Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ năm, 07/11/2024 - 10:52
(Thanh tra) - Từ vụ SCB, Vạn thịnh phát, FLC, đại biểu Quốc hội đồng tình phải tăng mức xử phạt với doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên vi phạm để đảm bảo tính răn đe, nhưng tăng như thế nào cần phải cân nhắc.
Thảo luận ở hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật (Chứng khoán; Kế toán; Kiểm toán độc lập; Ngân sách Nhà nước; Quản lý, sử dụng tài sản công; Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia) sáng 7/11, đại biểu Quốc hội băn khoăn trước đề xuất mức phạt tiền kiểm toán độc lập vi phạm tăng 20 lần.
Kiểm toán độc lập vi phạm có thể bị phạt đến 2 tỷ đồng
Đồng tình sửa đổi, bổ sung quy định xử lý vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập, nhưng đại biểu Quốc hội Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An) thấy mức phạt tiền với cá nhân tối đa 1 tỷ đồng, tổ chức 2 tỷ đồng và thời hiệu xử phạt 5 năm “có nhiều điểm chưa phù hợp”.
Nêu lý do, bà Chung cho hay, mức phạt tiền tối đa mà dự thảo đưa ra so với mức phạt tối đa mà Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định với vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán độc lập (50 triệu đồng với cá nhân và 100 triệu đồng với tổ chức) tăng 20 lần.
Mức phạt tối đa 1 tỷ đồng theo Luật Xử lý vi phạm hành chính chỉ được áp dụng với vi phạm trong lĩnh vực quản lý các vùng biển, đảo và thềm lục địa, quản lý hạt nhân và chất phóng xạ, năng lượng nguyên tử; tiền tệ, kim loại quý, đá quý, ngân hàng, tín dụng; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác, bảo vệ môi trường, thuỷ sản.
Thời hiệu xử phạt dự thảo đưa ra 5 năm, trong khi quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định tối đa chỉ 2 năm.
“Nâng mức phạt trong lĩnh vực kiểm toán lên gần với lĩnh vực có mức phạt cao nhất là chứng khoán liệu đã hợp lý chưa nếu so sánh với tính chất, mức độ và hậu quả vi phạm? Có thể nhận thấy vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán ảnh hưởng trực tiếp, ngay lập tức và tới hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí là hàng triệu giao dịch cũng như nhà đầu tư. Trong khi đó, vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán ảnh hưởng gián tiếp, có độ trễ và phạm vi ảnh hưởng hẹp hơn rất nhiều”, bà Chung nêu.
Cho hay đã nghiên cứu dự thảo nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán độc lập kèm theo hồ sơ dự thảo luật, đại biểu Quốc hội nói, “tôi thực sự băn khoăn”.
Bà Chung đơn cử mức phạt tiền tối đa 1 tỷ đồng dự kiến được áp dụng cho hành vi vi phạm quy định về hồ sơ dự thi chứng chỉ kiểm toán viên. Cụ thể là hành vi sửa chữa, giả mạo, khai man về bằng cấp, chứng chỉ và các tài liệu khác trong hồ sơ để đủ điều kiện dự thi lấy chứng chỉ kiểm toán viên.
Hành vi này nếu đủ điều kiện cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử lý theo quy định của Bộ luật hình sự. Nếu chưa đến mức xử lý hình sự thì bị xử lý hành chính và mức phạt tiền hiện nay là 30 triệu đồng theo Nghị định 41/2018, tương đương với hành vi vi phạm quy định về hồ sơ dự thi chứng chỉ kế toán viên.
Nhiều vi phạm nhỏ cũng sẽ bị xử rất khắt khe
Vẫn theo bà Chung, nhiều vi phạm nhỏ cũng sẽ bị xử lý rất khắt khe, ví dụ hành vi nộp trả lại giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán/giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán chậm dưới 15 ngày so với thời hạn quy định chỉ bị phạt cảnh cáo thì nay dự thảo đưa ra mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng với cá nhân và từ 20-40 triệu đồng với tổ chức.
Hành vi vi phạm quy định về mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho kiểm toán viên hành nghề hoặc trích lập quỹ dự phòng rủi ro nghề nghiệp không đúng quy định của Bộ Tài chính hiện nay phạt từ 5-10 triệu thì dự kiến tăng lên 20-40 triệu (gấp 4 lần).
“Thời gian qua, khi điều tra, xử lý một số vụ án lớn xảy ra tại SCB, Vạn thịnh phát, FLC cho thấy có trách nhiệm của 1 số cơ quan, đơn vị, trong đó có công ty kiểm toán, kiểm toán viên với các báo cáo kiểm toán thiếu trung thực. Tôi đồng tình cần phải tăng mức xử phạt và tăng thời hiệu xử phạt để đảm bảo tính răn đe với doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên vi phạm. Tuy nhiên, tăng như thế nào thì cần phải cân nhắc”, bà Chung phát biểu.
Để đảm bảo phù hợp với tính chất, mức độ và hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm, đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An đề nghị chỉ nên tăng mức xử phạt tối đa gấp 2 lần so với hiện nay và thời hiệu xử phạt là 2 năm.
Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) thì đồng tình nâng mức xử phạt như dự thảo luật quy định. Nhưng bà thấy, mức phạt tiền đối đa 2 tỷ đồng với tổ chức là “hơi thấp” so với mức phạt cá nhân tối đa 1 tỷ đồng. “Tôi đề nghị nâng mức phạt của tổ chức cao hơn nữa, tới mức 3 tỷ đồng”, Bà Lan góp ý.
Bà Lan cũng cho rằng, cần tăng thời hiệu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán độc lập lên 5 năm. Điều này, theo bà, cũng phù hợp với quy định về phòng chống tham nhũng.
Mở rộng doanh nghiệp quy mô lớn phải kiểm toán báo cáo tài chính
Vấn đề nữa, đại biểu Quốc hội Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An) tán thành bổ sung vào dự thảo luật quy định: Doanh nghiệp, tổ chức có quy mô lớn phải kiểm toán báo cáo tài chính theo quy định của Chính phủ.
“Luật hiện hành không quy định điều này dẫn tới một số doanh nghiệp, tổ chức có quy mô lớn hay các công ty bất động sản không niêm yết, không đại chúng cũng không cần kiểm toán, gây ảnh hưởng nặng nề tới xã hội trong thời gian qua”, bà Chung nói.
Chung mối quan tâm, đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) đồng ý mở rộng đối tượng phải kiểm toán bắt buộc nhưng cho rằng cần làm rõ mục đích kiểm toán theo diện rộng là gì.
Theo bà Thơ, hiện có hai tiêu chí xác định doanh nghiệp quy mô lớn là có tổng số lao động khoảng 200 người, tổng doanh thu năm từ 300 tỷ đồng trở lên và tổng tài sản hơn 100 tỷ đồng.
Dựa trên các tiêu chí trên thì có 20.000 doanh nghiệp phải kiểm toán bổ sung, bà Thơ cho rằng, tương đối lớn. Trong khi, kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm của doanh nghiệp là tốn kém, ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh.
Thẩm tra nội dung sửa đổi Luật Kiểm toán độc lập, cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng việc mở rộng đối tượng cần được kiểm toán bắt buộc là cần thiết.
“Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu, xây dựng nghị định của Chính phủ cần xác định rõ phạm vi các đối tượng kiểm toán bắt buộc, tránh tình trạng có quá nhiều đối tượng phải kiểm toán”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh nói.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị cần bảo đảm việc điều chỉnh đối tượng kiểm toán bắt buộc tương xứng với nguồn lực kiểm toán độc lập, bảo đảm tính hiệu quả, khả thi và tránh phát sinh chi phí cho doanh nghiệp, cho xã hội.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Vương Đình Huệ, nguyên Chủ tịch Quốc hội; chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng, nguyên Chủ tịch nước do đang điều trị bệnh.
Hương Giang
17:00 21/11/2024(Thanh tra) - Từ 1/7/2025, cơ sở kinh doanh dược được bán thuốc theo phương thức thương mại điện tử với thuốc không kê đơn, trừ thuốc phải kiểm soát đặc biệt, thuốc hạn chế bán lẻ, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược được Quốc hội thông qua.
Hương Giang
15:59 21/11/2024Hương Giang
12:17 21/11/2024Hương Giang
20:39 20/11/2024Trần Lê
19:31 20/11/2024Trà Vân
16:21 20/11/2024Công Thắng - Bạch Vân
Kim Thành
Phương Anh
Thái Hải
Trần Quý
Nam Dũng
Lê Phương
Hoàng Nam
Hoàng Nam
Trần Kiên