Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tổng Thanh tra giải trình việc khiếu tố phức tạp, thanh tra chồng chéo

Thứ sáu, 09/06/2017 - 18:20

(Thanh tra) - Tại phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế- xã hội chiều 9/6, Tổng Thanh tra Phan Văn Sáu giải trình loạt vấn đề được ĐBQH quan tâm về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thanh tra.

Tổng Thanh tra Phan Văn Sáu

Xử lý nghiêm vi phạm pháp luật khiếu nại, tố cáo

Bày tỏ sự đồng tình và cám ơn các ý kiến của ĐBQH, theo Tổng Thanh tra, năm 2016, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân có xu hướng giảm so với năm 2015.

Tuy nhiên, quý I/2017, tình hình khiếu nại, tố cáo có xu hướng tăng trở lại (tăng 28,3% số lượt người, 23% số đoàn đông người, 72,9% số vụ việc so với cùng kỳ năm 2016).

“Tình hình khiếu kiện của công dân có diễn biến phức tạp, nhất là tại khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung, miền Nam, sau khi xảy ra sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung, có nhiều đoàn đông người xuất phát từ việc khiếu nại không đạt mục đích chuyển sang tố cáo người giải quyết”, Tổng Thanh tra cho biết.

Nói đến nguyên nhân, Tổng Thanh tra làm rõ hơn là do, chính sách, pháp luật về đất đai, nhất là, trong công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng đã có nhiều thay đổi, từng bước được hoàn thiện nhưng chưa giải quyết được hài hoà mối quan hệ giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất.

Công tác quản lý Nhà nước trong một số lĩnh vực còn yếu kém; trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính, trách nhiệm cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số nơi chưa thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật.

Thêm vào đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo hiệu quả còn thấp.

“Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người khiếu nại còn hạn chế nên tỉ lệ khiếu nại, tố cáo sai còn khá nhiều”, ông lưu ý.

Cho nên, thời gian tới, Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, quyết liệt các Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị, luật, các nghị định, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là tập trung giải quyết những vụ việc đông người, phức tạp, tồn đọng.

Rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý Nhà nước và thực hiện công khai, minh bạch trong thực hiện chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo.

“Nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm; kịp thời phát hiện, khắc phục những hạn chế, tồn tại và xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm”, Tổng Thanh tra nhấn mạnh sẽ, tăng cường kỷ cương, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Ngoài ra, còn coi trọng tổ chức thực hiện, kiểm tra việc thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý về tố cáo đã có hiệu lực pháp luật và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo.

Chỉ rõ nguyên nhân chồng chéo

Đối với hoạt động thanh tra, Luật Thanh tra đã có quy định rõ về thẩm quyền, phân định, thẩm quyền thanh tra. Thanh tra Chính phủ cũng đã ban hành Thông tư 01 quy định việc xây dựng, phê duyệt định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra để tránh sự chồng chéo…

Theo ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước), vẫn còn tình trạng doanh nghiệp làm ăn chân chính than phiền về tình trạng phải thường xuyên tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra.

Ông dẫn ví dụ, một doanh nghiệp thay đổi công nghệ xử lý chất thải, nhưng đơn vị thanh tra cho rằng không đúng nên bị phạt và buộc phải đóng cửa dây chuyền sản xuất 3 tháng. Sau đó, chính đơn vị thanh tra này ra văn bản hủy bỏ quyết định đóng cửa dây chuyền sản xuất.

“Thiệt hại do quyết định tùy tiện đó doanh nghiệp phải gánh chịu”, ông nói và bày tỏ hi vọng, Chỉ thị 20 sẽ tạo một làn gió mới thu hút các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế cạnh tranh lành mạnh.

Tuy vậy, theo người đứng đầu ngành Thanh tra, trong thực tiễn vẫn còn xảy ra sự chồng chéo, trùng lặp giữa các cơ quan thanh tra và thanh tra với kiểm toán.

Sự chồng chéo này là sự phối hợp giữa thanh tra và kiểm toán chưa thường xuyên. Quy định pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Nhà nước cũng còn có những bất cập, thậm chí chưa phân định rõ ràng ranh giới về thẩm quyền giữa hai cơ quan này.

“Kế hoạch của Kiểm toán Nhà nước không nêu chi tiết về đối tượng được kiểm toán (chỉ ghi bộ, ngành, địa phương được kiểm toán), một số cuộc thanh tra về quản lý Nhà nước chưa nêu rõ đối tượng thanh tra”, ông thông tin.

Còn sự chồng chéo trong hoạt động thanh tra, theo Tổng Thanh tra chủ yếu tra là do, các quy định của pháp luật về thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan thanh tra vẫn còn bất cập, chưa phân định một cách rõ ràng, rành mạch về thẩm quyền thanh tra trong một số trường hợp.

Công tác phối hợp giữa các cơ quan thanh tra trong xây dựng kế hoạch thanh tra cũng chưa chặt chẽ, thường xuyên.

Để thể hiện quyết tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, mới đây, Thủ tướng đã ra chỉ thị yêu cầu xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với doanh nghiệp.

Trường hợp kế hoạch thanh tra trùng lặp, chồng chéo với hoạt động kiểm toán nhà nước thì chủ động phối hợp, trao đổi với Kiểm toán Nhà nước để thống nhất phương án xử lý theo quy định hiện hành.

Tổng Thanh tra cho biết, ngay trong tháng 6, Thanh tra Chính phủ sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai Chỉ thị số 20.

“Trong quá trình tổng kết 6 năm thi hành Luật Thanh tra tới đây, Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục có đánh giá, tổng kết về vấn đề này, trên cơ sở đó, sẽ tiếp tục đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn”, Tổng Thanh tra nhấn mạnh.

Trước mắt, Thanh tra Chính phủ đang nghiên cứu sửa đổi Thông tư 01; phối hợp với Kiếm toán Nhà nước thay đổi, bổ sung quy chế phối hợp giữa hai cơ quan cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm