Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Gò Tháp - Khu di tích lịch sử, văn hóa độc đáo

Thứ bảy, 28/12/2013 - 09:11

(Thanh tra) - Khu di tích Gò Tháp có diện tích 320 ha, tọa lạc tại địa bàn hai xã Mỹ Hòa và Tân Kiều, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, cách thị trấn Mỹ An, Tháp Mười khoảng 8 km về hướng Bắc. Đây là khu di tích văn hóa, lịch sử độc đáo được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích Quốc gia năm 1989 và được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2012.

Đền thờ anh hùng Thiên Hộ Dương và Đốc Binh Kiều .

Quần thể di tích Gò Tháp có tên Prasat Pream Loven với 5 di tích tiêu biểu như: Gò Tháp Mười, Tháp Cổ Tự, mộ và đền thờ anh hùng Thiên Hộ Dương (Võ Duy Dương) và Đốc Binh Kiều (Nguyễn Tấn Kiều), Gò Minh Sư, Miếu Bà Chúa Xứ.

Trong khu vực Gò Tháp, các nhà khảo cổ đã nhiều lần khai quật di chỉ Gò Tháp đã phát hiện nhiều di vật của nền văn hóa Óc Eo thời Vương quốc Phù Nam dưới lòng đất cát pha sét, có niên đại cách đây 1.500 năm. Các tượng thần của Hindu giáo như Vishinu, Ganesa, Shiva và các mẫu vật sành sứ, ấm chén, nữ trang, khuôn chế tác nữ trang hiện được trưng bày khá phong phú tại Bảo tàng Đồng Tháp. Nơi đây, còn vết tích vô số cọc gỗ chìm dưới lớp đất 2 - 3m. Theo nhiều giả thuyết, đó là dấu vết nhà sàn của một cụm dân cư cổ thời Vương quốc Phù Nam sống tập trung quanh Gò Tháp.Di tích đền tháp vương quốc Phù Nam tại Gò Tháp Mười

Gò Tháp Mười cao 5,047m so với mực nước biển chuẩn Hà Tiên, là nơi cao nhất của quần thể di tích, rộng 4500m2, xưa kia trên gò tọa lạc ngôi Tháp Cổ Tự thời vua Thiệu Trị (1841 - 1847) do lưu dân người Việt đi khai phá vùng Đồng Tháp Mười xây dựng để thờ Phật theo phái Đại Thừa. Năm 1914, tín đồ Phật giáo cho xây Tháp Mười cổ tự bằng tre. Năm 1946, chùa được xây dựng lại bằng gỗ và lợp ngói đỏ. Năm 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm cho tháo dỡ chùa dời đi nơi khác để xây dựng Viễn vọng đài, còn gọi là tháp 10 tầng, cao 42m để làm nơi quan sát và khống chế hoạt động quân giải phóng Đồng Tháp Mười. Đêm 19/12/1959, Viễn vọng đài bị quân ta đánh sập và ngày nay chỉ còn sót lại phế tích trên gò. Năm 1998, các nhà khảo cổ Việt Nam đã khai quật và phát hiện nền móng của di tích đền tháp dùng làm nơi thờ tự của vương quốc Phù Nam. 

Gò Minh Sư có diện tích 1.250m2 là gò cao thứ 2 trong quần thể di tích, có độ cao 4,311m. Vào năm 1930, có vị đạo sỹ của đạo Minh Sư đến đây dựng am tu hành. Năm 1945, vị đạo sỹ ấy viên tịch, ngôi chùa không người thừa kế hương hỏa bị hoang phế, nay không còn tàn tích nữa. Từ đó, dân gian thường gọi là Gò Minh Sư. Năm 1984, các nhà khảo cổ thuộc Viện Khoa học và Xã hội TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành đào thám sát dưới lòng gò, họ đã phát hiện kiến trúc cổ thời vương quốc Phù Nam, kiến trúc có độ sâu 4,2m được xây bằng 12 lớp đất sét và 12 lớp gạch tạo thế vững chắc cho ngôi đền. Đến năm 2009, ngôi đền này được khai quật tổng thể phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học và tham quan.Hàng trăm ngàn khách thập phương đến viếng Gò Tháp nhân ngày giỗ cụ Đốc Binh Kiều và cụ Thiên Hộ Dương

Kiến trúc Gò Minh Sư thuộc loại hình kiến trúc tôn giáo được xây dựng vào giai đoạn sau Óc Eo, có thể trải qua các thời kỳ Bà La môn giáo và Phật giáo. So sánh với kiến trúc đồng đại Linh Miếu bà ở phía Bắc và kiến trúc Gò Tháp Mười ở phía Nam thì kiến trúc Gò Minh Sư được xây cất với kỹ thuật, bình đồ khác hẳn. Đây là loại kiến trúc đền - tháp có bình đồ gồm 2 hình vuông, một lớn, một nhỏ xây gá vào nhau, có tường bao bọc. Kiến trúc Gò Minh Sư có quy mô khá lớn, cấu tạo độc đáo, mới lạ, không giống bất cứ kiến trúc nào trong khu Gò Tháp nói riêng và văn hóa cổ Tây Nam bộ nói chung.

Đền thờ 2 cụ Thiên Hộ Dương và Đốc Binh Kiều được nhân dân địa phương lập từ năm 1932, để tưởng nhớ 2 vị anh hùng dân tộc. Sau nhiều lần sửa đổi, đến nay đền thờ đã được người dân giữ gìn, trùng tu, mở rộng ngày một khang trang. Cụ Võ Duy Dương sinh năm 1827 là người Bình Định vào Nam lập nghiệp, được vua Tự Đức phong hàm Chánh Bát phẩm Thiên Hộ năm 1860, là chủ tướng nghĩa quân Đồng Tháp Mười. Cụ Nguyễn Tấn Kiều là Đốc Binh, Phó tướng của cụ Thiên Hộ Dương. Năm 1862, hai ông lập đại bản doanh ở Gò Tháp, lãnh đạo nghĩa quân đánh Pháp. Cụ Đốc Binh Kiều tử trận trong trận chiến cuối cùng 1866 tại Gò Tháp và mộ cụ được an táng phía sau đền thờ. Sau đó, cụ Thiên Hộ Dương cũng tử trận tại biển Cần Giờ, thi hài không tìm thấy. Nhớ ơn 2 vị anh hùng dân tộc, nhân dân đã lập đền thờ ngày đêm hương khói. 

Ngày 15 - 18/12/2013 (nhằm ngày 13 -16 tháng 11 năm Quý Tỵ) vừa qua, Khu di tích Gò Tháp đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ lần thứ 147 cho cụ Đốc Binh Kiều và cụ Thiên Hộ Dương, đã thu hút hơn 200 ngàn lượt người, là con dân địa phương và du khách ngoại tỉnh đến dự. Ngoài ra, ngày 15 tháng 3 âm lịch hàng năm, Khu di tích Gò Tháp đón lượng lớn khách thập phương về dự Lễ vía Bà Chúa Xứ.

Ngọc Phước

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Du lịch Quảng Ninh: Nước rút về đích

Du lịch Quảng Ninh: Nước rút về đích

(Thanh tra) - Trong tháng 11, toàn tỉnh Quảng Ninh ước đón 1,22 triệu lượt khách du lịch, qua đó, góp phần nâng tổng số khách du lịch đến với tỉnh 11 tháng năm 2024 đạt 17,989 triệu lượt, doanh thu du lịch đạt gần 43.549 tỷ đồng. Hai con số này lần lượt tăng 21% và 38% so với cùng kỳ năm ngoái…

Trọng Tài

12:22 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm