Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Kinh tế đêm - Cơ hội phát triển ngành Du lịch hậu Covid-19

Thứ sáu, 25/09/2020 - 06:32

(Thanh tra)- Kinh tế đêm, “thành phố không ngủ” từ lâu là một phần không thể thiếu ở các đô thị lớn, nhất là đô thị du lịch. Cuộc sống về đêm sôi động luôn khiến du khách chi tiêu nhiều hơn. Vì vậy, kinh tế đêm được coi là cơ hội phát triển cho du lịch Việt Nam.

Kinh tế đêm - Cơ hội phát triển ngành Du lịch hậu Covid - 19. Ảnh minh họa: TH

Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế đêm

Nước ta vẫn là một điểm sáng, có sức hút du lịch và việc phát triển kinh tế ban đêm ở nhiều địa phương sẽ là một động lực phát triển mới.

TS Trần Thị Thu Hương,  Phó trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế đêm. Đó là: Việt Nam hội tụ rất nhiều điều kiện để phát triển du lịch vì sở hữu tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú (di tích lịch sử, lễ hội truyền thống, làng nghề truyền thống, văn hóa nghệ thuật và ẩm thực đặc sắc).

Mặt khác, số lượng khách du lịch quốc tế có xu hướng gia tăng. Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh ngành lữ hành và du lịch (do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố năm 2019), du lịch Việt Nam được xếp hạng thứ 6/10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách du lịch cao nhất. Việt Nam cũng đã được nhận Giải thưởng "Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á" năm 2018 do Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới WTA trao tặng.

Khách quốc tế từ các nước, vùng lãnh thổ châu Âu, Mỹ, Úc, Đài Loan… đã quen với việc tham gia các hoạt động vui chơi giải trí ban đêm tại nước của họ, do vậy, họ cũng kỳ vọng sẽ được khám phá những nét đặc sắc ở sản phẩm du lịch đêm tại điểm du lịch.

Bên cạnh đó, GDP/người của Việt Nam có sự cải thiện đáng kể, với tốc độ tăng bình quân 8,2%/năm giai đoạn 2008-2018. Đặc biệt, thu nhập từ tầng lớp trung lưu liên tục tăng. Dự báo đến năm 2030, Việt Nam sẽ có khoảng 40% dân số thuộc tầng lớp trung lưu, và đến năm 2035 là 50%.

Ngoài ra, Việt Nam có nền chính trị ổn định, không có nguy cơ khủng bố, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế đêm.

“Đỏ mắt” tìm chỗ chơi đêm

Tuy nhiên, hiện nay hoạt động kinh tế về đêm ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hạ Long, Nha Trang, Phú Quốc… từ trước tới nay chỉ được biết đến qua một số chuỗi cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/24, một vài chợ đêm, những tuyến phố mang nét đặc trưng như Tạ Hiện (Hà Nội), Bùi Viện (TP HCM), chợ đêm Dinh Cậu (Phú Quốc).

Các sản phẩm du lịch của nước ta chủ yếu chỉ tập trung từ 7 giờ đến 18 giờ hàng ngày. Nhưng khung giờ du khách tiêu nhiều tiền nhất là từ 18 giờ tối đến 2 giờ sáng hôm sau, thì đến nay vẫn chưa được phát triển. Khách lưu lại qua đêm ở Hà Nội thường chỉ đi dạo quanh hồ Gươm, xem múa rối nước, thưởng thức bia hơi phố cổ, sau đó một số khách đi bar, còn lại không biết làm gì.

Thực tế cho thấy, tại Hà Nội, không có nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, lễ hội phục vụ người dân, du khách. Ngoài chương trình biểu diễn của các nhà hát truyền thống như Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Múa rối Thăng Long… các hoạt động khác gần như chỉ mang tính thời vụ, hoặc diễn ra vào các dịp lễ.

Các chuyên gia du lịch phân tích, chỉ tính riêng Hà Nội, năm 2019, ngành Du lịch Thủ đô đón 29 triệu lượt du khách (trong đó có khoảng 7 triệu lượt khách quốc tế). Trung bình mỗi khách ở khoảng 1,5 đêm, như vậy là có gần 45 triệu lượt khách lưu đêm. Nhưng Hà Nội có khoảng 10 triệu dân đang sinh sống và người nước ngoài cư trú, nếu mỗi đêm có 1/10 số người có nhu cầu vui chơi, giải trí đêm, thì 1 năm đã có khoảng 365 triệu lượt khách. Đây là con số khổng lồ và rất hấp dẫn các nhà đầu tư.

Hay, ngay cả tại Đà Nẵng, nơi được xem là “thành phố đáng sống nhất Việt Nam”, thì các sản phẩm, dịch vụ du lịch đêm cũng chưa thực sự phong phú. Các doanh nghiệp du lịch vẫn phải “đỏ mắt” tìm chỗ chơi đêm cho khách.

Việc phát triển kinh tế ban đêm tạo việc làm, thu nhập quan trọng cho cá nhân, nguồn ngân sách địa phương và cũng là cơ hội để sử dụng thời gian thông minh hơn ngoài việc để nuôi sống và đảm bảo chỗ sống cho cư dân đô thị. Quan trọng nhất là những “thành phố không ngủ” đã thúc đẩy mạnh mẽ du lịch địa phương, làm đa dạng hoá hoạt động giải trí và thương mại, hồi sinh các khu vực đô thị vốn vắng vẻ vào đêm. Sử dụng thời gian muộn, một cách thông minh là cách thức thúc đẩy phát triển thành phố sáng tạo với các hoạt động văn hoá, văn nghệ, lao động trí tuệ sáng tạo và hưởng thụ cuộc sống về đêm.

Từ đó tạo ra nền kinh tế hoạt động liền mạch 24giờ, thúc đẩy kinh tế ban ngày, xây dựng thương hiệu địa phương, thị hiếu vùng đa dạng trên lĩnh vực văn hoá và các sản phẩm tiêu dùng địa phương. Các đô thị mới thân thiện, hoạt động phong phú, tràn đầy ánh sáng, an toàn, thị trường bất động sản sôi động sẽ tạo sức hút khó cưỡng với du khách.

Hãy lấy cộng đồng làm gốc

Để kinh tế đêm thực sự là “đòn bẩy” là “cơ hội” cho du lịch hậu Covid-19 và tiến tới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cần đặt cộng đồng lên hàng đầu. Hãy lấy lợi ích của cộng đồng làm tiêu chí để quy hoạch, xây dựng các quy chế, chế tài cho hoạt động kinh tế đêm.

Các chuyên gia cũng đặc biệt lưu ý, sự phát triển bền vững của một nền kinh tế nói chung, kinh tế đêm nói riêng chính là sự phát triển của mỗi cá thể trong nền kinh tế đó. Vì thế, mỗi địa phương hãy lấy cộng đồng làm gốc khi phát triển kinh tế đêm.

Bên cạnh đó, cần xóa bỏ định kiến tiêu cực về kinh tế đêm như hoạt động vũ trường, quán bar, karaoke, nhà hàng, cũng như các điểm vui chơi giải trí về đêm. Phải tư duy mở hơn về một số hoạt động lâu nay vẫn bị coi là nhạy cảm như mại dâm, cá cược, cờ bạc. Quy định hiện hành cấm, nhưng thực tế, các hoạt động này vẫn diễn ra lén lút dưới nhiều hình thức, phát sinh nhiều tiêu cực rủi ro cho khách hàng và người phục vụ.

Mặt khác, để phát triển kinh tế đêm, cần thu hút và lựa chọn các doanh nghiệp uy tín, giàu kinh nghiệm trong việc tham gia phát triển hoạt động kinh tế ban đêm lành mạnh ở địa phương. Các hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa địa phương cần được chú trọng phát triển để khuyến khích khách hàng trải nghiệm nhiều hơn và chi tiêu nhiều hơn.

Theo các chuyên gia, địa phương muốn phát triển kinh tế đêm buộc phải chi thêm tiền để bảo đảm an ninh trật tự, đầu tư hạ tầng chiếu sáng, các dịch vụ giải trí, mua sắm về đêm để phục vụ nhu cầu người dân và hấp dẫn du khách. Bởi, kinh tế đêm không chỉ là “cửa sáng” cho ngành Du lịch, mà còn là động lực tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Kích thích tiêu dùng nội địa, kích cầu du lịch

Các chuyên gia cho rằng, Covid-19 khiến nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành Du lịch nói riêng bị thiệt hại nặng nề. Để “hồi sức” cho ngành kinh tế xanh, chúng ta cần làm mới các sản phẩm du lịch cũng như có nhiều chính sách mở trong kế hoạch đầu tư phát triển du lịch, trong đó, đẩy mạnh phát triển kinh tế ban đêm là việc cần phải làm ngay.

Trong đó nhấn mạnh: Kinh tế đêm hướng tới giới trẻ, khách du lịch nước ngoài, những người có khả năng chi tiêu cao.

Bên cạnh đó, tầng lớp trung lưu trong xã hội cũng tăng nhanh, giai đoạn 2014 - 2016, mỗi năm có 1,5 triệu người Việt gia nhập tầng lớp trung lưu, có mức sống từ 15 USD/ngày trở lên, có xu hướng dành nhiều tiền, thời gian để tận hưởng du lịch. Đây là những nhóm người có nhu cầu chi tiêu cao, có nhiều khả năng tham gia các hoạt động kinh tế ban đêm. Việc phát triển kinh tế đêm thời gian tới sẽ khai thác được tối đa lợi ích từ du lịch.

Đề án Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là một trong những cơ hội lớn của ngành Du lịch, tạo động lực tăng trưởng, góp phần phát triển việc làm giữa lúc đại dịch Covid-19 vẫn chưa được đẩy lùi.

Đặc biệt, Đề án Phát triển kinh tế ban đêm hướng tới hai mục tiêu chính là kích thích tiêu dùng nội địa và kích cầu du lịch. Vì vậy, Chính phủ cũng xác định trước mắt phát triển kinh tế ban đêm nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước và phát triển du lịch, thông qua tập trung phát triển lĩnh vực dịch vụ văn hoá, vui chơi giải trí, dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm và du lịch, diễn ra từ 18giờ đến 6giờ hôm sau.

Do đó, kinh tế đêm hình thành sẽ giúp lôi kéo khách tới lưu trú lâu hơn, tăng chi tiêu...

Thái Hải

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Khuyến khích doanh nghiệp và xã hội cùng làm công nghiệp văn hóa

Khuyến khích doanh nghiệp và xã hội cùng làm công nghiệp văn hóa

(Thanh tra) - Ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) có vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong xã hội hiện nay. Song song với sự phát triển về đời sống vật chất thì nhu cầu về tinh thần của con người được đề cao hơn. Vì nhu cầu về đời sống tinh thần là vô hạn nên mở ra dư địa lớn để làm CNVH. Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành CNVH Việt Nam, là một bước tiến lớn để nâng cao nhận thức về ngành CNVH, khuyến khích các doanh nghiệp và xã hội cùng làm CNVH.

Thái Hải

21:03 21/11/2024
Quảng Ninh: Hơn 300 doanh nghiệp chung tay kích cầu du lịch

Quảng Ninh: Hơn 300 doanh nghiệp chung tay kích cầu du lịch

(Thanh tra) - Ngày 20/11, tại TP Hạ Long, Sở Du lịch Quảng Ninh phối hợp với Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh và Tập đoàn Sun Group tổ chức chương trình Lễ công bố hợp tác kích cầu du lịch “Quảng Ninh - Điểm đến bốn mùa” nhằm gia tăng sức cạnh tranh và tăng cường thu hút du khách dịp cuối năm 2024 cũng như tăng sức bật cho ngành Du lịch năm 2025 và các năm tiếp theo.

Trọng Tài

14:03 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm