Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Lại cho phép dạy ngoại ngữ cho trẻ mầm non

Thứ tư, 19/03/2014 - 09:40

(Thanh tra) - Ngày 18/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn cho phép những cơ sở có đủ điều kiện được phép tổ chức cho trẻ mầm non làm quen với ngoại ngữ…

Phương pháp dạy ngoại ngữ tốt nhất cho trẻ là "học mà chơi, chơi mà học". Nguồn: Internet

>> Cấm dạy thêm ngoại ngữ cho trẻ mầm non

Theo đó, ở những nơi có điều kiện, phụ huynh có nhu cầu, các cơ sở giáo dục mầm non có thể tổ chức thí điểm cho trẻ làm quen với ngoại ngữ khi đảm bảo các điều kiện: Cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu hoạt động làm quen với ngoại ngữ của trẻ.

Đối với giáo viên dạy ngoại ngữ, Bộ yêu cầu phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm ngoại ngữ (hoặc cao đẳng ngoại ngữ) trở lên, đạt năng lực ngoại ngữ bậc 4 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (ban hành kèm theo Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24/1/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) hoặc tương đương và được bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm mầm non.

Cùng với đó, nội dung và tài liệu thí điểm cho trẻ làm quen với ngoại ngữ phải được Sở Giáo dục và Đào tạo thẩm định và cho phép thực hiện.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu, việc tổ chức thí điểm cho trẻ mầm non làm quen với ngoại ngữ phải được thực hiện một cách nhẹ nhàng, thoải mái thông qua các trò chơi, bài hát, tranh ảnh… tạo niềm vui, hứng thú cho trẻ khi được làm quen với một ngôn ngữ mới, đồng thời không ảnh hưởng đến việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non, việc huy động trẻ ra lớp và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.

Các Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm quản lí, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thí điểm cho trẻ làm quen với ngoại ngữ và việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non trong các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn; hàng năm tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Vụ Giáo dục mầm non) vào thời điểm báo cáo tổng kết năm học.

Trước đó, cách đây đúng 1 tháng vào ngày 18/2/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn về việc chấn chỉnh việc tổ chức cho trẻ làm quen với ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục mầm non, yêu cầu tuyệt đối không tổ chức dạy thêm ngoại ngữ cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non, không quảng bá, tiếp thị các chương trình, phần mềm làm quen với ngoại ngữ chưa được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép áp dụng; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về dạy thêm, học thêm, về quản lý, thực hiện chương trình giáo dục mầm non trong các cơ sở giáo dục mầm non.

Lý giải về việc cấm dạy ngoại ngữ cho trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non trước đó, bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: Hiện nay, một số cơ sở giáo dục mầm non tổ chức dạy ngoại ngữ cho trẻ có thu tiền của phụ huynh, nhưng không đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Báo cáo của các Sở Giáo dục và Đào tạo cho thấy, có không ít cơ sở giáo dục mầm non tổ chức dạy ngoại ngữ cho trẻ, nhưng người dạy chưa đảm bảo về trình độ ngoại ngữ hoặc chưa có nghiệp vụ sư phạm; thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị hỗ trợ; nội dung tài liệu chưa phù hợp với độ tuổi, gây căng thẳng, mệt mỏi, ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ và việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non.

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ra yêu cầu trên, dư luận đã có nhiều ý kiến trái chiều. Một số nhà quản lý giáo dục và phụ huynh học sinh đồng tình với lệnh cấm  vì cho rằng, nhiều trẻ nói tiếng Việt còn chưa rõ nên khó học tiếng Anh. 

Tuy nhiên, phần lớn ý kiến đều không đồng tình với quyết định cấm của Bộ vì hiện có nhiều cơ sở được trang bị cơ sở vật chất hiện đại, có đội ngũ giáo viên đạt chuẩn. Không những thế nhiều cơ sở còn có giáo viên là người bản địa và có phương pháp sư phạm tốt. Nhiều người còn cho rằng, việc cấm cho trẻ mầm non làm quen với ngoại ngữ là đi ngược lại với xu thế phát triển, hội nhập, gây thiệt thòi lớn không chỉ cho trẻ mầm non mà cả đất nước trong tương lai.


PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh: 0 - 6 tuổi là thời kỳ vàng để trẻ học ngoại ngữ


PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục phát triển tiềm năng con người, chuyên gia về giáo dục mầm non, thẳng thắn chia sẻ: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quá vội vàng khi cấm trẻ mầm non được tiếp cận với ngoại ngữ. 


Theo PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh, giai đoạn 0 - 6 tuổi được coi là thời kỳ vàng để trẻ học ngoại ngữ. Nếu bỏ qua cơ hội này thì sẽ mất và không bao giờ trở lại được nữa. 

Phân tích cho luận điểm trên, PGS cho biết: Từ 0 - 5 tuổi trẻ tiếp cận ngoại ngữ được 50%, từ 5 - 8 tuổi là 30% và cả quãng đời còn lại chỉ là 20%. Như vậy, có thể khẳng định, càng lớn học ngoại ngữ càng khó. Vậy tại sao chúng ta lại cấm trẻ phát triển khả năng của mình? Chỉ nên cấm những cơ sở không đủ điều kiện như giáo viên không đảm bảo chất lượng, cơ sở vật chất không đủ... 

PGS đề xuất, phương pháp dạy ngoại ngữ tốt nhất cho trẻ là "học mà chơi, chơi mà học".


Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình có "né" trả lời báo chí?

(Thanh tra) - Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP Ninh Bình, bị phê bình nhiều lần và trong năm học 2024 - 2025 đã có nhiều dư luận về chuyên môn cũng như tổ chức dạy học, thu chi, nhưng không biết có được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Ninh Bình đưa vào quyết định đã ban hành để kiểm tra hay không?

Nam Dũng

20:00 10/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm