Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thủ tướng: Tiền Giang hội tụ các yếu tố trở thành một "siêu vệ tinh"

Thứ năm, 09/08/2018 - 15:40

Sáng 9/8, tại thành phố Mỹ Tho, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang năm 2018 với chủ đề “Tiền Giang: Cơ hội đầu tư-Đồng hành phát triển."

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các doanh nghiệp ủng hộ quỹ an sinh xã hội tỉnh Tiền Giang và Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang 2018. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Tổng số có 30 dự án được trao chủ trương đầu tư, nghiên cứu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Tiền Giang năm nay với tổng mức đầu tư là gần 16.200 tỷ đồng; phần lớn dự án này sẽ được triển khai thực hiện trong năm 2018 và 2019. 

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục kêu gọi đầu tư vào 5 lĩnh vực: công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ, văn hóa thể thao và kết cấu hạ tầng với 19 dự án, tổng vốn đầu tư 16.520 tỷ đồng. 

Hội nghị đã nghe báo cáo của tỉnh cũng như những ý kiến của đại diện doanh nghiệp, nhà đầu tư và một số chuyên gia trong nước, quốc tế. Nhiều ý kiến đã tập trung giải quyết bài toán đặt ra: Tiền Giang phải làm gì để thu hút được ngày càng nhiều các nhà đầu tư, doanh nghiệp? Những giải pháp khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế để tiếp tục đổi mới, phát triển mạnh mẽ hơn theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và tính bền vững? 

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả của hội nghị và chúc mừng tỉnh Tiền Giang đã trao chủ trương đầu tư cho 30 dự án với số vốn lên tới gần 16.200 tỷ đồng. 

Thủ tướng cho rằng,Tiền Giang hội tụ nhiều lợi thế để thu hút được những nhà đầu tư lớn, doanh nghiệp có tầm nhìn xa trông rộng trong các lĩnh vực từ công nghiệp đến nông nghiệp, dịch vụ, đặc biệt công nghiệp chế biến phục vụ cây ăn quả. 

“Một Tiền Giang mới đang sẵn sàng bứt phá vươn lên trong làm ăn kinh tế và sẽ trở thành động lực phát triển của toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long," Thủ tướng nhấn mạnh trong phát biểu tại hội nghị. 

Thủ tướng cho biết ngay từ thế kỷ 17, Mỹ Tho cùng Cù Lao Phố (Biên Hòa) là hai trung tâm tấp nập nhất của Nam Bộ. Vị trí của Mỹ Tho trước đây chiếm vị trí quan trọng bậc nhất của các ghe chài to lớn từ miền Tây lên Chợ Lớn Sài Gòn. Điều đó cho thấy vùng đất này từng có một vị trí quan trọng về thương mại của cả Nam Bộ. Do đó, Thủ tướng đặt câu hỏi, tại sao chúng ta không thể “phục hưng” lại vùng đất này trở lại sầm uất và thịnh vượng hơn xưa? 

Thủ tướng nhấn mạnh về niềm tin mới vào Tiền Giang, với vị trí chiến lược hàng đầu là nền tảng cho sự phát triển của tỉnh nhà nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung. 

Thủ tướng đánh giá Tiền Giang là tỉnh hội tụ đủ các yếu tố “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ" bởi tỉnh có sự kết nói thuận lợi với Thành phố Hồ Chí Minh, là tỉnh trải dọc bờ Bắc sông Tiền với chiều dài 120 km; có trục cao tốc Trung Lương và nhiều Quốc lộ khác sẽ qua tỉnh. Đây còn là hành lang kinh tế, điểm giao hòa giữa miền Đông và miền Tây của Nam Bộ. 

Là tỉnh ven sông, ven biển, có hệ sinh thái đặc biệt là sông ngòi, nguồn nước phong phú, có khả năng kết nối giao thông thuận lợi, Thủ tướng cho rằng Tiền Giang là “mặt tiền” của Đồng bằng sông Cửu Long. Tiền Giang còn có lợi thế gần thị trường lớn nhất cả nước, đóng vị thế kết nối động lực kinh tế quan trọng hàng đầu là Thành phố Hồ Chí Minh. 

"Tiền Giang hội tụ các yếu tố trở thành một "siêu vệ tinh" của Thành phố Hồ Chí Minh nếu có tầm nhìn. Chính phủ đã hiểu và dành nhiều ngân sách cho Tiền Giang trước đây, bây giờ cũng như trong tương lai," Thủ tướng nhấn mạnh. 

Về lợi thế sản vật tự nhiên, Thủ tướng cho rằng nếu Đồng bằng sông Cửu Long là “vương quốc” trái cây của cả nước thì Tiền Giang là “vương quốc” của “vương quốc” trái cây với nhiều sản phẩm nổi tiếng. 

Do đó Thủ tướng đặt vấn đề, liệu Tiền Giang có trở thành một chỉ dẫn địa lý về thương hiệu trái cây Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung hay không. Từ đó, Thủ tướng mong muốn chính quyền và doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh Tiền Giang sẽ trả lời và có giải pháp trong tương lai gần. 

Thủ tướng ghi nhận thời gian qua, Tiền Giang có nhiều cố gắng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; đánh giá cao sự đoàn kết, thống nhất, sự phát triển khá toàn diện của Tiền Giang, nhất là trong cải cách môi trường đầu tư kinh doanh. 

Bên cạnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh tỉnh cần tiếp tục tích cực giải quyết các nút thắt và điểm nghẽn trong phát triển; tăng cường đối thoại với người dân, doanh nghiệp để giải quyết vướng mắc tồn tại. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Tỉnh chú trọng hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn, nhất là vốn ưu đãi cho doanh nghiệp, người dân, trong điều kiện Chính phủ đã ban hành Nghị định về khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đây cũng là giải pháp ngăn chặn tình trạng tín dụng "đen" đang lan tràn ở nhiều vùng quê. Đồng thời, tỉnh thực hiện kết hợp tốt 5 "nhà" gồm: nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và ngân hàng. 

Thủ tướng lưu ý Tiền Giang cũng cần sớm nhận thức được vai trò của chuỗi liên kết giá trị. Đây là bài học lớn mở ra cho nhà đầu tư muốn tham gia liên kết với người nông dân, cũng như các mắt xích trong sản xuất, cung ứng. 

Bên cạnh phát triển một số doanh nghiệp công nghệ cao, tỉnh cần chú trọng phát triển doanh nghiệp tạo được nhiều việc làm, chuyển bớt lao động nông nghiệp nông thôn sang các khu vực công nghiệp, dịch vụ. Trong phát triển, tỉnh cần chú ý phát triển xanh, áp dụng công nghệ cao, không chỉ chú trọng phát triển công nghiệp chế biến gia tăng giá trị mà còn quan tâm phát triển đô thị. 

"Tinh thần lớn được xác định là phải xây dựng được một thành phố Mỹ Tho sầm uất, xứng tầm, đồng thời phát triển các đô thị ở 3 vùng kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân và thu hút thương mại dịch vụ phát triển," Thủ tướng nhấn mạnh. 

Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp đón bắt thời cơ kinh doanh mạnh mẽ để cùng nhau xây dựng tỉnh Tiền Giang, thành phố Mỹ Tho phát triển; đồng thời đề nghị các doanh nghiệp đảm bảo tiến độ triển khai các dự án, chú ý yếu tố môi trường, giữ gìn, bảo vệ văn hóa truyền thống địa phương. 

Thủ tướng khẳng định Chính phủ luôn cải thiện môi trường đầu tư, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo mọi điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển./.

Theo PV/TTXVN

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm