Trong năm “tăng tốc” 2024, Thanh tra Chính phủ và thanh tra các bộ, ngành, địa phương đã bám sát Định hướng chương trình thanh tra và sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các cấp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng cơ quan hành chính xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra và thanh tra đột xuất.
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành Thanh tra ngày 28/12, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã ghi nhận nhiều “điểm sáng” của ngành Thanh tra. Trong đó, ngành đã phát hiện nhiều sai phạm, đề nghị xử lý và thu hồi khối lượng tài sản lớn cho Nhà nước, cả về giá trị tài chính, cũng như đất đai; chuyển cơ quan điều tra hơn 200 vụ việc.
Làm rõ hơn “điểm sáng” này, báo cáo tại hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Dương Quốc Huy cho hay, năm 2024, Thanh tra Chính phủ và thanh tra các bộ, ngành, địa phương đã tập trung thanh tra công tác quản lý Nhà nước trên các ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, có nhiều khiếu nại, tố cáo, dư luận xã hội quan tâm.
Cùng với đó, đã chủ động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra để xử lý kịp thời, đúng pháp luật đối với tập thể, cá nhân có vi phạm; thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt; chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước và hoàn thiện chính sách, pháp luật trên lĩnh vực được thanh tra.
Trong đó, Thanh tra Chính phủ tiếp tục tập trung thanh tra vào công tác quản lý Nhà nước của các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có một số cuộc thanh tra theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Thủ tướng Chính phủ giao.
Toàn ngành đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 6.771 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, trong đó có 4.468 kết luận thanh tra đã hoàn thành 100% các nội dung phải thực hiện (chiếm 66,0% tổng số kết luận thanh tra được đôn đốc, kiểm tra). Qua đôn đốc, các cơ quan chức năng đã thu hồi 6.050 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 45,3%), 77 ha đất; xử lý hành chính 2.965 tổ chức, 11.109 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 108 vụ, 106 đối tượng; khởi tố 21 vụ, 29 đối tượng; ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 399 văn bản về cơ chế, chính sách, pháp luật theo kiến nghị tại các kết luận thanh tra (đạt tỷ lệ 70,1%).
Bên cạnh đó, tham mưu Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị Đề án 153 “Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố”; tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 77-KL/TW của Bộ Chính trị về Đề án 153.
Kết quả công tác thanh tra tiếp tục đóng góp quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Báo cáo tại hội nghị tổng kết ngày 28/12, Phó Tổng Thanh tra Dương Quốc Huy cho hay, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ”có nhiều giải pháp, cách làm mới, nhất là triển khai thí điểm tiếp công dân trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp”.
Năm 2024, Thanh tra Chính phủ đã tập trung chỉ đạo và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, nhất là tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài, các vụ việc khiếu kiện đông người lên Trung ương và tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường.
Các cấp, các ngành có nhiều cố gắng, nỗ lực nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đạt 85,4% cao hơn mục tiêu Chính phủ đề ra (85%), nhất là tỷ lệ giải quyết tố cáo (đạt 88,5%).
Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 33,9 tỷ đồng, 19,1 ha đất; trả lại cho tổ chức, cá nhân 106,5 tỷ đồng, 1,5 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 26 tổ chức, 2.235 cá nhân; kiến nghị xử lý 543 người; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 17 vụ, 21 đối tượng.
Đáng chú ý, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với lãnh đạo các địa phương trực tiếp tiếp công dân tại các địa phương có vụ việc đông người, phức tạp; ban hành và tổ chức thực hiện Mô hình thí điểm tiếp công dân trực tuyến; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả triển khai thực hiện thí điểm Mô hình tiếp công dân trực tuyến.
Ban hành, triển khai thực hiện Kế hoạch phối hợp tổ chức tiếp công dân phục vụ Đại hội Đảng các cấp, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031. Thành lập tổ công tác kiểm tra, đôn đốc công tác phối hợp tiếp công dân phục vụ đại hội Đảng và nắm tình hình một số vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài tại một số tỉnh, thành phố.
Trong năm 2024, có 337.635 lượt người đến cơ quan hành chính Nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (giảm 7% so với năm 2023), với tổng số người được tiếp là 360.086 người (giảm 9,2%) về 287.766 vụ việc (giảm 4,2%), có 2.701 đoàn đông người (giảm 23,5%).
Các cơ quan hành chính tiếp nhận 447.571 đơn các loại; đã xử lý 436.662 đơn, có 366.174 đơn đủ điều kiện xử lý, chiếm 81,8% tổng số đơn đã xử lý; qua xử lý có 54.953 đơn khiếu nại, 21.987 đơn tố cáo, 289.234 đơn kiến nghị, phản ánh; có 30.238 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính Nhà nước. So với năm 2023, số đơn các loại tăng 5,9%, số vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền tăng 10%, số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền tăng 19,5%.
Trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra đã tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ công tác theo chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; nhất là thực hiện “Chiến lược quốc gia Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030; tăng cường công tác kiểm soát tài sản, thu nhập; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán với các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, đã tổ chức 70.454 lớp cho 3.832.344 lượt cán bộ, Nhân dân tham gia; ban hành mới 13.625 văn bản để thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành; sửa đổi, bổ sung 400 văn bản, bãi bỏ là 97 văn bản không phù hợp.
Thanh tra Chính phủ tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng.
Theo đó, kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo, phòng, chống tham nhũng được công bố, công khai theo đúng quy định của pháp luật; các bộ, ngành, địa phương kiểm tra tại 4.175 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch, phát hiện 154 đơn vị vi phạm.
Các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác đối với 18.635 cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng.
Có 278.716 người đã thực hiện kê khai tài sản, thu nhập trong kỳ; 6.775 người được xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập; 10 người bị kỷ luật do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực; tiến hành kiểm tra việc thực hiện kê khai, công khai tài sản thu nhập là 1.136 cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Tổng số vụ việc tham nhũng phát hiện 61 vụ việc, 107 người; trong đó, qua hoạt động kiểm tra nội bộ phát hiện 11 vụ, 19 người; qua hoạt động thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 36 vụ, 69 người; qua giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 14 vụ, 19 người liên quan đến tham nhũng.
Năm qua, công tác xây dựng thể chế và xây dựng ngành đã hoàn thành kế hoạch, chương trình công tác của Chính phủ và Thanh tra Chính phủ, không để nợ, đọng văn bản; tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ và bảo vệ bí mật Nhà nước của công chức thanh tra.
Trong năm “tăng tốc” 2024, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra đã khẩn trương hoàn thành có chất lượng các nhiệm vụ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; xây dựng các báo cáo, đề án trình cấp có thẩm quyền theo quy định; chuẩn bị tổ chức thực hiện phương án sắp xếp, tinh gọn khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ngành Thanh tra đã có nhiều giải pháp tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động, nhất là thúc đẩy tiến độ, nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra.
Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ ban hành nghị quyết về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, tiến độ, hiệu quả công tác thanh tra với mục tiêu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác này.
Cùng với đó, Thanh tra Chính phủ và toàn ngành quan tâm rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định, quy chế về tổ chức cán bộ đảm bảo phù hợp với quy định của cấp trên và thực tiễn triển khai hoạt động của cơ quan, của ngành; củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy.
Tại Hội nghị tổng kết ngày 28/12, những nhìn nhận thẳng thắn của Thanh tra Chính phủ về tồn tại, hạn chế trong công tác năm 2024 đã được Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đồng tình.
Theo đó, trong công tác thanh tra, tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản qua đôn đốc, xử lý sau thanh tra còn chưa cao; việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật theo kiến nghị tại kết luận thanh tra còn chậm.
Trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy định tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu; chưa quyết tâm, quyết liệt hoặc chưa có phương án phù hợp giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài.
Bên cạnh đó, trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn triệt để; công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế.
Trong công tác xây ngành, cơ cấu tổ chức và chất lượng đội ngũ cán bộ ngành Thanh tra còn bất cập, một số cán bộ thanh tra chấp hành kỷ cương, kỷ luật chưa tốt.
Có thể thấy, năm 2024, mặc dù khối lượng công việc nhiều, trong đó có nhiều nhiệm vụ, cuộc thanh tra giao đột xuất, nhưng lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đã chủ động, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của ngành Thanh tra đảm bảo kịp thời, hiệu quả theo đúng định hướng, chương trình, kế hoạch và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Với một năm “tăng tốc” thành công, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra tự tin bước vào năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; năm tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 80 năm Ngày truyền thống Thanh tra Việt Nam, tiếp tục nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao.