Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Du lịch y tế

Chủ nhật, 10/11/2013 - 09:41

(Thanh tra) - Du lịch y tế là loại hình cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đa dạng cho du khách nước ngoài nhằm phát triển ngành Du lịch thông qua các mô hình cung ứng dịch vụ mới. Hoạt động này hiện đang là xu hướng góp phần cho ngành Công nghiệp không khói gia tăng giá trị và lợi nhuận…

Ảnh minh họa

Du lịch y tế, hay “du lịch chăm sóc sức khỏe”, là ngành Công nghiệp đang có tốc độ phát triển nhanh chóng, phục vụ nhu cầu du lịch chữa bệnh tại nước ngoài của du khách. Xu hướng này đang trở thành xu hướng ngày càng phổ biến ở Đông Nam Á. 

Người phương Tây dù có nguồn tài chính dồi dào, nhưng tiếp cận dịch vụ y tế tại chỗ phức tạp và tốn nhiều thời gian nên gần đây nhiều người có xu hướng chọn dịch vụ chữa bệnh tại nước ngoài. Tương tự, tại Mỹ, các thủ tục về bảo hiểm y tế cũng trở thành rào cản cho người dân khi khám chữa bệnh. 

Theo thống kê, năm 2006, khoảng 47 triệu người Mỹ không mua bảo hiểm y tế và nhiều người dù có bảo hiểm nhưng vẫn chọn các gói điều trị với chi phí rẻ hơn tại nước ngoài. Năm 2007, khoảng nửa triệu người Mỹ lựa chọn phương pháp trị bệnh tại nước ngoài và 1,29 triệu người Anh tham gia du lịch y tế. 

Sự phát triển của ngành Du lịch và Hàng không giá rẻ cũng khiến cho việc di chuyển, đi lại giữa các nước trở nên dễ dàng và ít tốn kém hơn. Do đó, số lượng bệnh nhân chọn hình thức chữa bệnh tại nước ngoài ngày một lớn, và thị trường du lịch y tế ngày càng nở rộ.

Trong khi đó, thế mạnh không thể không kể đến của du lịch y tế châu Á là chi phí. Chi phí thực hiện một chu trình trị liệu tại châu Á chỉ bằng 20% - 30% so với Anh hoặc Mỹ. Các yếu tố như lợi thế về chi phí cùng với sức hấp dẫn về du lịch đã tạo thành xương sống vững chắc cho du lịch y tế châu Á. 

Phát huy lợi thế này, nhiều bệnh viện khu vực Đông Nam Á, nhất là tại Singapore, Thái Lan, Malaysia đã đầu tư mạnh tay và áp dụng các công nghệ y học mới nhất và tiên tiến nhất nhằm đem đến cho bệnh nhân sự phục vụ tốt nhất. Và bệnh viện các nước này đang theo đuổi nhiều chiến lược như là thuê bác sĩ, y tá tay nghề cao từ Âu Mỹ; áp dụng công nghệ điều trị, chuẩn đoán tiên tiến, khoa học; tham gia vào các hiệp hội y học danh tiếng, liên kết với Mỹ và châu Âu; chú trọng chăm sóc bệnh nhân cả trước và sau điều trị…

Theo đó, đã có nhiều chương trình hỗ trợ, chăm sóc khách hàng sau điều trị mà có thể kể như: Chương trình Commonwealth Travel của Singapore, giúp hoạch định và tổ chức công tác hậu phẫu; Chương trình CanHope của nhóm Bệnh viện Parkway, cung cấp dịch vụ tư vấn về bệnh ung thư; Chương trình Canfriend, giúp hỗ trợ bệnh nhân và gia đình. Thành viên tham gia các chương trình này là các bác sĩ, các chuyên gia tư vấn Singapore. Sự hiện diện của họ ở khắp các quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Campuchia để tiếp tục giúp đỡ bệnh nhân khi trở về nước. Để đảm bảo quy trình trị bệnh diễn ra liên tục và chất lượng, các chương trình này còn tổ chức thành lập các nhóm hỗ trợ bệnh nhân tại nước ngoài.

Tại Singapore, Chính phủ vừa cho thành lập Singapore Medicine, một tổ chức hợp tác giữa chính phủ và ngành Du lịch, với sự hiện diện của Bộ Y tế, Hội đồng Phát triển Kinh tế, và Hiệp hội Doanh nghiệp Quốc tế Singapore. Tổ chức Singapore Medicine có nhiệm vụ liên kết với các cơ quan du lịch nhằm củng cố vị thế dẫn đầu của du lịch y tế Singapore tại khu vực châu Á thông qua các hoạt động truyền thông, quảng bá và phát triển thương hiệu về tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ. Tại các cuộc họp, các sự kiện, cơ quan này sẽ đại diện cho quốc gia tiến hành các hoạt động tuyên truyền về các gói dịch vụ du lịch để thu hút du khách. 

Ở Thái Lan, chính phủ cũng cho đăng đường dẫn trực tiếp tới các trang quảng cáo về du lịch y tế trên trang web chính thức của ngành Du lịch. Ủy ban phát triển du lịch, Bộ Y tế, cùng với Hiệp hội Bệnh viện tư Malaysia cũng đã tiến hành nhiều hoạt động phát triển du lịch y tế. Chính phủ cũng cho phép gia hạn lưu trú từ mức 30 ngày lên mức 6 tháng cho khách du lịch y tế. 

Theo Trung tâm nghiên cứu Kasikorn Thái Lan có khoảng 1,28 triệu khách nước ngoài sử dụng các dịch vụ này năm 2005, tạo ra doanh thu 33 tỷ baht với khoảng 60% bệnh nhân tại Bệnh viện Bumrungrad, và 40% bệnh nhân tại Bệnh viện Samitive là người nước ngoài. 

Tại Malaysia, số bệnh nhân nước ngoài tăng 3 lần từ 2001 đến năm 2006, với 300 nghìn lượt người, tạo ra doanh thu khoảng 59 triệu USD vào năm 2006. Trong khi đó, Singapore có khoảng 410 nghìn du khách tới đây du lịch với mục đích tiến hành các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tăng 28% trong giai đoạn 2004 - 2006. 

Những thông tin trên cho thấy, du lịch y tế có đóng góp không nhỏ với nền kinh tế. Do đó, chính phủ tại nhiều quốc gia châu Á đang dành nhiều quan tâm hơn vào công cuộc phát triển ngành công nghiệp không khói này. 

Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gắt gao, việc đưa ra một bức tranh toàn cảnh, rõ ràng về các xu hướng, tiềm năng và rủi ro với ngành Du lịch Việt Nam là cần thiết trong nỗ lực chinh phục thị trường du lịch…


 Thủy Thụy

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Du lịch Quảng Ninh: Nước rút về đích

Du lịch Quảng Ninh: Nước rút về đích

(Thanh tra) - Trong tháng 11, toàn tỉnh Quảng Ninh ước đón 1,22 triệu lượt khách du lịch, qua đó, góp phần nâng tổng số khách du lịch đến với tỉnh 11 tháng năm 2024 đạt 17,989 triệu lượt, doanh thu du lịch đạt gần 43.549 tỷ đồng. Hai con số này lần lượt tăng 21% và 38% so với cùng kỳ năm ngoái…

Trọng Tài

12:22 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm