Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bàn giải pháp phát triển đội ngũ của ngành Xuất bản

Thứ hai, 01/12/2014 - 08:33

(Thanh tra) - Tại thành phố Huế, Ban Tuyên giáo Trung ương vừa kết hợp với Đại học Huế tổ chức buổi tọa đàm “Xây dựng giải pháp đào tạo, bồi dưỡng và phát triển lực lượng, đội ngũ của ngành Xuất bản” để chuẩn bị cho công tác tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW.

Điều hành tọa đàm có các ông: Chu Hòa - Cục trưởng Cục Xuất bản; Nguyễn An Tiêm - Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản; Nguyễn Văn Linh - Phó Giám đốc Đại học Huế; Nguyễn Kiểm - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Xuất bản Việt Nam. Ảnh: Thùy Dương

Tại buổi tọa đàm, ông Chu Hòa - Cục trưởng Cục Xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông, đã nêu khái quát về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngành Xuất bản hiện nay. Theo đó, nhiều nhà xuất bản hiện nay suy kiệt nguồn nhân lực do không đứng vững trên đôi chân của mình. Trình độ, chất lượng biên tập viên còn yếu; công tác đào tạo, bồi dưỡng ở các cơ sở đào tạo còn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của các nhà xuất bản. Cơ sở đào tạo và nơi tuyển dụng chưa tìm được tiếng nói chung trong công tác đào tạo, bồi dưỡng. Hơn nữa, công tác này còn thiếu sự hỗ trợ, đầu tư của Đảng và Nhà nước, dẫn đến quy mô đào tạo còn nhỏ lẻ.

Trao đổi tại buổi tọa đàm, nhiều nhà xuất bản đã thẳng thắn nêu lên thực trạng chất lượng cán bộ xuất bản, kinh nghiệm công tác bồi dưỡng cán bộ của đơn vị mình. Hầu hết các nhà xuất bản đều khẳng định công tác đào tạo, cán bộ xuất bản có vị trí, vai trò quan trọng, liên quan mật thiết đến chất lượng cán bộ xuất bản. Nhiều nhà xuất bản trong nhiều năm qua đã tự làm công tác bồi dưỡng cán bộ tại chỗ bằng phương thức mời các chuyên gia trong ngành hoặc chính tổng biên tập nhà xuất bản đứng lớp như Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Thông tin Truyền thông tổ chức 1 tháng/lần, giám đốc - tổng biên tập cập nhật thông tin nghiệp vụ xuất bản cho cán bộ.

Bên cạnh đó, đại diện lãnh đạo các nhà xuất bản cho biết nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của họ rất lớn. Nhà xuất bản Thông tin Truyền thông trung bình một năm tổ chức khoảng 50 lượt người đi học bồi dưỡng. Thời gian đào tạo được các nhà xuất bản khuyến nghị nên tổ chức vào quý 1, 2, 3 hàng năm là hợp lý.

Tọa đàm còn nhận được sự thống nhất cao trong phương thức đào tạo biên tập viên hiện nay là nên tổ chức theo cách tuyển người đã có bằng đại học chuyên ngành khoa học, sau đó bồi dưỡng thêm nghiệp vụ xuất bản.

Nữ lãnh đạo các nhà xuất bản chụp ảnh lưu niệm tại buổi tọa đàm. Ảnh: Thùy Dương

Đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xuất bản trong thời gian tới, các cơ sở đào tạo và các nhà xuất đã đưa ra những kiến nghị sau:

Thứ nhất, về giải pháp vĩ mô, ngành Xuất bản cần xác định lại rõ rệt những đặc điểm cơ bản của xuất bản trong thời gian qua và thời gian tới là: Hoạt động xuất bản đã tự chuyển sang cơ chế thị trường định hướng XHCN. Hoạt động xuất bản đã có sự hội nhập quốc tế.

Trong báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 42/CT-TW cần làm rõ và nhấn mạnh hai đặc điểm này, từ đó xác định vai trò, vị trí quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xuất bản. Đây là giải pháp căn cốt nhất, cơ bản nhất để phát triển ngành.

Thứ hai, về các giải pháp vi mô: Cần có sự đổi mới trong liên kết đào tạo giữa Khoa Xuất bản, Khoa Phát hành sách với ngành, Hội Xuất bản, nhà xuất bản. Các cơ sở đào tạo cần thay đổi nội dung chương trình cho phù hợp với nhu cầu của các nhà xuất bản; các lớp học bồi dưỡng sẽ linh hoạt xây dựng các chương trình, chuyên đề khác nhau phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng. Cần có cơ chế, chính sách đặc thù cho ngành Xuất bản, trong đó phải coi xuất bản là ngành sản xuất đặc biệt; biên tập viên nên có chế độ phụ cấp trách nhiệm như các ngành nghề khác. Hàng năm, Nhà nước nên có kinh phí ngân sách đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xuất bản. Ngành Xuất bản nên có kiến nghị với Đảng và Nhà nước cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ ở nước ngoài; cử cán bộ lãnh đạo, quản lý ngành và các nhà xuất bản đi tham quan, học tập kinh nghiệm xuất bản của các nước tiên tiến. Đồng thời, mời các chuyên gia xuất bản nước ngoài đến Việt Nam đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngành. Hội Xuất bản Việt Nam sẽ là đơn vị tổ chức các hoạt động bồi dưỡng, trao đổi nghiệp vụ giữa các nhà xuất bản. Có thể tổ chức theo khu vực vùng miền, mời các cơ sở đào tạo kết hợp cùng Hội tham gia đào tạo, bồi dưỡng.

Tổng kết tọa đàm, ông Nguyễn An Tiêm - Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương, đánh giá cao những góp ý, chia sẻ của các cơ sở đào tạo, các nhà xuất bản. Những ý kiến tại buổi tọa đàm sẽ là cơ sở thực tiễn để Ban Chỉ đạo Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW đưa vào trong báo cáo trình Ban Bí thư nhằm tháo gỡ khó khăn và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển lực lượng, đội ngũ của ngành.

   Thùy Dương

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm