Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tranh luận điều nhà giáo giỏi sang làm quản lý giáo dục, bảo lưu phụ cấp thế nào?

Hương Giang

Thứ tư, 20/11/2024 - 13:19

(Thanh tra) - Quốc hội dành trọn phiên họp buổi sáng 20/11 để thảo luận Dự án Luật Nhà giáo. Vấn đề bảo lưu chế độ, chính sách trong điều động nhà giáo được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, tranh luận.

Dự thảo Luật Nhà giáo quy định, trường hợp điều động nhà giáo giữa các cơ sở giáo dục công lập, nếu chế độ, chính sách ở vị trí công việc cũ cao hơn chế độ, chính sách ở vị trí công việc mới thì được bảo lưu các chế độ, chính sách của vị trí công việc cũ trong thời hạn tối đa 36 tháng.

Trường hợp điều động nhà giáo từ cơ sở giáo dục công lập sang cơ quan quản lý giáo dục thì được bảo lưu chế độ phụ cấp thâm niên và phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo trong thời hạn tối đa 12 tháng.

Sau thời gian bảo lưu thì thực hiện theo các chế độ, chính sách của vị trí công việc mới, theo dự thảo luật.

Bảo lưu phụ cấp của nhà giáo từ trường này sang trường khác không thể 36 tháng

Nêu ý kiến, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) đề nghị cân nhắc quy định về bảo lưu chế độ, chính sách trong điều động nhà giáo giữa các cơ sở giáo dục công lập.

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông). Ảnh: P.Thắng

Theo ông, quy định bảo lưu chế độ, chính sách của nhà giáo cần phải tương đồng với chính sách về cán bộ, công chức, viên chức. “Nhà giáo đã có nhiều chính sách ưu đãi theo dự thảo luật”, ông Mai nói.

Đại biểu đoàn Đắk Nông đề nghị, thời gian bảo lưu chế độ, chính sách trong điều động nhà giáo giữa các cơ sở giáo dục công lập 6 tháng hoặc hơn, nhưng không phải “tối đa 36 tháng”.

Đại biểu Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai) cho hay, dự thảo ban đầu thời gian bảo lưu phụ cấp thâm niên và phụ cấp ưu đãi khi điều động nhà giáo từ cơ sở giáo dục công lập sang cơ quan quản lý giáo dục là 36 tháng, sau đó giảm xuống 12 tháng.

“Tôi mong muốn những trường hợp này được giữ nguyên phụ cấp thâm niên nhà giáo, bởi chúng ta đang thực hiện thu hút nhân tài. Khi thu hút nhân tài, điều động những người này về cơ quan chuyên môn làm cán bộ quản lý là những giáo viên rất giỏi”, ông Khánh nói.

Đại biểu đoàn Đồng Nai phân tích, phụ cấp của một giáo viên được điều động sang công tác tại phòng chuyên môn của Sở Giáo dục Đào tạo hoặc phòng giáo dục là 25%. Họ sẽ mất phụ cấp đứng lớp từ 30 đến 35%, thậm chí mất luôn phụ cấp thâm niên.

Điều đó, dẫn đến, lương hàng tháng của một giáo viên giỏi ở trường là 10 triệu, sang cơ quan quản lý giáo dục chỉ còn 7 triệu/tháng. Trong khi, đằng sau những thầy cô giáo được điều động sang cơ quan quản lý giáo dục là cả gia đình phải lo.

Đại biểu Đỗ Huy Khánh (đoàn Đồng Nai). Ảnh: P.Thắng

“Nếu không có chính sách bảo lưu chế độ thâm niên, phụ cấp ưu đãi với nhà giáo khi điều động sang cơ quan quản lý thì họ sẽ không về, như thế không thể lấy được người giỏi”, ông Khánh nhấn mạnh.

Giáo viên giỏi sang làm quản lý giáo dục cần giữ chế độ ưu đãi ít nhất 5 năm

Tranh luận lại với đại biểu Đỗ Huy Khánh, đại biểu Dương Khắc Mai nói, ông chia sẻ với các thầy cô giáo khi còn rất nhiều khó khăn. Chính vì những khó khăn này, nên Quốc hội mới bàn Dự án Luật Nhà giáo với nhiều chính sách ưu tiên.

Bày tỏ tán thành rất cao các chính sách ưu tiên trong dự thảo luật này, nhưng theo đại biểu Mai, khi xem xét vấn đề nào đó cần phải cân đối giữa ngành này, ngành khác, lĩnh vực này với lĩnh vực khác, bảo đảm hài hòa, hợp lý.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng bấm nút tranh luận. Theo ông Hòa, việc bảo lưu các chế độ từ cơ sở giáo dục này chuyển sang cơ sở giáo dục khác giống như công chức, viên chức.

“Nếu bảo lưu cao lắm là 12 tháng, không thể là 36 tháng được”, ông Hòa nêu ý kiến và ví dụ, giáo viên ở cơ sở giáo dục Đồng Văn (Hà Giang) thì chế độ rất cao, nếu điều chuyển về cơ sở giáo dục ở TP Hà Giang, mà vẫn bảo lưu chế độ 36 tháng thì rất không hợp lý.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa tranh luận. Ảnh: P.Thắng

Với trường hợp điều động nhà giáo từ cơ sở giáo dục công lập sang cơ quan quản lý giáo dục, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị thời gian bảo lưu chế độ phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi là 36 tháng, chứ không chỉ 12 tháng.

Bởi, theo ông, thực tế có trường hợp hiệu trưởng trường THCS, THPT điều động về làm phó phòng giáo dục mà mất hơn nửa lương, thậm chí 2/3 lương.

“Nhiều trường hợp hiệu trưởng được điều động sang cơ quan quản lý giáo dục mà lương thấp hơn hiệu phó thì người ta tâm tư lắm”, ông Hòa nói.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, những giáo viên dạy giỏi thường không muốn rời vị trí công tác để sang làm công tác quản lý. Tuy nhiên, để làm công tác quản lý chuyên môn giáo dục thì cần phải có giáo viên giỏi.

“Khi điều chuyển giáo viên giỏi sang làm công tác quản lý thì phải giữ nguyên chế độ thâm niên, ưu đãi cho những giáo viên này ít nhất là 1 nhiệm kỳ điều động 5 năm, chứ không phải chỉ 12 tháng”, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu ý kiến.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm