Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phụ huynh, học sinh băn khoăn chọn môn thi tốt nghiệp THPT 2025

Lê Phương

Thứ năm, 05/12/2024 - 21:22

(Thanh tra) - Kể từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT thực hiện theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 - chương trình giáo dục với mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Số môn thi giảm từ 6 xuống còn 4, đồng nghĩa với số tổ hợp xét tuyển đại học giảm. Tuy nhiên, việc chọn môn thi theo định hướng nào là điều nhiều phụ huynh và học sinh băn khoăn bởi việc lựa chọn môn thi tốt nghiệp đóng vai trò quan trọng để xét tuyển vào đại học.

Kể từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT thực hiện theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 - chương trình giáo dục với mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Ảnh: LP

Theo đó, đề thi dựa vào yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực quy định trong chương trình. Đây là điểm khác biệt lớn nhất so với chương trình giáo dục 2006, hướng mục tiêu cung cấp kiến thức, kỹ năng cho học sinh. Cấu trúc đề thi của các môn thi cũng được thay đổi khác so với các năm trước.

Khác với dạng câu hỏi trắc nghiệm của các đề thi hiện nay, đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ xuất hiện thêm một số dạng thức câu hỏi mới nhằm tăng cường tính phân hóa của đề thi tất cả các môn để đạt được các mục tiêu của kỳ thi như đã công bố trong phương án thi.

Em Lê Thị Thu Linh, học sinh lớp 12, Trường THPT Đông Sơn (Thanh Hóa) cho biết dù đã lựa chọn môn học thì khi bước chân vào bậc THPT, nhưng đến thời điểm này em cũng chưa chốt được quyết định của mình. Tuy nhiên, em dự định xét tuyển các ngành liên quan đến chính trị như Triết học, Xây dựng Đảng và Chính quyền nhà nước. Ở trường, Linh tập trung học Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý để phù hợp với tổ hợp xét tuyển. Bên cạnh đó, Linh cũng đang tự ôn kiến thức các môn còn lại để tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Cũng giống Thu Linh, Nguyễn Minh Thành, học sinh lớp 12, Trường THPT Đống Đa (Hà Nội) cho biết sẽ thi đánh giá năng lực và làm bài thi tốt nghiệp các môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh và Vật lý, với mục tiêu xét tuyển các ngành như Báo chí, Marketing hay Luật.

Minh Thành chia sẻ: "Em đã suy nghĩ về ngành học từ những năm cấp hai. Nhưng mãi đến khi vào THPT, em mới biết mình hợp với những ngành khoa học xã hội. Tuy nhiên, đến thời điểm này em vẫn chưa xác định ngành nào sẽ là ưu tiên vì còn dao động trước các lựa chọn. Các thầy cô cũng giúp em xác định môn học phù hợp, nhưng em chưa biết sẽ lựa chọn thế nào để đạt kết quả tốt nhất".

Còn Trần Hải Minh, học sinh lớp 12, Trường THPT Quốc Oai (Hà Nội), cho biết: "Dù em thích làm việc nhóm, tương tác với đám đông nhưng em quan tâm nhiều hơn đến công việc có tính ổn định lâu dài. Em cũng hứng thú với hoạt động vẽ kỹ thuật nên quyết định chọn các ngành thuộc lĩnh vực xây dựng để theo đuổi đam mê của mình". Ngoài tập trung vào các môn Toán, tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp, hiện tại Hải Minh chú trọng trau dồi kỹ năng vẽ để thi năng khiếu, xét tuyển vào Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội.

Chị Lê Thị Huệ (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, hai con trai chị đang học năm cuối bậc phổ thông. Trong những năm qua, gia đình chị luôn đồng hành cùng các con trong chặng đường học tập cũng như trao đổi với nhau về lựa chọn hướng đi phù hợp với khả năng cũng như năng lực của các con. Khác với con gái thi tốt nghiệp THPT mấy năm trước, năm nay, hai con trai chị đang phải "cân não" để lựa chọn môn thi tốt nghiệp đóng vai trò quan trọng để xét tuyển vào đại học.

Chị Huệ cũng cho biết, hai con trai chị dự định đăng ký nguyện vọng xét tuyển những ngành liên quan đến kinh tế. “Con trai tôi sẽ ôn tập các môn trọng tâm như Toán, tiếng Anh, Vật lý và Hóa học. Bên cạnh đó, tôi cũng khuyên con nên tự học các môn xã hội để hoàn thành tốt bài thi đánh giá năng lực. Tôi tin, qua chia sẻ của gia đình, tư vấn của các thầy cô cũng như qua tìm hiểu thực tế, các con sẽ lựa chọn hướng đi phù hợp với năng lực của mình và đạt kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp 2025 và lựa chọn tương lai cho mình”, chị Huệ chia sẻ. 

Về phía giáo viên, cô Nguyễn Thị Dung, giáo viên dạy Toán Trường THPT Lê Văn Hưu (Thanh Hóa) cho rằng, học sinh cần phải cân nhắc kỹ càng việc chọn môn thi, nên có sự tham vấn của thầy cô và phụ huynh, hạn chế thấp nhất phải thay đổi môn thi.

"Đây là quyết định quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến kết quả tốt nghiệp cũng như hướng đi tiếp vào đại học và cao đẳng. Các em cũng cần cân nhắc chọn môn học phù hợp với năng lực học tập, sở trường, điểm mạnh của bản thân, không nên theo cảm tính, đám đông. Ngoài ra, các em cần phải xác định rõ lĩnh vực, nghề nghiệp mà mình mong muốn hoặc có dự định theo đuổi. Cuối cùng, học sinh cần tham khảo ý kiến của cha mẹ, thầy cô, các kênh thông tin tuyển sinh của các trường đại học để có căn cứ lựa chọn chính xác, có định hướng nghề nghiệp tương lai, tăng cơ hội trúng tuyển".

Liên quan đến lựa chọn môn thi, TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, học sinh đã lựa chọn môn học từ năm lớp 10. Do đó, việc học sinh chọn 2 môn tự chọn để thi tốt nghiệp thời điểm này, thực chất lựa chọn lại lần nữa trong số các môn học sinh đã chọn học từ lớp 10. Vì vậy, không phải học sinh nào cũng có thể chọn 4 môn thi tốt nghiệp theo 36 cách lựa chọn khác nhau khi kết hợp tất cả 9 môn tự chọn.

"Đến thời điểm này, có lẽ cả học sinh và trường đại học đều đang nhìn nhau. Các trường đại học không biết học sinh đang chọn môn thi tốt nghiệp theo hướng nào để đưa ra tổ hợp xét tuyển. Ngược lại, học sinh thì không biết các trường xét tuyển theo tổ hợp nào để chọn môn thi. Do vậy, cần tìm một giải pháp phù hợp cho học sinh cũng như các trường đại học khi tham gia xét tuyển", TS Nguyễn Đức Nghĩa nhấn mạnh.

Cũng theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, một giải pháp chung có thể đưa ra là trường đại học xét tuyển theo tổng điểm thi tốt nghiệp 4 môn của học sinh, tránh tình trạng đưa ra tổ hợp xét tuyển mà ít thí sinh sử dụng. Hoặc các trường đưa ra 36 tổ hợp xét tuyển mà học sinh có thể lựa chọn theo các môn thi tốt nghiệp. Tất cả học sinh đều có thể lựa chọn tổ hợp xét tuyển.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm