Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tổng Thanh tra: Tố cáo qua email có ký tên điện tử thì giải quyết

Thứ sáu, 16/06/2017 - 21:06

(Thanh tra) - Tại phiên thảo luận về Dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) tại hội trường Quốc hội chiều ngày 16/6, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu nhấn mạnh, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Dự thảo Luật sẽ mở rộng hình thức tố cáo theo hướng, thư điện tử (email) có chữ ký điện tử thì được xem xét giải quyết…

Tổng Thanh tra Phan Văn Sáu

“Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, xin cám ơn ý kiến đóng góp của các ĐBQH”, Tổng Thanh tra nói.

Thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Thanh tra Chính phủ được giao chủ trì xây dựng Dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi).

“Trên cơ sở ý kiến của ĐBQH và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Thanh tra Chính phủ sẽ phối hợp với Ủy ban Pháp luật cân nhắc, chọn lọc chỉnh lý, hoàn thiện Dự án Luật để trình Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ họp tới”, Tổng Thanh tra nhấn mạnh.

Giải trình rõ hơn về hình thức tố cáo, theo Tổng Thanh tra, việc quy định hai hình thức tố cáo (bằng đơn và tố cáo trực tiếp) bởi vì, giải quyết tố cáo cán bộ công chức, viên chức có nội dung và yêu cầu giải quyết rất chặt chẽ, nhạy cảm.

“Khi nhận được thông tin, cơ quan có thẩm quyền phải tiếp nhận, xử lý, xác định rõ người tố cáo, nội dung tố cáo, kể cả việc xử lý người tố cáo lợi dụng quyền tố cáo để vu khống gây mất đoàn kết. Chính vì vậy, Dự thảo quy định 2 hình thức trên”.

Tuy nhiên, Tổng Thanh tra cho biết, qua ý kiến thảo luận tại hội trường, để tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền tố cáo, cung cấp thông tin để giải quyết xử lý theo thẩm quyền, có thể mở rộng thêm 2 hình thức.

“Thư điện tử có ký tên điện tử thì được xem xét theo quy trình giải quyết theo Luật Tố cáo. Các hình thức điện tử khác, công nghệ thông tin truyền thông khác thì phải xác định rõ họ tên, địa chỉ, nội dung thông tin rõ ràng thì cũng được giải quyết theo quy trình giải quyết tố cáo”, Tổng Thanh tra nhấn mạnh.

Liên quan đến tố cáo nặc danh cũng được tiếp thu ý kiến ĐBQH.

Theo Tổng Thanh tra, tố cáo nặc danh, có nội dung tố cáo không chính xác, bịa đặt, vu không thì sẽ không được xem xét.

“Trường hợp có nội dung rõ ràng, kèm theo chứng cứ thì được xem xét, xử lý phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra và yêu cầu công tác quản lý, nhưng không xem xét theo quy trình giải quyết tố cáo”.

Liên quan đến vấn đề bảo vệ người tố cáo, tại phiên thảo luận, nhiều ĐBQH cho rằng, còn chung chung, hình thức, chưa chặt chẽ, cần quy định cụ thể, chi tiết cơ chế, biện pháp bảo vệ, chế tài xử lý…

“Tiếp thu ý kiến, cơ quan soạn thảo sẽ bổ sung vào nội dung dự thảo”, Tổng Thanh tra kết thúc giải trình.

Theo quy định của Đảng và Luật Tố cáo hiện hành chưa chấp nhận xem xét, giải quyết đơn tố cáo không rõ, họ tên địa người tố cáo (tố cáo nặc danh).

Trong những năm qua các cơ quan nhà nước mới chỉ giải quyết được 87,4% tổng số đơn tố cáo có danh. Trong đó có đến 59,3% là tố cáo sai và 28,3% tố cáo có đúng, có sai.

Tại tờ trình nêu rõ, nếu Luật quy định việc giải quyết tố cáo nặc danh sẽ gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong quá trình xem xét, giải quyết. Hơn nữa, trường hợp người tố cáo lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo nặc danh sai sự thật thì không có căn cứ để xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người tố cáo. Do đó, dự thảo Luật chưa quy định về việc giải quyết tố cáo nặc danh.

Qua thảo luận tại tổ và hội trường, nhiều ĐBQH nhất trí về nguyên tắc là không xử lý đơn tố cáo nặc danh, nhưng Luật cần quy định rõ trường hợp tuy là đơn tố cáo nặc danh nhưng có gửi kèm theo chứng cứ, nội dung rõ ràng (như các tài liệu, vật chứng, ảnh, đoạn băng ghi hình, ghi âm…) thì cơ quan, người có thẩm quyền phải có trách nhiệm tổ chức việc xác minh, xử lý nhằm tránh bỏ lọt hành vi vi phạm pháp luật.

Quy định như vậy là phù hợp với điều kiện hiện nay khi mà cơ chế bảo vệ người tố cáo chưa có hiệu quả, vì nhiều lý do mà người tố cáo không dám hoặc không muốn đứng tên, thậm chí có trường hợp còn mạo danh người khác.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm