Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Việc tổ chức hiệp thương, giới thiệu người ứng cử hết sức quan trọng

Thanh Thanh

Thứ năm, 18/03/2021 - 22:09

(Thanh tra)- Là nhận định của ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam tai Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai, diễn ra hôm nay (18/3).

Toàn cảnh Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai. Ảnh: Quang Vinh

Theo quy định và để bảo đảm dân chủ, lựa chọn được những người tiêu biểu ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV, Hội nghị Hiệp thương sẽ được tiến hành 3 lần.

Trước đó, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất vào ngày 4/2/2021.

Theo dự kiến, Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai phải xong trước 17h00 ngày 19/3/2021 và Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba sẽ xong trước 17h00 ngày 19/4/2021.

Việc tổ chức hiệp thương đang tiến hành theo đúng quy định, lịch trình

Phát biểu khai mạc, ông Trần Thanh Mẫn nêu rõ, thực hiện các quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) năm 2015; căn cứ tinh thần lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; hướng dẫn của Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị Hiệp thương lần thứ 2 để thỏa thuận, lập danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐBQH khóa XV của các cơ quan Trung ương.

Ông Trần Thanh Mẫn chia sẻ, sau Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1226, ngày 22/2/2021 điều chỉnh lần thứ nhất cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV.

Trên cơ sở đó, các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã tổ chức hội nghị giới thiệu người ứng cử ĐBQH, hội nghị lấy ý kiến cử tri đối với người ứng cử ĐBQH khóa XV của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.

Hôm qua (17/3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chuyển hồ sơ của 205 đại biểu ứng cử tới Mặt trận; có thể đánh giá đến thời điểm này các công việc đang tiến hành theo đúng quy định, lịch trình thời gian đã đề ra, ông Trần Thanh Mẫn thông tin.

Việc tổ chức hiệp thương, giới thiệu người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND là một giai đoạn hết sức quan trọng trong quá trình tổ chức bầu cử.

Để thực hiện công tác bầu cử theo đúng quy định của pháp luật, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị các ý kiến góp ý vào các nội dung trình hội nghị trên tinh thần dân chủ, khách quan, thẳng thắn, xây dựng, trách nhiệm cao nhất.

205/205 người được giới thiệu ứng cử đều được 100% cử tri tín nhiệm giới thiệu

Tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã thông tin về tình hình giới thiệu người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương ứng cử ĐBQH khóa XV, trong tổng số đại biểu của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được phân bổ giới thiệu người ứng cử ĐBQH khoá XV là 207 đại biểu, đến 17h00 ngày 14/3/2021, các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu là 205 người.

Trong đó, các cơ quan Đảng được phân bổ 10 đại biểu đã giới thiệu 11 người; Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước được phân bổ 3 đại biểu đã giới thiệu 3 người; các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội được phân bổ 133 đại biểu đã giới thiệu 130 người; Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ được phân bổ 15 đại biểu đã giới thiệu 15 người.

Qua triển khai, ông Nguyễn Hữu Dũng nhận thấy, việc giới thiệu người ứng cử ĐBQH khoá XV diễn ra trong thời gian ngắn từ ngày 24/2 - 14/3, nhưng với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương đã tổ chức đúng, đủ các bước giới thiệu người ứng cử ĐBQH khoá XV.

205/205 người được giới thiệu ứng cử ĐBQH khoá XV đều được 100% cử tri tín nhiệm giới thiệu, trong đó có 204 người, cử tri nơi công tác bày tỏ sự tín nhiệm bằng hình thức biểu quyết giơ tay và 1 người được bày tỏ tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín.

“Đặc biệt, đến nay chưa có trường hợp nào nêu các vấn đề hoặc vụ việc liên quan đến người được giới thiệu ứng cử cần phải xác minh”, ông Nguyễn Hữu Dũng nói.

Các ý kiến của đại biểu tham dự hội nghị đều thể hiện quan điểm thẳng thắn, khách quan nhằm đánh giá về tiêu chuẩn ĐBQH.

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, người của các cơ quan Trung ương ứng cử ĐBQH khóa XV ngoài vấn đề cơ cấu phải bảo đảm tiêu chuẩn ĐBQH, nhất là phẩm chất đại diện được tiếng nói của dân, dám đấu tranh với những tiêu cực, sai trái.

Theo ông Lù Văn Que, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam thì việc thỏa thuận lập danh sách sơ bộ người của các cơ quan Trung ương cần chọn được các đại biểu có tâm, có tầm, có uy tín với nhân dân.

Trước ý kiến băn khoăn về việc tổng số đại biểu của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được phân bổ giới thiệu người ứng cử ĐBQH khoá XV là 207 đại biểu nhưng các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu 205 người; Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh lý giải, căn cứ tình hình thực tiễn và thực hiện các bước của hiệp thương cơ cấu, thành phần của các cơ quan, đơn vị thì khối Đảng giới thiệu 11/10, tăng thêm 1, đây chính là tăng nhân sự khối tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư nên cần thiết tăng thêm.

Theo tinh thần Nghị quyết của Trung ương, tăng số đại biểu chuyên trách từ 35 - 40%, trong quá trình diễn ra các kỳ họp có thể điều chuyển đại biểu từ địa phương về các cơ quan của Quốc hội, bà Nguyễn Thị Thanh cho biết thêm.

Sau Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai, thời gian chỉ còn một tháng nữa sẽ diễn ra Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba để thảo luận, lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH.

Rút kinh nghiệm từ Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai, các cơ quan liên quan cần tích cực phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn trong quá trình tổ chức thực hiện để Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba thành công tốt đẹp, ông Trần Thanh Mẫn bày tỏ.

Tại hội nghị, 100% đại biểu đã biểu quyết thông qua danh sách sơ bộ 205 người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV.

Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 17/3/2021, cả nước sơ bộ có 77 người tự ứng cử ĐBQH tại 24 tỉnh, thành phố.

Trước đó tại Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất, chỉ có 5 tỉnh, thành phố dự kiến có người tự ứng cử.

Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là địa phương có số người tự ứng cử cao lần lượt là 30 người và 16 người.

Tính cả số người tự ứng cử thì tổng số người ứng cử ĐBQH khóa XV là 1.161 người, đạt tỷ lệ 2,3 người trên 1 đại biểu được bầu.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm