Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hải Lâm
Thứ năm, 07/11/2024 - 16:33
(Thanh tra) - Ở những điểm trường cắm bản vùng cao, biên giới của huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La khi mặt trời khuất bóng và màn đêm buông xuống, những lớp học “đặc biệt” lại sáng đèn đều đặn từ thứ Hai đến thứ Sáu. Những lớp học này không dành cho học sinh phổ thông mà cho những học viên đặc biệt, những người đã lớn tuổi, đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số và phần lớn trong số họ chưa bao giờ được cầm trên tay một cuốn sách, biết đến con chữ.
Các học viên lớp xóa mù chữ bản Mo, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã. Ảnh: Sông Mã
Vào 19 giờ tối, dù là lúc cơm nước sau một ngày lên nương vất vả, ánh đèn pin, đèn xe máy vẫn lấp loáng hướng về lớp học tại điểm trường Chiềng Xôm, xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã. Lớp học xóa mù chữ này có đến 90 học viên, tất cả đều là người dân tộc Thái.
Trong lớp, học viên lớn tuổi nhất đã 60, người trẻ nhất cũng gần 20 tuổi, có người đã ở tuổi làm ông, làm bà, nhưng đây là lần đầu tiên họ biết đến con chữ.
Trong thời gian hơn 7 tháng, các học viên sẽ được truyền đạt các kỹ năng cơ bản về nghe, nói, đọc, viết chữ và một số phép tính trong chương trình sách giáo khoa tiểu học.
Đội ngũ giáo viên tại đây không chỉ có kinh nghiệm giảng dạy mà còn hiểu rõ phong tục tập quán, biết tiếng dân tộc, luôn nhiệt tình và có trách nhiệm trong công việc. Sự tận tụy của họ giúp học viên vượt qua sự e ngại ban đầu, từ đó mở lòng đón nhận tri thức.
Bà Tòng Thị Phiêu, ở bản Chiềng Xôm chia sẻ: “Ban đầu đi học cũng khá ngại vì tuổi mình đã cao, thế nhưng được học chữ lại thấy vui. Biết chữ giúp mình thêm tự tin, hiểu biết để nâng cao cuộc sống”.
Đối với bà Phiêu và nhiều học viên khác, học chữ là con đường để họ mở rộng hiểu biết và hòa nhập với cộng đồng, là bước đầu tiên để họ biết đọc, biết viết, biết tính toán phục vụ cuộc sống.
Chị Cà Thị Kiên, cũng ở bản Chiềng Xôm hào hứng với những gì học được: “Bây giờ trong bản có nhiều người biết đọc, biết viết rồi, mình không biết chữ thì lạc hậu lắm. Biết chữ, biết tính toán tôi sẽ bán các mặt hàng đặc sản Tây Bắc trên Facebook để kiếm thêm thu nhập”. Với chị Kiên, học chữ không chỉ là cách phát triển bản thân mà còn là cơ hội phát triển kinh tế, giúp gia đình có thêm thu nhập.
Ông Lèo Văn Duyên, giáo viên trường Tiểu học Chiềng Cang và là người trực tiếp giảng dạy lớp học chia sẻ: “Lúc đầu do tâm lý e ngại, tự ti, nên bà con vẫn chưa mạnh dạn đến lớp học. Dần dần, người này rủ người kia, được tiếp xúc với con chữ, thì họ rất hào hứng, lớp học ngày càng đông. Chúng tôi luôn động viên và đưa ra những kiến thức dễ nhất cho bà con tập làm quen”.
Chính sự kiên trì và thấu hiểu của thầy Duyên đã giúp lớp học thêm gắn kết, tạo sự tự tin cho bà con trong hành trình chinh phục con chữ.
Lớp học không chỉ mang lại kiến thức mà còn gắn kết cộng đồng. Mỗi buổi học là một cơ hội để mọi người chia sẻ, giúp đỡ nhau. Những câu chuyện đời thường, những kinh nghiệm làm ăn được trao đổi sôi nổi, tạo nên một không khí học tập đầy hứng khởi.
Những lớp học xóa mù chữ nơi biên giới Sông Mã không chỉ là nơi trao tri thức, giúp người dân hiểu biết hơn mà còn mở ra những cơ hội mới, thắp sáng lòng quyết tâm của người dân vượt qua khó khăn, làm chủ con chữ, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Đây là hành trình chậm rãi nhưng ý nghĩa, giúp len lỏi và bén rễ văn hóa, tri thức ở những nơi xa xôi của Tổ quốc, nơi mà mỗi chữ cái, mỗi con số đều mang theo bao mơ ước và niềm tin.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn dành sự quan tâm đặc biệt, ưu tiên nhiều nguồn lực đầu tư và biên chế cho phát triển sự nghiệp giáo dục; đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách để phát triển giáo dục, nhất là ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời, đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện.
Nam Dũng
11:32 10/12/2024(Thanh tra) - Cho ý kiến vào Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, đa số các ý kiến của các chuyên gia giáo dục đều ủng hộ việc bỏ hình thức xét tuyển sớm và cần siết chặt lại các quy định, để công tác tuyển sinh công bằng và hiệu quả hơn.
Lê Phương
21:30 06/12/2024Trọng Tài
09:47 06/12/2024Lê Phương
21:23 05/12/2024Lê Phương
21:22 05/12/2024Phương Hiếu
22:47 04/12/2024Bích Tuệ
T.Thanh
Phương Anh
Nguyễn Điểm
Trần Quý
Nguyễn Điểm
Trần Kiên
TK
Trọng Tài
Đông Hà