Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Trách nhiệm thuộc về ai?

Thứ sáu, 07/12/2018 - 06:38

(Thanh tra)- Thời gian qua đã xảy ra hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm tại các trường học. Thực trạng này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguồn thực phẩm bẩn được tuồn vào trường học. Ai là người phải chịu trách nhiệm trước sức khỏe, tính mạng của hàng triệu học sinh?

Phụ huynh tố nhiều loại thực phẩm bẩn đã bị tuồn vào bếp ăn nhà trường

Liên tiếp ngộ độc thực phẩm

Hiện trên cả nước, rất nhiều trường học có bếp ăn bán trú, số học sinh sử dụng bữa ăn tại trường là rất lớn.

Chỉ tính riêng Thủ đô Hà Nội, qua thống kê sơ bộ của Sở Giáo dục và Đào tạo, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 1.600 trường học có tổ chức cho học sinh ăn bán trú, chiếm 65% tổng số trường của toàn thành phố. Trong số này, số trường mầm non và tiểu học chiếm tỷ lệ hơn 90%, số còn lại là trường THCS và một số ít trường THPT.

Với số lượng học sinh tham gia ăn bán trú đông như vậy, việc bảo đảm tuyệt đối an toàn vệ sinh thực phẩm tại các trường phải được đặt lên hàng đầu, nhưng thực tế lại chưa được coi trọng.

Mới đây nhất, vào trung tuần tháng 11 đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại Trường Mầm non Xuân Nộn, huyện Ðông Anh, khiến 223 trẻ mầm non và 2 giáo viên bị ngộ độc, phải cấp cứu tại bệnh viện.

Nguyên nhân vụ ngộ độc cũng đã được cơ quan chuyên môn xác định là do ăn phải bánh ngọt có nhiễm khuẩn trong bữa ăn tự chọn nhà trường tổ chức trưa 14/11.

Ngay cả ở trường quốc tế - nơi có mức đóng góp cao lên tới hàng trăm triệu đồng trong một năm học như Trường Song ngữ Quốc tế Hanoi Academy, thì nghi vấn ngộ độc thực phẩm cũng không loại trừ. Trong 2 ngày 30 - 31/10 vừa qua, có nhiều học sinh khối THCS trường này bị nghi ngộ độc thực phẩm sau khi dùng bữa ăn được nhà trường chế biến.

Không chỉ Hà Nội, tình trạng ngộ độc thực phẩm trong trường học cũng diễn ra ở nhiều tỉnh, thành trên khắp cả nước.

Đầu tháng 12 này, tại Hà Nam, 1 cơ sở cung cấp thực phẩm vào điểm trường Tiên Lý (thuộc Trường Mầm non Đồn Xá, xã Đồn Xá, huyện Bình Lục), cũng đã bị chính quyền địa phương yêu cầu chấm dứt hợp đồng do phụ huynh phát hiện rau sâu thối, tôm ươn, chân giò lợn đầy lông, dính phân ở móng… được tuồn vào bếp ăn của trường.

Trước đó, trong tháng 10/2018, 352 học sinh Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Ninh Bình) bị ngộ độc thực phẩm. Theo kết quả từ Viện Kiểm nghiệm quốc gia, phát hiện độc tố khuẩn cầu vàng ở cả thực phẩm sống và thực phẩm chín của món ruốc gà.

Tại Hà Giang, hơn 150 học sinh Trường Tiểu học bán trú Xín Cái (xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc) có biểu hiện bị ngộ độc thực phẩm, mà nguyên nhân được xác định là do thức ăn nhiễm tụ cầu vàng.

Cần quy trách nhiệm đến cùng

Chỉ trong thời gian ngắn đã liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm tại trường học. Thực trạng này khiến phụ huynh vô cùng lo lắng cho sự an toàn và sức khỏe của con em mình… Các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt để ngăn chặn tình trạng trên.

Tuy nhiên, thực tế lại không phải như vậy, cách xử lý có phần “nương nhẹ”, “đá bóng” trách nhiệm, hay im lặng rồi để “chìm xuồng”… của các trường cũng như địa phương đang khiến các bậc phụ huynh bất an.

Báo Thanh tra từng phản ánh về nghi vấn ngộ độc thực phẩm tại Trường Song ngữ Quốc tế Academy. Để có câu trả lời làm rõ nghi vấn trên, PV Báo Thanh tra đã liên hệ tới nhà trường, nhưng đại diện trường này lại trả lời một cách né tránh: “Chúng tôi gửi kết quả lên Sở Y tế Hà Nội, PV cần thì lên đấy mà xin, nhà trường không có trách nhiệm phải cung cấp”. Đồng thời, vị đại diện này cũng khẳng định, việc này bên thứ 3 phải chịu trách nhiệm, chứ nhà trường có sản xuất ra nguyên liệu đâu mà biết?

Còn tại điểm trường Tiên Lý, việc tuồn thực phẩm bẩn vào trường học cũng chỉ được xử lý theo kiểu… tạm thời! Theo lãnh đạo xã Đồn Xá, xã đã yêu cầu nhà trường dừng hợp đồng với công ty cung cấp thực phẩm hiện tại để chuyển sang một đơn vị khác.

Lãnh đạo xã cũng chia sẻ, hiện nay huyện không có nơi nào làm kiểm định chất lượng thực phẩm. Vậy ai dám khẳng định đơn vị mới sẽ cung cấp nguồn thực phẩm an toàn?

Việc tuồn thực phẩm bẩn vào trường đã rõ, nhưng lại không có ai phải chịu trách nhiệm. Ban Giám hiệu nhà trường chỉ rút kinh nghiệm là xong!

Cách xử lý “nhẹ tay” như vậy phải chăng chính là nguyên nhân khiến tình trạng tuồn thực phẩm bẩn vào trường học tái diễn từ năm nay qua năm khác.

Để xử lý tận gốc vấn đề này, trả lời báo chí, bà Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội Khóa XIII cho rằng, cần có hình thức xử lý nghiêm với người đứng đầu trường học nếu để bếp ăn tập thể mất an toàn.

Khi một địa phương nào đó xảy ra ngộ độc thực phẩm trong trường học, lãnh đạo địa phương đó phải vào cuộc xử lý, phải làm rõ nguyên nhân và quy trách nhiệm đến cùng.

Bà An thẳng thắn, những vụ việc xảy ra như ở Ninh Bình, Hà Giang... cần phải tìm ra ai là người ký hợp đồng với đơn vị cung cấp thức ăn? Ai là người chịu trách nhiệm giám sát nguồn thực phẩm, mà để thực phẩm bẩn vào được trường học rồi nấu cho trẻ ăn? Chỉ có quy trách nhiệm đến cùng, xử lý rốt ráo thì mới đủ sức răn đe…

Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm