Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

TP.HCM tiếp tục "nóng” vấn đề rác thải nơi công cộng

Thứ tư, 11/07/2018 - 18:46

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 9, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX, phiên thảo luận tại hội trường diễn ra sáng 11/7 sôi nổi với nhiều ý kiến về các vấn đề còn tồn tại như ô nhiễm môi trường, bảo tồn công trình di sản văn hóa…

Công nhân thoát nước đô thị tiến hành vớt rác thải tại các cống thoát nước trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Xử lý nghiêm hành vi xả rác không đúng quy định 

Bức xúc tình trạng rác thải tràn lan nơi công cộng, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm bày tỏ, đây vẫn là vấn đề về ý thức người dân. 

Tuy nhiên, vì sao ý thức đơn giản đó lại không được thiết lập và trở thành văn hóa của người dân. 

Luật đã có nhưng thực hiện chưa nghiêm, cách xử lý còn theo phong trào chứ chưa quyết liệt, ra quân xử phạt xong lại đâu vào đấy. 

Trong khi ý thức người dân chưa cao thì quản lý nhà nước cần phải đóng vai trò quan trọng, đại biểu Tố Trâm nhấn mạnh. 

Đại biểu Trần Thanh Trí cho rằng, công tác thu gom rác ở khu dân cư đã có kết quả nhất định nhưng chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Cùng với đó, ý thức người dân chưa tốt ảnh hưởng đến việc bảo vệ môi trường.

Lấy ví dụ thực tế, ông Trần Thanh Trí chia sẻ, nhiều đơn vị thu gom rác ở khu dân cư nhưng không thu gom một số loại rác lớn như vật dụng hư hỏng của các hộ gia đình vì đây không phải là rác sinh hoạt. 

Không đồng thuận việc trả thêm phí để thu gom các loại rác này, nhiều người dân “lén” đem đổ ở những nơi vắng và nơi đó trở thành bãi rác. 

Không những thế, rác còn làm tắc nghẽn kênh rạch, cống thoát nước gia tăng tình trạng ngập nước. Việc này khó có thể giải quyết tận gốc khi xử lý chưa nghiêm và chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. 

Đại biểu Trần Thanh Trí cũng cho rằng không nên dùng sức người để thực hiện nạo vét kênh rạch, cống thoát nước mà cần ứng dụng sáng kiến kỹ thuật, dùng cơ giới thực hiện mới hiệu quả. Hoạt động này cũng cần được xã hội hóa, đấu thầu, tổ chức cho tư nhân đứng ra thực hiện. 

Còn đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê trăn trở, vấn đề rác thải kéo dài từ trước đến nay chưa có giải quyết hiệu quả. Trong khi ý thức người dân về bảo vệ môi trường chưa tốt cần có chế tài mạnh mẽ. 

Thực tế, các quy định xử phạt đã có, lãnh đạo thành phố quyết liệt triển khai giải pháp nhưng để nâng cao ý thức người dân cần thực hiện đồng thời việc đẩy mạnh tuyên truyền và xử phạt mạnh hành vi vi phạm. 

Còn đại biểu Lê Nguyễn Minh Quang đề xuất, nên mạnh dạn nghiên cứu xã hội hóa lực lượng xử phạt về xả rác, vi phạm luật giao thông để không làm tăng biên chế các ngành. 

Trả lời các vấn đề đại biểu đặt ra, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Với một thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh áp lực với rác thải là chuyện không tránh khỏi.

Để giải quyết vấn đề này, thành phố đã triển khai đồng bộ các giải pháp từ khâu phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý với quy trình cụ thể. 

Tuy nhiên, thực tế việc triển khai tại các cơ sở, địa phương chưa triệt để. Thời gian tới, ngành sẽ rà soát lại để thực hiện quyết liệt hơn nữa, nếu một trong các khâu làm không tốt sẽ “phá sản” kế hoạch đề ra. 

Thừa nhận có trách nhiệm trong việc để tình trạng rác thải tràn lan nơi công cộng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng cho biết, đã có chế tài xử lý nhưng cơ quan chức năng khó xử lý. 

Thực tế, mỗi ngày thành phố có khoảng 2.300 tấn rác thải công cộng, chiếm 20% tổng lượng rác thải thành phố, nếu việc xử lý không tốt sẽ gây ô nhiễm môi trường, nghẽn cống, gây ngập nước. 

Vì vậy, thời gian tới, ngành sẽ tập trung xử lý rác thải nơi công cộng, trong đó xử lý nghiêm hành vi xả rác không đúng quy định. Hiện quy định mức xử phạt hành vi xả rác không đúng quy định từ mức 500.000 đến 7 triệu đồng, giao về cấp chính quyền địa phương, ngành Tài nguyên và Môi trường xử phạt. 

Để xử lý được hành vi phải có sự gắn kết với nhiều ngành, ví vụ như thông qua camera an ninh có thể phát hiện và xử phạt hành vi xả rác. 

Bà Phan Thị Thắng, Giám đốc Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, mỗi năm ngân sách bố trí 1.132 tỷ đồng cho công tác duy tu thoát nước và 2.848 tỷ đồng xử lý rác. 

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Nguyễn Thị Quyết Tâm, đây mới là tiền ngân sách bố trí, còn tiền của từng hộ dân đóng hàng tháng để thu gom rác, tính tổng là con số rất lớn nhưng hiệu quả mang lại chưa như mong muốn. 

Nhận định một phần nguyên nhân tình trạng ngập nước là do xả rác bừa bãi gây tác nghẽn cống thoát nước, kênh rạch, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, hiện hành lang pháp lý có đầy đủ nhưng tổ chức thực hiện chưa nghiêm nên không hiệu quả, đồng bộ.

Môi trường ngập rác, tình trạng ngập nước vẫn diễn ra thì không thể chấp nhận được. Các ngành cần bàn sâu, quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới. 

Bảo tồn công trình có giá trị văn hóa 

Đánh giá cao chương trình giám sát 2019 của Hội đồng Nhân dân thành phố về bảo tồn di sản cảnh quan kiến trúc trên địa bàn, đại biểu Đinh Thị Thanh Thủy cho rằng, để chuẩn bị tốt cho việc giám sát này, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố cần có bước chuẩn bị; rà soát tổng thể quá trình lập bản đồ bảo vệ di tích, lập danh mục kiểm kê di tích. 

Qua đó, nắm được thực trạng và có giải pháp quản lý bảo tồn di sản cảnh quan kiến trúc đô thị. Từ đó, có ứng xử hợp lý với di tích và phát huy tốt giá trị, tránh tình trạng lúng túng trong triển khai các dự án liên quan đến công trình di tích giá trị. 

Đồng tình ý kiến trên, đại biểu Vương Đức Hoàng Quân kiến nghị, chương trình giám sát 2019 của Hội đồng Nhân dân về bảo tồn di sản cảnh quan kiến trúc đô thị nên đưa vào thêm nội dung bảo tồn văn hóa phi vật thể. 

Trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể cần chú trọng đến 2 vấn đề khai thác du lịch, phục vụ công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. 

Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm cho rằng, việc lập danh mục các công trình bảo tồn là cần thiết nhưng cần quan tâm đến vai trò tư vấn của các nhà khoa học. 

Tập trung giải pháp tăng trưởng kinh tế 

Đại biểu Phạm Quốc Bảo nhận định, kinh tế 6 tháng đầu năm của thành phố tăng trưởng tốt nhưng chưa thực sự bền vững. Với mục tiêu năm 2018 tăng trưởng 8,3-8,5%, trong 6 tháng cuối năm tăng trưởng kinh tế tối thiểu phải đạt 8,7%. 

Để đạt được mục tiêu này, cần xác định mục tiêu tăng trưởng của từng ngành, nhất là công nghiệp, xây dựng, dịch vụ-thương mại để giao nhiệm vụ cụ thể cho ngành liên quan. Về công nghiệp, ngoài 4 ngành trọng yếu, thành phố cần chú trọng công nghiệp phục vụ nông nghiệp. 

Về xây dựng, ngoài bất động sản cần tập trung xây dựng các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm. Để huy động được vốn cho các dự án này, cần thành lập ngân hàng mới để huy động vốn phục vụ phát triển dự án trọng điểm. 

Bàn về giải pháp thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đại biểu Võ Thị Ngọc Thúy cho rằng, thành phố cần rà soát toàn diện hai nguồn lực hữu hạn gồm đất đai, vốn, cơ sở hạ tầng và nguồn lực vô hạn là trí tuệ con người. 

Về nguồn lực hữu hạn, rà soát lại doanh nghiệp đang cho thuê lại đất khi không sử dụng hết công suất, tái cấu trúc sử dụng quỹ đất hiệu quả; tái cấu trúc các khu công nghiệp, khu chế xuất theo hướng ưu tiên doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và có sức lan tỏa, giảm thâm dụng lao động. 

Ngoài ra, đẩy mạnh hơn nữa quy hoạch nguồn lực sản xuất nguồn nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là tập trung cho các ngành, sản phẩm chủ lực thành phố để giảm tình trạng nhập siêu như hiện nay. 

Về nguồn lực vô hạn cần chú trọng phát huy nguồn lực tri thức, sáng tạo con người; nâng chất chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thực tế./.

Theo T.Hoài/TTXVN

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm