Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

“Có những cá nhân được giao nhiệm vụ phân bổ vốn đầu tư công tự cho mình quyền ban phát”

Hương Giang

Thứ ba, 27/07/2021 - 17:11

(Thanh tra) - “Vốn đầu tư công phải được hiểu là tiền thuế của nhân dân, kể cả vốn đi vay thì người trả cũng sẽ là nhân dân, đó không phải là sở hữu của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai (đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội) nhấn mạnh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai nói, "câu chuyện về cơ chế xin - cho không biết khi nào mới kết thúc". Ảnh: Đ.X

Chiều ngày 27/7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các kế hoạch tài chính; vay, trả nợ công; đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Vốn đầu tư công là tiền thuế của nhân dân

Nêu ý kiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai (đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội) chỉ ra, bên cạnh các địa phương thực hiện nghiêm túc Luật Đầu tư công, vẫn còn một số nơi chưa thực hiện đúng quy trình, chưa tuân thủ đúng trật tự ưu tiên.

Dẫn chứng là tháng 2/2020, một số dự án đã được phân bổ nguồn lực dự phòng xuất phát từ tính “cấp bách”, nhưng cũng chính các dự án đó chỉ sau 6 tháng khi xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn đã không còn “cấp bách”.

“Điều này cho thấy, nhiều khi việc xây dựng danh mục dự án không xuất phát từ nhu cầu thực tiễn mà xuất phát từ ý muốn chủ quan”, nữ đại biểu nhận xét.

Dẫn chứng nữa được đại biểu đoàn TP Hà Nội đưa ra là trong tổng số 3.476 dự án diện chuyển tiếp, có hơn 1.000 dự án chưa có phương án phân bổ cụ thể.

Theo bà Mai, điều này có thể dẫn đến hệ lụy lãng phí nguồn lực, kỷ luật tài chính chưa nghiêm, đặc biệt là tạo áp lực ngân sách khi rất nhiều dự án mới được bổ sung.

Nhấn mạnh Thủ tướng đã kịp thời chấn chỉnh một số địa phương nhưng bà Mai cho rằng, vẫn cần hết sức lưu tâm.

“Vốn đầu tư công phải được hiểu là tiền thuế của nhân dân, kể cả vốn đi vay thì người trả cũng sẽ là nhân dân, đó không phải là sở hữu của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào. Tuy nhiên, có những cá nhân khi được giao nhiệm vụ phân bổ vốn đã tự cho mình quyền ban phát và câu chuyện về cơ chế xin - cho không biết khi nào mới kết thúc”, bà Mai nói.

Nữ đại biểu kiến nghị, cần đề cao hơn nữa tính công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện. Bên cạnh động viên những địa phương thực hiện tốt cần xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm đạo đức công vụ.

Đánh giá hạn chế, pháp luật bao giờ cũng là nguyên nhân đầu tiên?

Vấn đề nữa được bà Mai đề cập là chuyện thể chế. “Có một câu chuyện gây nhiều tranh cãi là khi đánh giá những hạn chế thì pháp luật bao giờ cũng là nguyên nhân đầu tiên”, đại biểu đặt vấn đề.

Bà dẫn một loạt báo cáo của Chính phủ trình tại kỳ họp để chứng minh như Báo cáo số 231 nêu pháp luật về kinh tế, đầu tư, tài chính chưa đồng bộ làm kéo dài thời gian triển khai dự án; Báo cáo số 243 nêu thể chế về đầu tư công đã điều chỉnh nhưng chưa theo kịp thực tiễn….

“Dù có những hạn chế nhưng hầu hết các báo cáo đều chưa chỉ ra được đó là điều khoản nào, nội dung gì”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách cho hay.

Trong khi, đối chiếu với chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm tới bà Mai thấy “hầu hết những vướng mắc nêu trên đều không được đề xuất phương án”.

Từ đó, bà Mai đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát tổng thể hệ thống pháp luật về kinh tế. “Trường hợp thực sự có những hạn chế thì cần đề xuất phương án kịp thời sửa đổi. Còn trường hợp những hạn chế do tổ chức thực hiện thì cân nhắc để đánh giá, tránh gây ra những nghi ngại đối với hệ thống pháp luật”, đại biểu nhấn mạnh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng đề nghị Quốc hội kịp thời rà soát, điều chỉnh trong trường hợp Chính phủ đề xuất sửa đổi để hoàn thiện hệ thống pháp luật,  nhất là trong lĩnh vực kinh tế.

Theo tờ trình của Chính phủ, tổng mức vốn ngân sách thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 2,87 triệu tỷ đồng.

Số dự án thực hiện 5 năm tới dưới 5.000 dự án (thời điểm hiện nay khoảng 4.979 dự án), trong đó ngoài hoàn thành các dự án chuyển tiếp sẽ khởi công mới khoảng 2.236 dự án.

Mức vốn bố trí bình quân cho 1 dự án là 210,4 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần so với giai đoạn 2016-2020 (88 tỷ đồng/dự án).  

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

(Thanh tra) - Ngày 22/11, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 lấy chủ đề “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững” đã diễn ra thành công tốt đẹp, với sự tham gia của 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Hoàng Nam

22:10 22/11/2024
Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

(Thanh tra) - Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày 22/11 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Minh Tân

17:29 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm