Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ năm, 07/11/2024 - 15:48
(Thanh tra) - Theo đại biểu Quốc hội, nếu quy định có kiểm toán vốn điều lệ thì sẽ không xảy ra trường hợp như vụ Faros (thuộc Tập đoàn FLC) hay vụ Sài Gòn - Đại Ninh, ông Nguyễn Cao Trí nhiều lần “phù phép” tăng vốn doanh nghiệp lên 2.000 tỷ đồng.
Từ vụ Faros, Nguyễn Cao Trí “phù phép” tăng vốn, đại biểu Quốc hội nhấn mạnh cần quy định kiểm toán vốn điều lệ khi thảo luận ở hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật (Chứng khoán; Kế toán; Kiểm toán độc lập; Ngân sách Nhà nước; Quản lý, sử dụng tài sản công; Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia) sáng 7/11.
Kiểm toán xác định vốn điều lệ ban đầu là quan trọng
Tại sửa đổi Luật Chứng khoán, Chính phủ đề xuất bổ sung trong hồ sơ chào bán chứng khoán ra công chúng, doanh nghiệp phải có báo cáo kiểm toán về vốn điều lệ đã góp trong 10 năm tính tới thời điểm đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu.
Nêu quan điểm tại phiên thảo luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn (đại biểu Quốc hội đoàn Lai Châu) cho rằng việc siết lại hồ sơ chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng là cần thiết.
Theo ông Toàn, việc kiểm toán xác định vốn điều lệ ban đầu là nội dung quan trọng để xác định vốn thực góp, tổng số cổ phần phát hành ra công chúng.
“Số cổ phần này sẽ được giao dịch trên thị trường thứ cấp. Nếu vốn điều lệ không được xác định chính xác là sự đánh tráo với toàn bộ các nhà đầu tư ngay từ lần mua đầu đến những lần mua tiếp theo”, ông Toàn nói.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách dẫn chứng vụ Công ty Faros (thuộc Tập đoàn FLC) có vốn điều lệ ban đầu 1,5 tỷ đồng, nhưng sau 3 năm với 5 lần tăng, số vốn lên tới 4.300 tỷ đồng, gây hệ luỵ lớn cho thị trường.
Hay trong vụ án Sài Gòn - Đại Ninh, ông Nguyễn Cao Trí qua nhiều lần “phù phép” đã tăng vốn doanh nghiệp của mình lên 2.000 tỷ đồng.
Cách phù phép của họ, theo ông Toàn, là bơm một số tiền nhất định vào các tài khoản, sau đó lại rút ra, bơm vào cho đến khi đạt được doanh số tổng bằng tổng số vốn điều lệ.
“Nếu quy định có kiểm toán vốn điều lệ thì sẽ không xảy ra trường hợp như Faros và một số trường hợp khác”, ông Toàn nhấn mạnh và cho rằng, không đúng khi nói việc kiểm toán báo cáo vốn điều lệ khiến doanh nghiệp chịu chi phí lớn. Bởi đây là yếu tố cần đảm bảo cho thị trường chứng khoán được minh bạch.
Về thời gian kiểm toán góp vốn điều lệ, Chính phủ đề xuất là 10 năm. Ông Toàn đề nghị rút ngắn lại, có thể là 5 năm nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp, nhưng vẫn đảm bảo thị trường phát triển công bằng, minh bạch.
“Không có tiền, trụ sở cũng không” vẫn kê vốn điều lệ 10.000- 20.000 tỷ đồng
Cũng theo dự thảo luật, doanh nghiệp muốn chào bán chứng khoán ra công chúng phải đáp ứng quy định về đại diện người sở hữu trái phiếu, hệ số nợ giá trị phát hành trên vốn chủ sở hữu và xếp hạng tín nhiệm.
Cho rằng quy định trên là cần thiết, nhưng đại biểu Quốc hội Phạm Thị Thanh Mai (đoàn Hà Nội) đề nghị cần rõ ràng để đảm bảo hiệu quả, nhất là việc xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp.
Bà Mai đề nghị Chính phủ nghiên cứu các tiêu chuẩn, tiêu chí xếp hạng tín nhiệm tại các văn bản dưới luật (nghị định, thông tư...) để khả thi.
Giải trình sau đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, theo quy định của Luật Doanh nghiệp khi thành lập doanh nghiệp có quyền kê khai và tự chịu trách nhiệm về vốn điều lệ ban đầu.
Thực tế khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, nhiều đơn vị kê khai vốn điều lệ lớn tới 10.000-20.000 tỷ đồng, trong khi “tài khoản không có tiền, trụ sở cũng không”.
Theo Phó Thủ tướng, khi xảy ra một số vụ việc, các cơ quan quản lý đã có kiến nghị sửa Luật Doanh nghiệp về điều này. Về phía Luật Chứng khoán, khi sửa luật, Bộ Tài chính - cơ quan soạn thảo - tính siết lại quy định để tránh rủi ro cho thị trường chứng khoán.
Trước góp ý của đại biểu, ông Hồ Đức Phớc nói Chính phủ sẽ tiếp thu, giao Bộ Tài chính sửa lại theo hướng doanh nghiệp chỉ phải nộp báo cáo đã kiểm toán về vốn điều lệ góp trong 5 năm, từ thời điểm đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Trường hợp doanh nghiệp thành lập dưới 5 năm thì tính từ thời điểm thành lập.
Tại phiên họp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng giải trình ý kiến đại biểu cho rằng đề xuất mức phạt vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán độc lập gấp 20 lần là quá cao, thời hiệu xử phạt 5 năm là quá dài.
Vấn đề này, theo ông Phớc, nếu vi phạm Bộ luật Hình sự thì đương nhiên phải bị khởi tố, còn chưa đến mức khởi tố hình sự nhưng hành vi đó nguy hiểm, gây thiệt hại hoặc gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội thì phải phạt ở mức cao để răn đe.
“Quy định như luật hiện hành thì rõ ràng không có tính chất răn đe”, Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh, Chính phủ đề xuất với hành vi thao túng thị trường chứng khoán, gian lận phát hành trái phiếu... mà chưa đủ yếu tố cấu thành tội hình sự thì phải phạt nặng hơn trước và mở rộng thời hiệu xử phạt lên 5 năm.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 7/11, tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị bàn giao nhiệm vụ của Bí thư Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La khóa XV, nhiệm kỳ 2021- 2026.
Trần Kiên
17:07 07/11/2024(Thanh tra) - Theo đại biểu Quốc hội, nếu quy định có kiểm toán vốn điều lệ thì sẽ không xảy ra trường hợp như vụ Faros (thuộc Tập đoàn FLC) hay vụ Sài Gòn - Đại Ninh, ông Nguyễn Cao Trí nhiều lần “phù phép” tăng vốn doanh nghiệp lên 2.000 tỷ đồng.
Hương Giang
15:48 07/11/2024Trần Kiên
13:24 07/11/2024Hương Giang
13:23 07/11/2024Hương Giang
11:21 07/11/2024Hương Giang
10:52 07/11/2024Trần Kiên
Trung Hà
Trọng Tài
Lê Phương
Nam Dũng
Hải Lâm
Hải Lâm
Hải Lâm
Trung Hà
Ngọc Giàu - Đình Tuệ
Thu Huyền