Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bỏ điểm sàn chung, các trường phải có "sàn" riêng

Thứ sáu, 23/12/2016 - 08:07

(Thanh tra)- Sau hơn chục năm duy trì điểm sàn để đảm bảo chất lượng đầu vào đại học (ĐH), năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) dự kiến sẽ "khai tử" điểm sàn. Lãnh đạo nhiều trường ĐH cho rằng, bỏ điểm sàn chung là hướng đi đúng, nhưng để bảo đảm chất lượng các trường phải đưa ra điểm "sàn" riêng.

Năm 2017, thí sinh có thể đăng ký "n" trường ĐH. Ảnh: HH

Hướng đi đúng!

Theo Dự thảo Quy chế Tuyển sinh ĐH năm 2017 được Bộ GD&ĐT công bố mới đây, Bộ dự kiến bỏ điểm sàn. Chủ trương này được nhiều trường ĐH ủng hộ, nhưng cũng không ít trường tỏ ra lo lắng sẽ loạn chất lượng đầu vào, nhất là ở các trường top dưới và ngoài công lập.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, hiện nay, việc quy định một ngưỡng đầu vào chung cho tất cả các trường đã không còn phù hợp với xu thế đào tạo các ngành nghề ngày càng đa dạng. Đây cũng là một trong những bước để thực hiện quyền tự chủ của các trường theo Luật Giáo dục ĐH. Các trường tùy theo chiến lược phát triển, tính chất đặc thù của ngành nghề đào tạo và điều kiện đảm bảo chất lượng, uy tín... để đưa ra điều kiện đầu vào riêng của trường mình.

"Để giúp thí sinh và người nhà nắm bắt thông tin kịp thời để làm hồ sơ xét tuyển, Bộ GD&ĐT sẽ yêu cầu các trường ĐH công bố công khai điều kiện xét tuyển trong đề án tuyển sinh của mình sớm nhất có thể”, ông Ga nhấn mạnh.

PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, bỏ điểm sàn là hướng đi đúng. Theo ông Tớp, Bộ bỏ điểm sàn chung, nhưng các trường phải công bố công khai điểm sàn riêng. "Bất kỳ trường nào cũng mong muốn tuyển được sinh viên có chất lượng, đủ số lượng và phù hợp với chương trình đào tạo. Về nguyên tắc các trường đều phải công bố ngưỡng để xét tuyển. Khi đưa ra ngưỡng các trường phải cân nhắc. Không thể vì để tuyển đủ chỉ tiêu mà hạ thấp mức điểm chuẩn đầu vào", ông Tớp nói.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, mấy năm gần đây, chất lượng đề thi và việc tổ chức thi đã ổn định, mức điểm tối thiểu để đỗ tốt nghiệp THPT đã ngang bằng với điểm sàn xét tuyển ĐH, CĐ. Vì vậy, duy trì 2 mức điểm giống nhau là không cần thiết. Bỏ điểm sàn còn giúp thí sinh đỡ phải 2 lần chờ đợi, hồi hộp, lo lắng.

Lo "ảo" lớn

Dự thảo mới cũng đưa ra quy định có lợi cho thí sinh. Thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng, số trường. Quy định trên của Bộ khiến nhiều trường lo lắng "ảo" sẽ lớn.

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội bày tỏ ủng hộ trao nhiều quyền lựa chọn nhiều nguyện vọng, nhiều trường cho thí sinh. Khi trao quyền cho thí sinh, chắc chắn các em sẽ chọn nhiều trường để bảo đảm khả năng đỗ cao nhất. Theo PGS Tớp, mỗi thí sinh chỉ nên chọn 6 - 7 trường, nhiều là 8 - 9 trường như vậy "cánh cửa" vào ĐH đã rộng mở rồi. Tuy nhiên, lãnh đạo Trường ĐH Bách Khoa cũng bày tỏ lo lắng khi Bộ không hạn chế số lượng nguyện vọng, thí sinh có thể chọn “n” trường. Thực tế không ai có thể khẳng định mỗi thí sinh đăng ký bao nhiêu nguyện vọng. Nếu thí sinh đăng ký quá nhiều thì bộ phận kỹ thuật phải nghĩ phương án xử lý.

Ông Trần Khắc Thạc, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Thủy lợi phân tích, thí sinh đăng ký càng nhiều nguyện vọng thì tình trạng hồ sơ ảo càng lớn. Dù các trường đều biết thông tin đăng ký của thí sinh, nhưng rất khó biết được các em có đến trường nhập học hay không.

“Đổi mới thì đương nhiên sẽ có cả thuận lợi và khó khăn. Việc cho thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng, với nhiều trường, đặc biệt là trường top dưới sẽ gặp một số khó khăn. Phải đặt ra tình huống là nhiều thí sinh sẽ trúng tuyển vào những nguyện vọng 5-6-7, khi các em đăng ký tới từng đấy nguyện vọng thì nhiều khả năng các em cũng có thể đăng ký để được đỗ ĐH, chứ chưa chắc đã đi học. Đây cũng là một cái ảo mà chúng ta chưa lường được”- ông Thạc nói.

Trước lo lắng của các trường, Thứ trưởng Ga cho biết, đây là vấn đề mà Bộ GD&ĐT quan tâm nhiều nhất, làm sao để các trường xác định được danh sách trúng tuyển mà chắc chắn những em đó sẽ vào học.

“Năm nay, Bộ lập cổng thông tin tuyển sinh cung cấp toàn bộ cơ sở dữ liệu thí sinh đăng ký vào một trường nào đó và tất cả các cơ sở khác có thể tải về nghiên cứu, phân tích. Sau khi các trường phán đoán điểm trúng tuyển dự kiến thì lập danh sách chuyển lên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ để hệ thống tự động lọc bỏ những thí sinh có nguyện vọng thấp hơn. Cách làm này đảm bảo mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển vào một trường duy nhất”, ông Ga cho biết.

Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

Sơn La tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học

(Thanh tra) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành văn bản chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND các huyện, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo và người học trên địa bàn tỉnh.

Trần Kiên

12:26 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm