Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thủ tướng phê bình các bộ, tỉnh giải ngân đầu tư công thấp, đốc thúc tiêu khoản vốn 250 nghìn tỷ đồng

Hương Giang

Thứ ba, 28/09/2021 - 18:52

(Thanh tra) - Trên cả nước, có 76/114 ban, bộ, cơ quan Trung ương, địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước (47%), có cơ quan chưa giải ngân được đồng nào.

Nguồn vốn đầu tư công khoảng 250 nghìn tỷ đồng còn lại của năm 2021, theo Thủ tướng là nguồn lực rất quan trọng trong lúc dịch bệnh tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế và đời sống nhân dân. Ảnh: N.Bắc

Ngày 28/9, Thường trực Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc với các bộ, ngành, địa phương về công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2021. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, 8 tháng đầu năm mới giải ngân được 183.320 tỷ đồng, đạt 39,74% kế hoạch Thủ tướng giao (461.300 tỷ đồng). Dự kiến tính đến 30/9 thì giải ngân được 218.550 tỷ đồng, đạt 47,38% kế hoạch.

Nguồn vốn đầu tư công khoảng 250 nghìn tỷ đồng còn lại của năm 2021, theo Thủ tướng là nguồn lực rất quan trọng trong lúc dịch bệnh tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế và đời sống nhân dân.

Chỉ có 4 bộ và 11 địa phương giải ngân đạt hơn 60%

Kết luận hội nghị, Thủ tướng nêu rõ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng hết sức quan tâm công tác này. Tuy nhiên, tới nay, tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, thiếu thông suốt, thiếu đồng bộ, dẫn tới việc giải ngân chậm, kết quả chưa được như mong muốn; việc khắc phục những hạn chế, yếu kém chưa được kịp thời.

Đến nay, chỉ có 4 bộ và 11 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt hơn 60%. Có 76/114 ban, bộ, cơ quan Trung ương, địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước (47%), có cơ quan chưa giải ngân được đồng nào.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, ngoài dự báo, Thủ tướng cho rằng, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu.

Biểu hiện ở một số điểm như, xây dựng các dự án, chuẩn bị đầu tư tính toán không kỹ càng, dàn trải; sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp để tổ chức thực hiện có những nơi, những lúc thiếu tập trung, thiếu quyết liệt, sâu sát, cụ thể, đặc biệt là khâu kiểm tra, giám sát chưa nghiêm túc.

“Các địa phương không phải cầm hồ sơ trực tiếp chạy lên các bộ, ngành Trung ương để tiết kiệm thời gian, chi phí, tránh phiền hà”, Thủ tướng nhấn mạnh

Công tác giải phóng mặt bằng còn vướng mắc, có nơi thiếu minh bạch, không làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân.

“Công tác giải phóng mặt bằng liên quan tới người dân nên cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, phải vận động để “dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm”. Có nơi Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo nên làm rất tốt”, Thủ tướng nói.

Ông biểu dương các bộ, cơ quan, địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt hơn 60%; đồng thời phê bình nghiêm khắc các bộ, cơ quan, địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới 40%.

Từ đó, Thủ tướng đề nghị cấp ủy, chính quyền các cơ quan, địa phương này kiểm điểm nghiêm túc, chỉ ra hạn chế, bất cập, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn; xem xét các tổ chức, cá nhân còn trì trệ, vi phạm thì xử lý, đồng thời khen thưởng kịp thời, phân minh, rõ ràng.

“Khen chê rõ ràng, phân minh, khách quan, xuất phát từ kết quả cụ thể, nếu không sẽ dẫn tới trì trệ”, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ.

Bảo đảm tiến độ, gắn với chống tham nhũng, lợi ích nhóm

Từ nay đến cuối năm chỉ còn 3 tháng nữa, còn hơn 50% nguồn vốn đầu tư công phải giải ngân. Đây là thách thức rất lớn, đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm rất cao mới làm được.

Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương nâng cao tinh thần trách nhiệm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm.

Ông đặc biệt lưu ý, phải giải ngân đạt tỉ lệ cao nhất có thể, vừa phải kịp tiến độ, vừa phải nâng cao chất lượng, hiệu quả của đầu tư công, siết chặt kỷ luật kỷ cương, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, chống lãng phí.

Đề cập đến một số giải pháp, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, phải kiểm soát tốt dịch bệnh để sớm phục hồi và triển khai các hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh, trong đó có đầu tư công

Bộ Y tế được giao khẩn trương ban hành hướng dẫn tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh” trên tinh thần theo địa bàn, phạm vi, đối tượng nhỏ nhất, hẹp nhất có thể, nhanh nhất có thể, linh hoạt nhất có thể.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, trong năm 2021, chỉ có 490 dự án khởi công mới.. Ảnh: Nhật Bắc

Các địa phương đang thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách cần tranh thủ làm ngay các thủ tục cho các dự án; sau ngày 30/9 có lộ trình phù hợp, hiệu quả, mở cửa trên tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh để vừa phải chống dịch tốt, vừa phát triển kinh tế-xã hội.

Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP phát huy vai trò người đứng đầu, chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp; phát hiện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; tăng cường kiểm tra, giám sát để xử lý vi phạm, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, xem đây là một tiêu chuẩn đánh giá cán bộ cuối năm.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu, bảo đảm an toàn dịch bệnh. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải được giao tham mưu tổ chức tốt việc này.

Làm việc trực tuyến, địa phương không phải cầm hồ sơ “trực tiếp chạy” lên bộ

Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu rõ, các địa phương, bộ, ngành tăng cường trao đổi, làm việc trực tuyến, hồ sơ giấy tờ gửi theo đường công văn.

“Các địa phương không phải cầm hồ sơ trực tiếp chạy lên các bộ, ngành Trung ương để tiết kiệm thời gian, chi phí, tránh phiền hà”, Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ ngành, thành viên Chính phủ, các địa phương quán triệt tinh thần này, tiết kiệm cho dân, cho nước trong lúc này là rất cần thiết.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải rà soát lại, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính. Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm soát thanh toán, rút vốn từ các nhà tài trợ nước ngoài…

Toàn cảnh hội nghị trực tuyến toàn quốc với các bộ ngành, địa phương về công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2021. Ảnh: N.Bắc

Cũng tại hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao nhiều ý kiến phát biểu thẳng thắn, trách nhiệm, quyết tâm rất cao khắc phục bằng được những hạn chế, yếu kém, bất cập để thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn, đạt kết quả giải ngân cao nhất có thể. Nhiều nơi cam kết sẽ giải ngân 100%.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đào Trọng Hưng cho biết, tỉnh đã giải ngân 77,66%  trong hơn 10 nghìn tỷ đồng vốn được giao, đứng thứ 7 trong số 63 tỉnh, TP. Điều này góp phần giúp tỉnh tăng trưởng khoảng 8% trong 9 tháng đầu năm.

Với Quảng Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tường Văn thông tin, đến nay, địa phương này đã giải ngân hết số vốn 9 nghìn tỷ đồng mà Thủ tướng giao cho năm 2021, đang tập trung giải ngân số vốn của tỉnh, hiện đã đạt 72%.

Các bài học khác của Quảng Ninh là phòng chống dịch tốt, giữ địa bàn xanh; động viên, khen thưởng kịp thời; xác định mục tiêu giải ngân từng tháng, từng quý, lập các tổ công tác đặc biệt thúc đẩy, gắn trách nhiệm người đứng đầu…

Đặc biệt, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh trực tiếp chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng người dân. Một điển hình tốt được ông Văn nhắc tới là việc giải phóng mặt bằng cho đường Vân Đồn - Móng Cái chỉ 30 ngày đã xong.

Có tình trạng “gặp vướng mắc thì cứ để đấy, trông chờ”

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Tổ trưởng Tổ Công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư cho biết, trong năm 2021, khoảng 2.511 dự án triển khai, trong đó có 2.021 dự án chuyển tiếp từ các năm trước, chỉ có 490 dự án khởi công mới.

Qua trao đổi, Tổ Công tác đã tiếp nhận hơn 80 vướng mắc về quy định, thì có tới quá nửa là do cách hiểu không đúng, hiểu khác của các địa phương. Một nguyên nhân khác là tình trạng chuẩn bị dự án sơ sài nên khi thực hiện khó khăn, có dự án rồi thì lãnh đạo địa phương không tham gia mà giao hết cho các ban quản lý dự án, trong khi ban quản lý không đủ năng lực, “gặp vướng mắc thì cứ để đấy, trông chờ”.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

(Thanh tra) - Ngày 22/11, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 lấy chủ đề “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững” đã diễn ra thành công tốt đẹp, với sự tham gia của 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Hoàng Nam

22:10 22/11/2024
Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

(Thanh tra) - Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày 22/11 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Minh Tân

17:29 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm