Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bài 16: Giáo viên hợp đồng gửi tâm thư lên Thủ tướng

Hải Hà

Thứ sáu, 10/04/2020 - 17:40

(Thanh tra) - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung hứa sẽ xét tuyển đặc cách giáo viên hợp đồng (GVHĐ) đủ điều kiện trong quý I/2020. Tuy nhiên, đến nay, GVHĐ ở Hà Nội vẫn "ngồi trên lửa" bởi chưa biết số phận mình sẽ đi đâu về đâu...

Cô Chu Minh Hằng - GVHĐ Trường Tiểu học Cẩm Lĩnh (Ba Vì, Hà Nội) đã bị cắt hợp đồng, hiện cô chăn nuôi tại nhà để trang trải cuộc sống. Ảnh: NVCC

Trước thực trạng này, tập thể GVHĐ dạy tiểu học và THCS trên địa bàn huyện Ba Vì đã viết tâm thư kêu cứu gửi Thủ tướng Chính phủ.

Trong thư, đại diện GVHĐ - cô Nguyễn Thị Thu Thanh (dạy môn Ngữ văn Trường THCS Minh Quang (Ba Vì) chia sẻ, hàng trăm GVHĐ huyện Ba Vì đang rơi vào tình trạng lo lắng, trăn trở.

Cô Thanh cho biết, năm 1999 cô tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Thường Tín - Hà Tây (nay là Hà Nội) và bắt đầu sự nghiệp tại Trường THCS Minh Quang (Ba Vì). Với mức lương khởi điểm 180.000 đồng/tháng.

Trong suốt gần 20 năm trong ngành, cô Thanh cũng như nhiều GVHĐ trong huyện chỉ được hưởng mức lương 1.0 (bằng mức lương tối thiểu ). Với đồng lương ít ỏi như vậy nên cuộc sống cô gặp rất nhiều khó khăn nhưng cô vẫn vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

“Ở mọi lúc mọi nơi và trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng cháu vẫn luôn là những người thầy, người cô mẫu mực và là tấm gương sáng cho thế hệ học sinh noi theo” – cô Thanh viết.

Đồng thời chia sẻ, trong suốt thời gian công tác, cô và những đồng nghiệp của mình đã đôi lần tham gia kì thi viên chức nhưng do chỉ tiêu ít quá hoặc không có chỉ tiêu nên không có cơ hội để có một chỗ đứng vững chắc trong ngành.

Và đến ngày 31/8/2019 thì những GVHĐ trên địa bàn huyện Ba Vì bị mất việc vì UBND huyện đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Tâm thư của GVHĐ huyện Ba Vì gửi Thủ tướng Chính phủ

“Bao nhiêu công sức, sự phấn đấu, nỗ lực và cả tuổi thanh xuân của GVHĐ trở về con số 0. Chúng cháu như bị rơi xuống vực thẳm, tâm trạng buồn tủi, nhiều đêm không ngủ, khóc cạn nước mắt nghĩ đến sự nghiệp mà mình đã chọn, đã mơ ước không lẽ lại bị chấm dứt!?” - bức thư viết.

Đã nhiều lần GVHĐ viết những lá đơn kêu cứu, những tâm thư bày tỏ nguyện vọng gửi đến các cơ quan chức năng và cũng đã đón nhận được sự cảm thông chia sẻ, sự đồng lòng và thấu hiểu với những công sức mà GVHĐ đã cống hiến cho ngành Giáo dục nước nhà.

Chính phủ, Bộ Nội vụ cũng đã cho phép xét tuyển đặc cách đối với GVHĐ có đủ điều kiện. Với riêng TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng đã hứa sẽ xét tuyển hết GVHĐ đủ điều kiện trong quý I/2020. Tuy nhiên, đến nay đã hết quý I/2020, nhưng GVHĐ vẫn chưa biết cụ thể số phận của mình ra sao và khi nào mới có thể được quay trở lại bục giảng…

Vì thế, GVHĐ ở huyện Ba Vì hiện đang rất sốt ruột chờ đợi xét tuyển và đang thất nghiệp. “Dịch bệnh Covid-19 kéo dài, GVHĐ cũng không biết làm gì để nuôi sống gia đình và chi trả những nhu cầu thiết yếu hàng ngày…” – GVHĐ bày tỏ trong tâm thư, đồng thời mong muốn, sớm được xét tuyển để được tiếp tục cống hiến cho ngành Giáo dục Thủ Đô.

Liên quan đến các GVHĐ, mới đây, Văn phòng UBND TP đã có thông báo kết luận của UBND TP tại hội nghị giao ban kiểm điểm công tác quý I, triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2020.

Theo thông báo này, Chủ tịch UBND TP giao giao Sở Nội vụ khẩn trương hoàn thành công tác thi tuyển, xét tuyển giáo viên chỉ tiêu năm 2019 chưa thực hiện xong, đảm bảo môi trường giáo dục và nguồn nhân lực giáo dục của TP khi học sinh trở lại trường học.

Chung tâm trạng với GVHĐ ở huyện Ba Vì, thầy Nguyễn Viết Tiến, GVHĐ thị xã Sơn Tây (Hà Nội) bày tỏ: Bây giờ chúng tôi vẫn chưa biết số phận của mình như thế nào? Trong khi đó GVHĐ ở thị xã Sơn Tây, huyện Ba Vì đã bị lãnh đạo đơn phương chấm dứt hợp đồng ngay đầu năm học 2019 - 2020 và hiện nay một số huyện cũng đã đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với GVHĐ như huyện Phúc Thọ, Đan Phượng...

Đến giờ, TP vẫn chưa đưa ra quyết định xét đặc cách. Liệu TP Hà Nội có dồn GVHĐ vào “ngõ cụt” như một số huyện Thanh Liêm (Hà Nam), Phù Cát (Bình Định)...?

“Sau gần 1 năm đấu tranh giờ vẫn là con số 0 vì đến giờ chúng tôi mới được nộp hồ sơ để xem xét tuyển dụng đặc cách. Chúng tôi mong mỏi, lãnh đạo TP Hà Nội hãy nhanh chóng ban hành quyết định xét tuyển đặc cách GVHĐ đã được các quận, huyện, thị xã duyệt hồ sơ theo Công văn 186 của Sở Nội vụ Hà Nội” - thầy Tiến chia sẻ.

Trước đó, như Báo Thanh tra đã đưa tin, gần 3.000 GVHĐ trên địa bàn TP Hà Nội đang đứng trước nguy cơ mất việc khi TP ra quyết định tuyển dụng viên chức giáo dục theo Nghị định 161.

Họ là những giáo viên có nhiều năm cống hiến cho nền giáo dục. Người ít cũng 5 - 6 năm, người nhiều cũng 27 - 28 năm. Và không ít trong số đó là giáo viên giỏi cấp TP, là trưởng các bộ môn, là giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi...

Sau thời gian dài đấu tranh không biết mệt mỏi, tin vui đến với GVHĐ khi Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã ra quyết định xét đặc cách GVHĐ đồng có thời gian giảng dạy trước 31/12/2015; đóng bảo hiểm bắt buộc liên tục đến nay; có vị trí việc làm.

Sau khi có chỉ đạo của Bộ Nội vụ, Hà Nội và nhiều tỉnh, TP đã có chủ trương và thực hiện các bước rà soát để xét đặc cách cho GVHĐ đủ điều kiện.

HĐND TP Hà Nội cũng đã ra nghị quyết bổ sung 2.692 chỉ tiêu để xét đặc cách cho GVHĐ; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đã hứa sẽ xét tuyển GVHĐ đủ điều kiện trong quý I/2020.

Đến nay, Hà Nội đã có nhiều văn bản chỉ đạo cũng như rà soát đội ngũ đủ điều kiện. Sở Nội vụ Hà Nội đã kiểm tra xong hồ sơ xét đặc cách của GVHĐ.

Tuy nhiên, đã hết quý I/2020, GVHĐ ở Hà Nội vẫn "ngồi trên lửa" bởi chưa biết số phận mình sẽ đi đâu về đâu...

 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm