Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Nỗ lực cung ứng sách giáo khoa cho các địa phương chịu ảnh hưởng bão lũ số 3

Lê Phương

Thứ tư, 25/09/2024 - 09:21

(Thanh tra) - Do ảnh hưởng từ cơn bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu sau bão, các tỉnh, thành phố khu vực miền núi phía Bắc và Đông Bắc Bộ bị ngập nước sâu, phòng học bị tốc mái, nhiều công trình bị sập, đổ, vỡ kính; thiết bị dạy học, sách giáo khoa, đồ dùng học tập của học sinh bị nước cuốn trôi, ướt hỏng. Ngành Giáo dục ước tính sơ bộ thiệt hại lên tới trên 1.260 tỷ đồng, hư hỏng 41.564 bộ sách giáo khoa...

Thống kê sơ bộ có 41.564 bộ sách giáo khoa bị hư hỏng do ảnh hưởng bởi bão số 3. Ảnh: LP

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), số liệu báo cáo của 18/26 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi bão số 3 gửi về Bộ tổng hợp cho thấy, tổng thiệt hại về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học ước tính là 1.260 tỷ đồng; hư hỏng 41.564 bộ sách giáo khoa, trong đó, giáo dục tiểu học thiệt hại 23.943 bộ sách; THCS thiệt hại 10.598 bộ sách; THPT thiệt hại 7.023 bộ sách. Tỉnh Yên Bái thiệt hại nặng nề nhất, khi mất hơn 35.000 bộ sách, tiếp đến là Cao Bằng với hơn 7.400 bộ sách.

Để khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 và chuẩn bị các điều kiện đón học sinh trở lại trường học tập, Bộ GDĐT đã có văn bản gửi các sở GDĐT và các đơn vị tổ chức biên soạn, phát hành sách giáo khoa chủ động phối hợp với các địa phương rà soát, nắm bắt kịp thời tình hình sách giáo khoa bị hư hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3 để khẩn trương in ấn bổ sung và cung ứng kịp thời cho giáo viên, học sinh tổ chức dạy học, ưu tiên cho học sinh các lớp đầu cấp và cuối cấp; không để xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung sách giáo khoa.

Các sở GDĐT chủ động rà soát, thống kê tình hình thiệt hại về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, sách giáo khoa và đồ dùng học tập của nhà trường và học sinh do bão, lũ gây ra để có phương án khắc phục và báo cáo cấp có thẩm quyền. Phối hợp với các đơn vị cung ứng sách giáo khoa tại địa phương kịp thời cung cấp bổ sung sách giáo khoa cho học sinh, bảo đảm cung cấp đủ sách giáo khoa, giúp học sinh nhanh chóng ổn định học tập.

Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân cho biết, sau cơn bão số 3, ngành Giáo dục chịu thiệt hại rất lớn về con người, về trường lớp, về trang thiết bị dạy học. Thống kê sơ bộ, cần hơn 41 nghìn bộ sách giáo khoa để hỗ trợ cho các trường học. Ngay khi bão đi qua, Bộ GDĐT đã thành lập tổ công tác huy động nguồn lực từ đội ngũ nhà giáo, người lao động trên cả nước, học sinh, sinh viên và các doanh nghiệp, đơn vị ngoài nhà trường hỗ trợ giáo viên, học sinh ổn định cuộc sống, cấp phát trang thiết bị để giáo viên nhanh chóng có đồ dùng dạy học; hỗ trợ phương tiện giáo viên đến trường…

Về việc cung ứng sách giáo khoa, ông Ân cho biết, hiện nay các địa phương chọn các bộ sách khác nhau nên việc cung ứng sách giáo khoa cho học sinh cũng phải trên cơ sở là ở địa phương đấy chọn bộ sách giáo khoa gì. Theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018, cả nước hiện có 3 bộ sách giáo khoa do nhiều nhóm tác giả biên soạn. Phần lớn trường học chọn sách từ nhiều bộ. Một khối lớp có thể dùng sách giáo khoa với môn học này là sách Cánh diều, môn học khác ở sách Kết nối tri thức…

Ông Ân thông tin thêm, tại lễ phát động ngành Giáo dục ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3, Công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng đã tiếp nhận được hơn 8 tỷ đồng tiền mặt và 3,5 tỷ đồng bằng hiện vật (dụng cụ học tập, vở viết). Các tổ chức cứu trợ trẻ em, Plan International, Tổ chức Hành động vì giáo dục (AEA)… cam kết vận động để hỗ trợ ngành Giáo dục tối thiểu 4,05 triệu USD để hỗ trợ thực phẩm đồ uống, sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho học sinh.

Theo Phó Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam Nguyễn Văn Tùng, thực hiện chỉ đạo của Bộ GDĐT, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ dồn toàn lực để thực hiện nhiệm vụ. Theo thống kê, 25 tỉnh khu vực phía Bắc cần bổ sung khoảng 190 đầu sách các loại, từ lớp 1 đến 12. Hiện Nhà Xuất bản giữ bản quyền bộ "Chân trời sáng tạo" và "Kết nối tri thức với cuộc sống", trước mắt, sẽ tổ chức in ngay 10 triệu bản sách giáo khoa bổ sung. Cộng với số lượng sách hiện còn trong kho, Nhà Xuất bản sẽ cung ứng cho vùng lũ khoảng 18 triệu bản sách giáo khoa. Khi có số liệu chính xác nhu cầu của các địa phương, nếu còn thiếu, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ tổ chức in thêm.

Cũng theo ông Tùng, chi phí in gia công theo đơn giá bình quân cho 10 triệu bản sách ước khoảng dưới 30 tỷ đồng. Toàn bộ số sách giáo khoa in bổ sung cung cấp cho học sinh bị ảnh hưởng bởi bão lũ sẽ được triển khai với tinh thần phục vụ và áp dụng giảm 10% giá bìa (tương đương khoảng 50% chi phí phát hành). Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ dành một khoản kinh phí để tặng số lượng lớn sách giáo khoa cho học sinh những vùng bị thiệt hại nặng.

Ông Tùng cũng cho biết, tính đến ngày 18/9, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã trao tặng 2.200 bộ sách giáo khoa tới các tỉnh bị thiệt hại nặng nề nhất là Yên Bái, Lào Cai, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên... trị giá 550 triệu đồng. Và quyên góp ủng hộ 620 triệu đồng thông qua Công đoàn ngành Giáo dục gửi tới đồng bào vùng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.

Phía Công ty Cổ phần Đầu tư xuất bản thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC), đơn vị tổ chức biên soạn, phát hành bộ sách giáo khoa Cánh diều cũng huy động số sách tồn kho là 4,5 triệu bản dự trữ tại các kho đưa về Hà Nội và in thêm 500.000 bản để kịp thời cung ứng. VEPIC cũng có chính sách hỗ trợ giảm 50% giá sách giáo khoa cho nhà trường, học sinh các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của cơn bão.

Ngoài các nhà xuất bản, nhiều ngày qua, nhiều nhóm thiện nguyện cũng kêu gọi ủng hộ, trong đó có sách giáo khoa, đồ dùng học sinh. Tuy nhiên, việc các địa phương chưa thống kê được cụ thể số sách giáo khoa được sử dụng bị thiệt hại do bão lũ nên việc các nhóm thiện nguyện chưa biết nhu cầu sử dụng ra sao để quyên góp và phân loại.

Chị Nguyễn Thu Phương (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, khi kêu gọi mọi người ủng hộ sách giáo khoa, nhóm nhận được rất nhiều cuốn sách giáo khoa mới tinh, in và bọc đẹp đẽ chưa biết phân loại ra sao để trao tặng vì mỗi trường sử dụng mỗi bộ sách giáo khoa khác nhau. Hiện nhóm đang liên hệ với chính quyền địa phương, xin danh mục sách giáo khoa cụ thể để phân loại rồi mới gửi, tránh tình trạng nơi thừa, nơi thiếu không có sách sử dụng...

Tin rằng, với sự chung tay góp sức của toàn ngành cùng các mạnh thường quân trong việc tổng huy động các nguồn lực về sách giáo khoa, trang thiết bị dạy học, đồ dùng học sinh… cũng như việc xây dựng trường lớp sẽ góp phần giúp cho các trường vùng lũ sớm hoạt động trở lại bình thường.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm