Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Điện Biên nỗ lực giảm nghèo bền vững

Trần Trung

Thứ hai, 25/11/2024 - 15:03

(Thanh tra) - Thời gian qua công tác giảm nghèo ở Điện Biên đã đạt nhiều kết quả tích cực. Hiện nay, tỉnh Điện Biên đang nỗ lực hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giải trình một số nội dung về công tác giảm nghèo tại phiên giám sát của HĐND tỉnh Điện Biên mới đây. Ảnh: baodienbienphu.com.vn

Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc

Với đặc thù là tỉnh miền núi biên giới, 82% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Bởi vậy, khi triển khai thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã nhất quán với chỉ đạo: Các cấp, các ngành và mỗi cán bộ, đảng viên phải vào cuộc thực hiện tốt các chương trình, dự án giảm nghèo, tạo sinh kế ổn định cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, biên giới.

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Điện Biên được Trung ương giao tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) Giảm nghèo bền vững hơn 2.063 tỷ đồng. Vốn thực hiện năm 2023 trên 984 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương giao hơn 957 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 27 tỷ đồng; nguồn vốn huy động khác 450 triệu đồng, để triển khai 7 dự án như: Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất; phát triển giáo dục nghề nghiệp...

HĐND tỉnh ban hành 7 Nghị quyết, UBND ban hành 6 quyết định quy định cụ thể việc thực hiện các chương trình MTQG, trong đó có chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững.

Người dân Nậm Chua, Nậm Pồ có thêm thu nhập từ cây dứa. Ảnh: CTV

Để chỉ đạo thực hiện xuyên suốt, thống nhất, 10/10 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình MTQG do Chủ tịch UBND cấp huyện làm trưởng ban chỉ đạo; xây dựng quy chế hoạt động; phân công nhiệm vụ cụ thể cho thành viên.

Tương tự, cấp xã cũng thành lập Ban Quản lý thực hiện các chương trình MTQG do Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên, tổ chức đoàn thể phụ trách, giúp đỡ thôn, bản.

Với các giải pháp tổng thể từ tỉnh, huyện đến cơ sở, Chương trình Giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Điện Biên ngày một khởi sắc.

Chương trình giảm nghèo đã góp phần cải thiện rõ rệt điều kiện sống của người nghèo tỉnh Điện Biên. Một số nhu cầu thiết yếu như: Nhà ở, nước sinh hoạt, điện lưới quốc gia, giải quyết việc làm, y tế, giáo dục... được đáp ứng; khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân được nâng cao.

Tự nguyện xin thoát nghèo

Là hộ nghèo sẽ được quan tâm hỗ trợ nhiều mặt của Nhà nước, tuy nhiên, thời gian qua trên địa bàn tỉnh Điện Biên xuất hiện nhiều người nghèo đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, đăng ký thoát nghèo. Họ không hẳn đã hết khó khăn, không cần trợ giúp mà trong suy nghĩ họ không muốn tiếp tục ỷ lại, trông chờ mà tự lực vươn lên.

Không còn là cá biệt ở vài thôn, bản; những lá đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, đăng ký thoát nghèo ngày càng lan tỏa ở nhiều xã, huyện trên địa bàn tỉnh như Nậm Pồ, Mường Nhé, thị xã Mường Lay…

Phìn Hồ là xã biên giới, đặc biệt khó khăn của huyện Nậm Pồ nhưng đã có nhiều hộ tự nguyện xin rút khỏi danh sách hộ nghèo; năm 2022, xã có 44 hộ đăng ký thoát nghèo, đến năm 2023 có 48 hộ đăng ký thoát nghèo. 

Mô hình liên kết trồng bí xanh tại xã Mường Mươn, huyện Mường Chà. Ảnh: CTV

Năm 2024, bản Nậm Đích, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ có 5 trường hợp đăng ký thoát nghèo. Trước đó, (năm 2023), Chà Nưa có 7 hộ nghèo đăng ký thoát nghèo và kết quả 100% các hộ đăng ký đã thoát nghèo thành công…

Những trường hợp xin ra khỏi hộ nghèo để vươn lên bằng chính nghị lực và quyết tâm của mình được cấp ủy, chính quyền địa phương ủng hộ và vẫn tiếp tục dành sự quan tâm, giúp đỡ để họ vững tâm hơn trên hành trình thoát nghèo, vươn lên làm chủ cuộc sống.

Có thể kể đến những mô hình giúp bà con thoát nghèo như mô hình trồng bí xanh tại xã Mường Mươn, huyện Mường Chà đã trở thành cây giảm nghèo của xã; mô hình phát triển vùng nguyên liệu cây chanh leo, cây quế và phát triển vùng sản xuất rau, củ, quả an toàn tại xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ…

Hay những điển hình về nỗ lực thoát nghèo như hộ anh Vàng A Hồ, bản Nậm Đích, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ; hộ anh Thào A Lừ, bản Đệ Tinh 1, xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ…

Nhiều kết quả tích cực

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên cho biết: Dự kiến đến hết năm 2024, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh còn 22%, giảm 12,8% so với đầu kỳ, đạt 80,4% mục tiêu đến năm 2025; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 5%/năm. Trong giai đoạn đã hỗ trợ xây dựng, nhân rộng trên 200 mô hình, dự án giảm nghèo. Bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho 8.000 - 8.300 lao động, giải quyết việc làm cho 8.700 lao động. Đã có 1.621 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ làm nhà ở. Về thông tin, có 87,2% hộ có nhu cầu được tiếp cận, sử dụng dịch vụ viễn thông… góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn.

Triển khai thực hiện các chương trình giảm nghèo, 7 huyện thuộc nhóm huyện nghèo được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022, gồm: Điện Biên Đông, Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Chà, Mường Nhé và Nậm Pồ đã tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, nhất là vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững để hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; cùng với đó là sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của hộ nghèo.

Triển khai mô hình nuôi gà xương đen tại xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ. Ảnh: CTV

Giai đoạn 2021 - 2025, Điện Biên phấn đấu mỗi năm giảm từ 4% trở lên tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều; trong đó, các huyện nghèo giảm trung bình từ 5,5% trở lên; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân từ 5% trở lên. Năm 2025 tỉnh có 2 huyện thoát nghèo; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 18,9%...

Để đạt mục tiêu đó, Điện Biên xác định vừa phát huy kết quả đạt được, vừa tiếp tục đổi mới, sáng tạo trong công tác giảm nghèo bền vững. Đặc biệt là tiếp tục khơi dậy, phát huy hơn nữa ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo của người nghèo. Đồng thời, tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, nhất là vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững để hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập./.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Dinh dưỡng đủ đầy cho mẹ và bé

Dinh dưỡng đủ đầy cho mẹ và bé

(Thanh tra) - Vừa qua, tại Thái Bình, Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) đồng hành cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Bình tổ chức Hội thảo “Dinh dưỡng đủ đầy cho mẹ và bé” cho hơn 300 phụ nữ tỉnh Thái Bình. Đây là hoạt động nằm trong chương trình kết hợp dinh dưỡng để nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe cộng đồng mà Vinamilk đang thực hiện.

Uyên Phương

16:56 25/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm