Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ năm, 12/04/2018 - 20:53
(Thanh tra)- Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, “việc tổ chức thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí (THTK,CLP) còn chậm, ý thức trách nhiệm của một số ngành chưa cao, xử lý một số vụ việc chưa kịp thời và chưa thực sự nghiêm túc. Đề nghị làm rõ địa chỉ trách nhiệm”.
Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển phát biểu kết luận phiên thảo luận. Ảnh: HG
Sáng 12/4, tiếp tục chương trình làm việc, Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về việc THTK,CLP năm 2017.
Điểm danh nhiều dự án còn thua lỗ, nguy cơ lãng phí
Báo cáo trước UBTVQH, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, công tác THTK,CLP năm qua đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Song vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế chậm được khắc phục, đã và đang gây ra sự lãng phí không nhỏ các nguồn lực của đất nước và trong sản xuất, đời sống của nhân dân.
Trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước (NN) tại doanh nghiệp (DN), Chính phủ chỉ ra, hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, chưa phát huy vai trò nòng cốt của DNNN trong khu vực kinh tế DNNN, năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp.
Một số bộ, ngành, địa phương còn bị động, chưa quyết liệt, gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN của cả nước. Việc bàn giao các DNNN đã cổ phần hóa về Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn NN còn chậm….
Với 12 dự án yếu kém ngành Công thương, thông tin cụ thể tới thời điểm tháng 3/2018 có 6 dự án, nhà máy đang được vận hành sản xuất, kinh doanh nhưng bị thua lỗ; 3 dự án đang bị dừng thi công do chi phí tăng cao, thiếu vốn và 3 nhà máy đang bị dừng sản xuất do giá thành cao, thua lỗ lớn.
Cũng theo Chính phủ, việc phân bổ, sử dụng vốn vay cho đầu tư còn dàn trải, chậm tiến độ, hiệu quả chưa cao như dự án tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông, dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, một số dự án vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi, bảo lãnh Chính phủ phát sinh rủi ro không trả được nợ, phải thực hiện tái cơ cấu tài chính, chuyển sang hình thức Nhà nước đầu tư hoặc Quỹ Tích lũy phải ứng trả thay như dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam của Tổng Công ty Giấy Việt Nam; Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy…
Phê bình hàng loạt bộ, ngành, đơn vị chưa gửi báo cáo
Đáng lưu ý, nhiều bộ, ngành, địa phương, đơn vị không gửi báo cáo kết quả THTK,CLP để tổng kết, đánh giá. “Điểm danh” các bộ, cơ quan Trung ương thì có Công an, Giáo dục và Đào tạo, Văn phòng Quốc hội, TAND Tối cao. Các địa phương gồm: An Giang, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Bình Dương, Điện Biên, Kiên Giang, Ninh Bình, Quảng Ninh, Sơn La, Vĩnh Long, Yên Bái. Thậm chí, TP Hồ Chí Minh còn gửi nhầm báo cáo của năm 2016.
"Lười" hơn cả là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước khi có đến 13/23 đơn vị chưa gửi báo cáo đến Bộ Tài chính. Trong đó có Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản, Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Viễn thông Quân đội...
Có báo cáo nhưng không có số liệu tiết kiệm, lãng phí là Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Văn phòng Chính phủ, Thông tấn xã Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.
Không chỉ báo cáo, mà còn có đến 16/34 bộ, cơ quan Trung ương, 17/63 tỉnh, TP; 16/23 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn Nhà nước không gửi chương trình THTK,CLP cho Bộ Tài chính.
“Thực trạng này thể hiện ý thức chưa nghiêm của một số bộ, ngành, địa phương, đơn vị trong việc tuân thủ các quy định của Luật THTK,CLP và là một trong những nguyên nhân dẫn đến những bất cập, thiếu sót trong THTK,CLP”, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách cho biết quan điểm thẩm tra của Ủy ban này.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt vấn đề: Với số lượng lớn đơn vị chưa có báo cáo như thế thì đánh giá trong báo cáo của Chính phủ có phản ánh đúng bản chất và nhận định có chính xác hay không?
“Từ nhận thức quy định mới có cơ sở thực hiện, trong khi hơn một nửa đơn vị chưa có chương trình thế này thì không ổn”, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đề nghị, xem lại nghiêm túc vấn đề này.
Với nội dung này, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nói, TVQH chính thức phê bình các bộ, cơ quan, địa phương, tập đoàn, tổng công ty chưa có báo cáo. “Đây cũng là nội dung giám sát của QH về việc chấp hành luật THTT,CLP. Không có báo cáo có nghĩa chưa chấp hành nghiêm túc”, ông Hiển nêu rõ.
Công khai hiện tượng thất thoát, lãng phí
Một vấn đề khác được các thành viên UBTVQH nêu rõ, đó là báo cáo “chưa thấy biểu dương hay phê bình, đề nghị xử lý trách nhiệm bộ, ngành, địa phương nào”. Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu còn cho rằng, cần làm rõ quy định của pháp luật có đi vào cuộc sống hay không, hiệu quả thế nào hay tổ chức thực hiện có vấn đề, để từ đó có “bài thuốc, giải pháp hữu hiệu”.
Tiếp thu ý kiến, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, ngay trong hôm nay sẽ báo cáo Thủ tướng về những đơn vị chưa có chương trình để yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu nhằm đảm bảo kỷ luật, kỷ cương.
Kết luận phiên thảo luận, theo Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, Chính phủ và Uỷ ban Tài chính Ngân sách cần điều chỉnh số liệu cho sát, đúng của năm 2017, hoàn chỉnh các báo cáo đầy đủ, nghiêm túc.
UBTVQH cho rằng, THTK,CLP đã có nhiều tiến bộ hơn so với năm 2016. “Năm qua, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đã được tăng cường phát hiện nhiều vụ việc sai phạm để chấn chỉnh. Đặc biệt, biểu dương một số bộ, ngành có bước tiến hết sức tích cực và đi đầu trong công tác THTK,CLP”, Phó Chủ tịch QH nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Hiển lưu ý, việc THTK,CLP còn chưa được thực hiện nghiêm túc. Tình trạng lãng phí, thất thoát trong sử dụng tài sản công, tài chính công, trong sử dụng nguồn lực còn kém hiệu quả, vẫn còn lãng phí về thời gian, lao động diễn ra ở các mức độ khác nhau.
“Việc tổ chức thực hiện còn chậm, ý thức trách nhiệm của một số các ngành chưa cao, xử lý một số vụ việc chưa kịp thời và chưa thực sự nghiêm túc. Đề nghị làm rõ địa chỉ trách nhiệm”, Phó Chủ tịch QH nói.
Cơ bản đồng ý với các giải pháp, nhiệm vụ mà Chính phủ đề ra, UBTVQH yêu cầu, “làm quyết liệt hơn, cương quyết hơn và xử lý nghiêm túc hơn và cần công bố công khai các hiện tượng thất thoát, lãng phí để dư luận lên án; đồng thời biểu dương các hành động thiết thực đã làm tốt công tác THTK,CLP trong năm 2017”.
Cùng ngày, UBTVQH xem xét, quyết định việc thành lập thị xã Phú Mỹ và các phường thuộc thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; thị trấn Phước Cát thuộc huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng; cho ý kiến về Dự án Luật Quản lý phát triển đô thị.
Trong phụ lục, Chính phủ thống kê cụ thể số tiền tiết kiệm kinh phí, tiền vốn Nhà nước năm 2017 của nhiều bộ, địa phương, DN. Theo đó, Hà Nội tiết kiệm được 6.890.642 triệu đồng, Bộ Quốc phòng 1.429.971 triệu, Bộ Công thương 538.990 triệu... Trong một số kết quả khác về THTK,CLP năm 2017 báo cáo nêu khá nhiều thông tin liên quan đến tinh giản biên chế, kết quả thanh tra, kiểm tra. Đơn cử, Bộ Kế hoạch Đầu tư tinh giản 21 biên chế; qua thanh tra kiến nghị xử lý về tài chính 270 tỷ đồng, ban hành 4 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 300 triệu đồng. Hay Bộ Lao động Thương bình Xã hội giảm 15 biên chế khối sự nghiệp công; thanh tra 6.765 cuộc, phát hiện 91 cán bộ vi phạm, ban hành 1.131 quyết định, xử phạt số tiền 27 tỷ đồng…. Khối địa phương, tỉnh Bình Phước phát hiện và thu hồi 67.718m2 đất sử dụng không đúng mục đích, thu về ngân sách 95 triệu đồng. Đắk Nông cho biết, từ năm 2016 đến nay, đã tinh giản 145 biên chế; thu hồi 42.290m2 đất của 26 tổ chức; 55.144m2 đất của 10 công ty nông, lâm nghiệp; thực hiện 173 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiến nghị xử lý thu hồi nộp ngân sách 5,7 tỷ đồng, chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 4 vụ việc... |
Hương Giang
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sau 2 ngày 13-14/12, Đại hội lần thứ VIII Hội Nhà báo thành phố bầu ra Ban Chấp hành gồm 9 đồng chí và bầu Nhà báo Nguyễn Anh Tú là Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng nhiệm kỳ 2024-2029.
Kim Thành
19:37 14/12/2024(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.
Trần Kiên
19:34 14/12/2024Hương Giang
16:17 14/12/2024Trần Quý
14:00 14/12/2024Bùi Bình
19:37 13/12/2024Trung Hà
16:40 13/12/2024Nam Dũng
Ngọc Giàu
Bảo Trân
Hải Hà
Văn Thanh
Lê Hữu Chính
Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh