Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bài 18: “Tiền hậu bất nhất” trong xét tuyển, giáo viên hợp đồng… khóc ròng!

Thứ ba, 12/05/2020 - 06:34

(Thanh tra)- Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung từng hứa sẽ xét tuyển đặc cách giáo viên hợp đồng (GVHĐ) đủ điều kiện theo Công văn 5378 của Bộ Nội vụ trong quý I/2020. Tuy nhiên, mới đây nhất, cũng chính Chủ tịch TP lại ký văn bản gửi Bộ Nội vụ đề xuất xét tuyển GVHĐ theo Nghị định 161/2018.

GVHĐ ở các huyện Sóc Sơn, Mỹ Đức, Ba Vì, thị xã Sơn Tây... "vác" đơn đến Trụ sở Tiếp công dân Trung ương để mong có một cơ chế thỏa đáng hơn, công bằng hơn trong việc tuyển dụng vào biên chế giáo dục. Ảnh: HH

Sau thời gian dài đấu tranh mệt mỏi, giờ GVHĐ chỉ biết than trời. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao TP lại “tiền hậu bất nhất” như vậy?

Cần trả lời thỏa đáng

Mới đây, trong công văn gửi Bộ Nội vụ xin ý kiến về phương án xét tuyển GVHĐ, Hà Nội cho biết có 1.514 GVHĐ (mầm non 739; tiểu học 207; THCS 568) có hồ sơ hoàn toàn phù hợp với các tiêu chí trong Công văn 5378 Bộ Nội vụ về xét tuyển đặc cách.

TP Hà Nội cũng khẳng định, có số lượng chỉ tiêu lớn hơn 2 lần để thực hiện việc tuyển dụng giáo viên đang hợp đồng lao động đã được thống kê và thu nộp hồ sơ theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Thế nhưng, Hà Nội lại vẫn xây dựng kế hoạch xét tuyển theo quy định của Nghị định số 161/2018 của Chính phủ.

Chủ trương xét tuyển đặc cách GVHĐ đã được Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Bộ Nội vụ cũng đã có Công văn 5378 đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chỉ đạo rà soát, tổng hợp danh sách giáo viên đã có hợp đồng lao động từ năm 2015 trở về trước và căn cứ chỉ tiêu số lượng người làm việc là giáo viên (biên chế giáo viên) chưa sử dụng, để quyết định việc tuyển dụng đặc cách với nhóm đối tượng này.

Dựa theo Công văn 5378 của Bộ Nội vụ, nhiều địa phương trên cả nước đã tiến hành rà soát xét tuyển đặc cách cho GVHĐ lâu năm. Tuy nhiên tại Hà Nội, việc này đã bị trì hoãn từ năm 2019 sang quý I/2020 và đến giờ phút này quay lại vạch xuất phát ban đầu… xét tuyển theo Nghị định 161.

GVHĐ Hà Nội không hiểu vì lý do gì TP lại “tiền hậu bất nhất” như vậy, bởi trước đó, tại phiên chất vấn của HĐND TP vào tháng 7/2019, Chủ tịch TP đã hứa xét tuyển đặc cách hết GVHĐ đủ điều kiện. Sau đó, ngày 15/11/2019, Chủ tịch TP ký công văn chỉ đạo dừng thi tuyển để xét tuyển đặc cách. Tại Kỳ họp thứ 11, HĐND TP Hà Nội khoá XV diễn ra ngày 5/12/2019, Chủ tịch TP khẳng định trong quý I/2020 sẽ hoàn thành xét tuyển đặc cách GVHĐ. Thực hiện chỉ đạo của UBND TP, hàng loạt công văn rà soát GVHĐ đủ điều kiện để xét tuyển đặc cách được Sở Nội vụ phát đi… Thế nhưng kết quả GVHĐ nhận được đến giờ phút này là con số 0.

Trong diễn biến mới nhất, Bộ Nội vụ cũng đã chấp thuận đề xuất của Hà Nội. Trong công văn trả lời gửi UBND TP Hà Nội, Bộ Nội vụ nêu: “Việc tuyển dụng đặc cách đối với GVHĐ theo chủ trương của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ không yêu cầu phải thực hiện quy trình tuyển dụng viên chức theo quy định tại Nghị định số 161. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng tuyển dụng thì việc UBND TP Hà Nội triển khai thực hiện phương án xét tuyển theo Nghị định 161 là thẩm quyền của UBND TP theo quy định của pháp luật”.

GVHĐ ở các huyện Sóc Sơn, Mỹ Đức, Ba Vì, thị xã Sơn Tây... đến Trụ sở Tiếp công dân Trung ương để cầu cứu. Ảnh: HH

10 năm, 29 năm cống hiến không bằng mấy phút sát hạch!

Cùng lúc nhận được văn bản của Hà Nội về xét tuyển theo Nghị định 161 và trả lời chấp thuận của Bộ Nội vụ, nhiều GVHĐ đã… “sốc” nặng.

Cô Nguyễn Thị Thơm, GVHĐ ở huyện Sóc Sơn chua chát: Tại sao TP không thực hiện chủ trương của cấp trên mà vẫn muốn đẩy GVHĐ vào bước đường cùng. Tại sao TP không xét tuyển GVHĐ trước rồi mới thi tuyển viên chức giáo dục. Đằng này cho thi trước. Giờ lại đẩy GVHĐ vào cái gọi là sát hạch để… "nâng cao chất lượng".

“Làm vậy chả khác gì đẩy GVHĐ vào cái chết có đạo đức, có nhân văn. Thử hỏi 7 năm, 10 năm, 29 năm… cống hiến cho ngành Giáo dục với những giấy chứng nhận giáo viên giỏi, lòng tin của phụ huynh lại không bằng mấy chục phút phỏng vấn sát hạch? Chưa kể việc sát hạch thế nào được gọi là minh bạch? Bản thân tôi thấy rất buồn, cảm giác như bị lừa” - cô Thơm nói trong nước mắt.

Chung tâm trạng, 1 GVHĐ ở thị xã Sơn Tây chia sẻ: Khi biết Hà Nội vẫn xét tuyển theo Nghị định 161, tôi cảm thấy rất hụt hẫng. Sau gần 20 năm gắn bó với nghề dạy học, nay đứng trước nguy cơ rời xa bục giảng.

Giáo viên này đặt câu hỏi: Bộ Nội vụ đã có công văn xét đặc cách cho GVHĐ lâu năm, TP Hà Nội đã duyệt kế hoạch và đồng ý giải quyết dứt điểm trong quý 1/2020. Thế nhưng giờ lại xét theo Nghị định 161 là sao? Tôi mong lãnh đạo TP Hà Nội hãy giải quyết dứt điểm việc xét đặc cách GVHĐ bởi chúng tôi đã chờ đợi quá lâu. Hơn 1 năm qua, GVHĐ ở Hà Nội đã không còn nước mắt để mà khóc nữa rồi, mong TP đừng lấy thêm nước mắt của chúng tôi nữa...

Một GVHĐ khác chia sẻ: Chúng tôi hoàn toàn thất vọng về phương án xét tuyển mà Hà Nội đưa ra. Thứ nhất, theo chỉ đạo của Trung ương là phải xét tuyển đặc cách xong mới thi tuyển theo Nghị định 161, nhưng Hà Nội làm ngược lại. Thứ hai, Bộ Nội vụ trả lời Hà Nội rất rõ ràng là không cần theo Nghị định 161, nhưng Hà Nội vẫn làm. Tôi thấy GVHĐ như quả bóng lăn trên sân. Ai thích đá đi đâu thì đá…

Suốt 1 năm qua, nhiều GVHĐ ở Hà Nội đã vác đơn cầu cứu khắp nơi để mong có một cơ chế thỏa đáng hơn, công bằng hơn trong việc tuyển dụng vào biên chế giáo dục. Với cách làm “tiền hậu bất nhất” của chính quyền Hà Nội, cũng trong 1 năm qua, hàng ngàn GVHĐ đã trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau: Từ lo sợ, thất vọng đến hy vọng và bây giờ là... tuyệt vọng.

Nhiều GVHĐ ở Hà Nội đặt câu hỏi chúng tôi đã bị lừa chăng? Chúng tôi đang chờ một quyết định hợp lý, hợp tình và hợp lòng dân của UBND TP Hà Nội.

Hải Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thanh Hoá: Đình chỉ 3 học sinh đánh hội đồng bạn bị gãy đốt sống cổ

Thanh Hoá: Đình chỉ 3 học sinh đánh hội đồng bạn bị gãy đốt sống cổ

(Thanh tra) - Ngày 21/11, ông Đặng Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Nông Cống 2, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa cho biết, nhà trường đã tiến hành họp Hội đồng Kỷ luật, đưa ra hình thức kỷ luật đình chỉ học đối với 3 học sinh trực tiếp tham gia đánh bạn. Thời gian đình chỉ học trong 2 tuần, từ 19/11 đến 2/12.

Hương Trà

19:24 21/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm