Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tổng kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy trên toàn quốc, xử nghiêm vi phạm

Hương Giang

Thứ hai, 12/09/2022 - 18:10

(Thanh tra) - Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương; tổng kiểm tra, rà soát về phòng cháy, chữa cháy trên toàn quốc; xác định trách nhiệm hình sự, trách nhiệm kỷ luật khi để xảy ra các vụ cháy nghiêm trọng.

“Khi các vụ cháy ra nhiều lần trên một địa bàn, một lĩnh vực thì phải kiểm điểm, xác định tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm hình sự và trách nhiệm kỷ luật trước Đảng, Nhà nước”, Thủ tướng nêu rõ. Ảnh: N.Bắc

Ngày 12/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị về công tác phòng cháy, chữa cháy và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 83 quy định công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy. Hội nghị kết nối trực tuyến tới tất cả các địa phương trên cả nước.

Tiêu chuẩn đã có, sao cháy quán karaoke, vũ trường khó thoát?

Báo cáo đánh giá công tác phòng cháy, chữa cháy và kiểm điểm kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị định 83, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, nhiều vụ cháy đã xảy ra, trong đó có những vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết nhiều người.

Đáng chú ý, một số bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại các quyết định của Thủ tướng về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn còn chậm, chưa bảo đảm tiến độ.

Công tác thanh tra, kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn do lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chủ trì còn ít nên nhiều tồn tại, thiếu sót mang tính cốt lõi chưa được chỉ đạo giải quyết dứt điểm…

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng. Ảnh: Đ.X

Phê bình nhiều bộ, ngành, địa phương

Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định 83, đến nay mới có 3 bộ (Công an, Giao thông vận tải, Tư pháp) và 40/63 địa phương ban hành kế hoạch triển khai thực hiện.

Theo Thủ tướng, điều này thể hiện sự thiếu quan tâm, thiếu quyết liệt, phó mặc cho các lực lượng chuyên trách phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của một số lãnh đạo bộ, ngành, địa phương.

"Thay mặt Chính phủ, tôi phê bình và yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, TP nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, chấn chỉnh ngay việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác này, tăng cường kiểm tra, giám sát, khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đề cập đến phòng cháy, chữa cháy cho quán karaoke và vũ trường, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho hay, từ năm 2015, Bộ Công an đã có thông tư quy định về: Chịu lực của nhà và kết cấu chịu lực; tường vách ngăn cháy; ít nhất phải có 2 lối thoát nạn…

“Câu hỏi đặt ra là tại sao các sự cố về cháy nổ, đặc biệt với kinh doanh karaoke, vũ trường vẫn đang xảy ra?”, ông Hùng nêu và cho rằng, ngoài các nguyên nhân Bộ Công an đã đánh giá thì còn có 3 nguyên nhân khác.

Theo ông Hùng, phần lớn các cơ sở karaoke và vũ trường, đặc biệt là quán karaoke có trước năm 2015; chuyển đổi từ nhà ở sang cơ sở kinh doanh nên nhiều cơ sở không đạt tiêu chuẩn. Ví dụ như quy định về 2 lối thoát nạn rất khó thực hiện với nhà ở riêng lẻ…

Cạnh đó, khi xin cấp phép, họ xin xây dựng nhà ở riêng lẻ chứ không xin cấp phép để kinh doanh karaoke, nhưng lại cải tạo, sửa chữa sang kinh doanh karaoke mà cũng không xin phép. Rồi ý thức của chủ sở hữu, vận hành không có các kỹ năng hướng dẫn, nhân viên thì không có các kỹ năng về chống cháy nổ, thoát hiểm… nên khi xảy ra sự cố thì rất khó xử lý.

Sử dụng thiết bị điện, quản lý thợ hàn… bất cập

Vì vậy, Thứ trưởng Hùng cho rằng, phải kiểm soát chặt các hệ thống quy chuẩn tiêu chuẩn cũng như các quy định về kinh doanh karaoke, vũ trường, nhà ở chuyển đổi công năng kết hợp kinh doanh.

Với những đối tượng tồn tại trước năm 2000 thì có những nghiên cứu để quy định linh hoạt, khả thi. “Phải có quy định về vận hành và kiểm tra”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An. Ảnh: M.Bắc

Chung mối quan tâm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đề nghị, siết chặt quy định về việc cấp giấy phép kinh doanh, nhất là với loại hình kinh doanh dân doanh.

“Chúng ta đang cải cách hành chính nhưng liên quan đến phòng cháy, chữa cháy thì cần xem xét”, ông An cho hay, thợ hàn là tác nhân gây cháy, nổ. Nhưng hiện nay chưa ai cấp phép cho thợ hàn, kiểm tra máy của thợ hàn cũng chưa có nên cần xem xét lại quy định để quản lý.

Vẫn theo Thứ trưởng An, hành vi sử dụng thiết bị điện, chất lượng thiết bị và chất lượng thi công các hệ thống điện là vấn đề tương đối căng thẳng. Bộ Công Thương đã rà soát và thấy chưa có quy định về an toàn điện. Chưa kể, hệ thống pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn còn bất cập.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cũng cho rằng, vấn đề nhà ở của người dân gắn với các điều kiện an toàn điện cần phải có giải pháp xử lý. Bởi, hiện nay có rất nhiều nơi không đảm bảo, tại các chung cư người dân hay làm các lồng sắt ngoài lô gia…

Thực hiện Công điện 792 của Thủ tướng, theo ông Mãi, TP sẽ tiếp tục củng cố lực lượng phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn; đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra, xử lý… TP cũng có quy định thợ hành nghề hàn phải được tập huấn.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, trên TP có trên 1.400 quán bar, vũ trường đang hoạt động. Ngay sau khi nhận được Công điện số 792, TP đã chỉ đạo tổng kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường; xử lý nghiêm các vi phạm bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Cạnh đó, giám sát chặt chẽ các cơ sở đã bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động do không bảo đảm các quy định phòng cháy, chữa cháy. Các cơ sở kinh doanh trong thời gian sửa chữa thì kiên quyết không cho phép hoạt động, nếu xảy ra sự cố đáng tiếc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Siết chặt quản lý, tăng cường thanh tra, kiểm tra

Kết luận hội nghị, ghi nhận những kết quả đã đạt được, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, Thủ tướng cũng lưu ý, nhiều vụ cháy gây chết nhiều người xảy ra tại cơ sở kinh doanh karaoke; tại Hà Nội, nhiều vụ cháy quán karaoke xảy ra tại quận Cầu Giấy.

“Khi các vụ cháy xảy ra nhiều lần trên một địa bàn, một lĩnh vực thì phải kiểm điểm, xác định tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm hình sự và trách nhiệm kỷ luật trước Đảng, Nhà nước”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an. Ảnh: N.Bắc

Dự báo thời gian tới, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn sẽ diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là tại các khu công nghiệp, khu đô thị, khu đông dân cư, chợ, siêu thị, quán bar, karaoke, vũ trường…

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, bên cạnh triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, kết luận, quy định về phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn thì nghiên cứu để hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác này.

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.

Bộ Công an được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tiến hành tổng kiểm tra, rà soát trên toàn quốc về công tác phòng cháy chữa cháy, nhất là những địa bàn, lĩnh vực xảy ra nhiều vụ cháy; xử phạt nghiêm minh và bắt buộc khắc phục với các cơ sở đưa vào hoạt động không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

“Giám sát, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở trong diện quản lý phải thực hiện một cách nghiêm ngặt, nghiêm minh, chặt chẽ, không lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm trong giám sát, kiểm tra, hướng dẫn”, Thủ tướng yêu cầu.

Với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra; xử lý nghiêm, kiên quyết thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động của các cơ sở không đủ điều kiện.

Đồng thời, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động khi chưa bảo đảm các điều kiện và khi xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, thanh tra.

Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể với các bộ, ngành. Trong đó, Bộ Xây dựng tập trung hoàn thành quy chuẩn an toàn cháy với nhà ở riêng lẻ, các cơ sở kinh doanh đặc thù, nhạy cảm, trong đó có quán karaoke, vũ trường, quán bar, chợ, kho; nhất là liên quan đến việc chuyển đổi công năng sử dụng như từ nhà ở chuyển đổi sang kinh doanh dịch vụ…

Bộ Công Thương khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về sử dụng điện (sau công tơ), bảo đảm an toàn về phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở, hộ gia đình…

Ngoài ra, theo yêu cầu của Thủ tướng, phải củng cố các lực lượng tại chỗ làm công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại khu dân cư, cơ sở; xây dựng, kiện toàn lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, tinh thông về pháp luật, nghiệp vụ, kỹ thuật, chiến thuật.

Khoảng 45% vụ cháy do sự cố thiết bị điện

Theo Thứ trưởng Bộ Công an, 5 năm qua, toàn quốc xảy ra 17.055 vụ cháy, làm chết 433 người, bị thương 790 người, thiệt hại tài sản ước tính trên 7 nghìn tỷ đồng và trên 7.500 ha rừng.

Ngoài ra, xảy ra 149 vụ nổ, làm 64 người chết, 190 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính nhiều tỷ đồng.

Địa bàn xảy ra cháy chủ yếu ở thành thị (chiếm khoảng trên 60%). Cháy và thiệt hại do cháy gây ra tập trung trong khu vực dân cư, nhà dân, kết hợp với sản xuất kinh doanh (chiếm trên 40% tổng số vụ cháy); tại các cơ sở sản xuất, kho tàng (chiếm khoảng 30% tổng số vụ cháy), trong đó đã xảy ra một số vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người.

Nguyên nhân chủ yếu là do sự cố về hệ thống, sự cố về thiết bị điện, chiếm khoảng 45%.

5 năm qua, lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn đã điều động trên 235.000 lượt cán bộ, chiến sĩ và trên 30.000 lượt phương tiện tham gia tổ chức cứu nạn, cứu hộ với gần 18.000 vụ cháy, nổ, sự cố; trực tiếp cứu được 6.786 người, hướng dẫn thoát nạn được hàng chục nghìn người và tìm được 3.350 thi thể nạn nhân do đuối nước, cháy... 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bắc Ninh: Tránh lãng phí tài sản công sau sáp nhập các xã

Bắc Ninh: Tránh lãng phí tài sản công sau sáp nhập các xã

(Thanh tra) - Từ 1/12/2024, tỉnh Bắc Ninh giảm 5 đơn vị hành chính cấp xã, Chủ tịch UBND tỉnh này yêu cầu, phải có phương án sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí và không để tham ô, tham nhũng, trục lợi cá nhân đối với trụ sở công, tài sản công dôi dư.

14:59 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm