũng lên tới 8 triệu đồng. Riêng học thêm Lịch sử, phải mời cô giáo về nhà ôn thi cấp tốc 1 ngày 300 nghìn đồng, tuần 3 buổi. Ngoài ra còn học thêm Tiếng Anh, Toán, Văn mỗi môn 2 buổi/tuần, mỗi buổi 150-200 nghìn đồng.
Nhiều gia đình bố mẹ phải xoay sở đủ nghề cho con học. Gia đình chị Nguyễn Thị Chuyên (Dương Nội, Hà Đông) là trường hợp như vậy. Chị Chuyên chia sẻ: Chồng làm công nhân xây dựng, công việc lúc có, lúc không, mình thì làm công nhân tại xưởng sản xuất nhỏ lẻ tại địa phương, thu nhập 1 tháng của gia đình được 10 triệu đồng, nhưng tiền nuôi 2 con ăn học đã hết 7-8 triệu đồng.
Chị Chuyên tâm sự: Bố mẹ không được ăn học đến nơi đến chốn nên giờ vất vả, vì vậy gia đình chị luôn tạo mọi điều kiện cho con. Con chị thi nguyện vọng 1 vào Trường THPT Lê Lơi, nguyện vọng 2 vào Trường THPT Trần Hưng Đạo, nhưng ở lớp con chỉ học lực trung bình khá nên gia đình rất lo lắng. Nếu con không đỗ được vào trường công lập thì bố mẹ lại phải cố gắng làm thêm để cho con học trường dân lập.
Năm nay, việc đỗ - trượt của thí sinh chỉ được quyết định bằng điểm thi của kỳ thi tuyển sinh này nên phụ huynh không khỏi lo lắng.
Thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra kỳ thi Bà Đoàn Thị Kiều Oanh - Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, Sở điều động 338 cán bộ thanh tra làm việc tại 169 điểm thi. Mỗi điểm thi có 2 thanh tra cắm chốt. Ngoài ra, còn có 14 tổ giám sát hoạt động của đoàn thanh tra (mỗi tổ có 3 người). Các đoàn thanh tra, kiểm tra làm việc từ ngày 13/5, với các nội dung chủ yếu, thanh tra công tác chuẩn bị kỳ thi; kiểm tra tính điểm THCS, điểm cộng thêm và công tác xét công nhận tốt nghiệp THCS; kiểm tra cơ sở vật chất các điểm thi, giám sát Ban ra Đề thi; giám sát việc nhận, bàn giao đề thi tới các điểm thi... Sau 2 ngày thi, Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT Hà Nội nhận xét, kỳ thi diễn ra khá an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế. Kết thúc kỳ thi, từ 3-16/6, Sở GD&ĐT Hà Nội, thành lập 1 đoàn thanh tra công tác chấm thi; từ 27/6-11/7 thanh tra chấm phúc khảo. |
9 thí sinh vi phạm quy chế thi Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, 4 môn thi có tổng số 85.557 thí sinh đăng ký dự thi tại 169 điểm thi, 3.651 phòng thi. Có 9 thí sinh vi phạm quy chế thi. Trong đó, 6 thí sinh vi phạm quy chế thi trong môn thi Ngữ Văn (3 thí sinh bị đình chỉ, 3 thí sinh bị khiển trách); 2 thí sinh vi phạm quy chế thi môn Toán bị đình chỉ. Sau 2 môn thi Lịch Sử và Ngoại ngữ có 1 thí sinh vi phạm quy chế bị xử lý kỷ luật. Đáng nói, có 4 giám thị đã vắng mặt trong buổi thi môn Toán. |
Hải Hà
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị dơ kết công tác bảo vệ bí mật Nhà nước năm 2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo diễn ra ngày 10/12.
Lê Phương
20:16 10/12/2024(Thanh tra) - Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP Ninh Bình, bị phê bình nhiều lần và trong năm học 2024 - 2025 đã có nhiều dư luận về chuyên môn cũng như tổ chức dạy học, thu chi, nhưng không biết có được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Ninh Bình đưa vào quyết định đã ban hành để kiểm tra hay không?
Nam Dũng
20:00 10/12/2024TC
19:09 10/12/2024Nam Dũng
11:32 10/12/2024Lê Phương
21:30 06/12/2024Trọng Tài
09:47 06/12/2024Theo VietinBank
Liên Hương
Thu Nga
Trung Hà
Bùi Bình
Bùi Bình
Trung Hà
Trung Hà
Trần Kiên