Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Trình Quốc hội đề xuất cán bộ ngoài ngành công an, quân đội tham gia gìn giữ hòa bình

Hương Giang

Thứ tư, 14/05/2025 - 15:17

(Thanh tra) - Cán bộ, công chức, viên chức ngoài ngành công an, quân đội có thể được Nhà nước cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, theo dự án luật trình Quốc hội.

Chiều 14/5, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thừa ủy quyền của Thủ tướng trình Quốc hội Dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Đại tướng Phan Văn Giang cho biết, tháng 6/2014, Việt Nam chính thức cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. 

Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày tờ trình Dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Ảnh: P.Thắng

Đến nay, theo Đại tướng Phan Văn Giang, Việt Nam đã cử gần 1.100 lượt sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp (trong đó có 13 sĩ quan Công an) đi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc tại Phái bộ UNMISS (Nam Sudan), Phái bộ MINUSCA (Cộng hòa Trung Phi), Phái bộ UNISFA (khu vực Abyei), Phái bộ EUTM-RCA (Phái bộ huấn luyện của Liên minh châu Âu tại CH Trung Phi) và Trụ sở Liên hợp quốc.

Các lực lượng Việt Nam đã và đang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được lãnh đạo Liên Hợp Quốc, Chỉ huy phái bộ, Chính quyền nước sở tại và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nêu rõ, dự thảo luật quy định nguyên tắc, đối tượng, hình thức, lĩnh vực; xây dựng, triển khai lực lượng; bảo đảm nguồn lực, chế độ, chính sách; hợp tác quốc tế về gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Đối tượng gồm: Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ và đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an, chiến sĩ và đơn vị thuộc Bộ Công an được cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Ngoài ra, còn có cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước được cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Như vậy, dự thảo luật đã mở rộng phạm vi đối tượng dân sự tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc.

Theo Chính phủ, tại một số cuộc tiếp xúc cấp cao, lãnh đạo Liên Hợp Quốc đã đề nghị Việt Nam cân nhắc mở rộng lực lượng, phạm vi, địa bàn, đối tượng tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình, bao gồm cả các vị trí lãnh đạo dân sự, chuyên gia dân sự tại các phái bộ thực địa và các vị trí dân sự tại Ban thư ký Liên Hợp Quốc.

Qua đánh giá, việc cử đối tượng dân sự tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc sẽ mang lại cho Việt Nam nhiều lợi ích tiềm năng. 

“Việc bổ sung đối tượng dân sự sẽ giúp huy động thêm nguồn nhân lực để tham gia sâu rộng hơn vào các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, nhất là các vị trí lãnh đạo, các vị trí tại các cơ quan hoạch định chính sách của Liên Hợp Quốc, qua đó, giúp mở rộng tầm ảnh hưởng, nâng cao vị trí, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế”, tờ trình của Chính phủ nêu.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới. Ảnh: P.Thắng

Thẩm tra về dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Lê Tấn Tới cho biết, ủy ban này cơ bản nhất trí việc bổ sung đối tượng áp dụng là “cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước” tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. 

Cạnh đó, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định chung về lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình bao gồm: Lực lượng trực tiếp và lực lượng gián tiếp. Việc này làm cơ sở cho việc quy định chế độ, chính sách được đầy đủ, đúng đối tượng và thành phần tham gia.

Về chế độ, chính sách, theo ông Tới, có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về chế độ, chính sách đối với cá nhân bị ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc bị bệnh sau khi kết thúc nhiệm vụ, được xác định nguyên nhân do quá trình thực hiện nhiệm vụ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc gây ra.

Một số ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể về chế độ, chính sách mang tính ưu tiên, khuyến khích với lực lượng là nữ giới tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về chế độ, chính sách xây dựng lực lượng tham gia đào tạo, huấn luyện, quản lý lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các ban, bộ, ngành, địa phương có lực lượng tham gia.

Cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để quy định cho chặt chẽ, phù hợp, thuận lợi trong tổ chức thực hiện.

Dự thảo luật có 4 chương, 26 điều, sẽ được Quốc hội thảo luận tại chiều 15/5, thảo luận ở hội trường vào ngày 13/6, trước khi biểu quyết thông qua chiều 27/6.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

3 Thứ trưởng Bộ Công an được thăng cấp bậc hàm Thượng tướng

3 Thứ trưởng Bộ Công an được thăng cấp bậc hàm Thượng tướng

(Thanh tra) - 3 Thứ trưởng Bộ Công an là các ông Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội; Lê Văn Tuyến; Nguyễn Văn Long được thăng cấp bậc hàm từ Trung tướng lên Thượng tướng, theo quyết định của Chủ tịch nước.

Hương Giang

10:59 14/06/2025

Tin mới nhất

Xem thêm