Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thủ tướng: Phát triển đô thị, quy hoạch phải đi trước một bước với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược

Hương Giang

Thứ tư, 30/11/2022 - 14:23

(Thanh tra) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, quy hoạch là công cụ nền tảng để định hướng phát triển đô thị, vì vậy, quy hoạch phải đi trước một bước với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: N.Bắc

Ngày 30/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022 phổ biến Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình Hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Các đô thị đang đóng góp 70% GDP cả nước

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, hội nghị thể hiện tinh thần được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh là “tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện để đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Thủ tướng dành nhiều thời gian phân tích về vị trí, vai trò, tiềm năng, thế mạnh của đô thị. Trong đó, ông nhấn mạnh, hiện đô thị chỉ chiếm một diện tích nhỏ, nhưng có đóng góp quan trọng và ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội của quốc gia.

Trên thế giới, các đô thị đang tạo ra 80% GDP toàn cầu, trong đó 100 TP lớn nhất chiếm khoảng 35% GDP toàn cầu. Tại Việt Nam, các đô thị đang đóng góp 70% GDP cả nước, 5 TP trực thuộc Trung ương dù chỉ chiếm 2,9% về diện tích và khoảng 22% về dân số nhưng năm 2020 đã đóng góp tới 46,8% GDP cả nước.

“Những nền văn minh, sự sáng tạo, đổi mới đều có thể tìm thấy ở khu vực đô thị, các nguồn lực phát triển đều được tạo ra từ đô thị, động lực phát triển kinh tế xã hội cũng từ đô thị mà ra.

Ta có thể tìm thấy nhiều cơ hội hơn ở khu vực đô thị, và cũng chỉ có đô thị có thể cung cấp các giải pháp cho các vấn đề thách thức của nhân loại hiện nay như bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, phòng chống rủi ro không báo trước, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo người đứng đầu Chính phủ, đô thị hóa là xu thế tất yếu khách quan, nhưng nếu phát triển đô thị không đúng hướng, không chuẩn mực, không bài bản sẽ dẫn tới nhiều hậu quả.

Ông lưu ý, phát triển đô thị Việt Nam còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc và các thách thức cần vượt qua.

Đơn cử như quá tải hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, thiếu nhà ở xã hội, tác động, rủi ro từ biến đổi khí hậu, nhất là ngập lụt, phát thải khí nhà kính, hạ tầng xã hội (y tế, giáo dục, văn hóa) chưa phát triển ngang tầm kinh tế, tình trạng quy hoạch treo ở một số nơi…

Quy hoạch là công cụ nền tảng để định hướng phát triển đô thị

Để hiện thực hóa những mục tiêu, chỉ tiêu trong nghị quyết của Bộ Chính trị và chương trình hành động của Chính phủ, Thủ tướng cho rằng, cần có tư duy, cách tiếp cận mới; bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn lấy thực tiễn làm thước đo; triển khai công việc có trọng tâm, trọng điểm, làm đến đâu chắc đến đó với những biện pháp, giải pháp cụ thể.

Trong đó, phải coi trọng và đầu tư thích đáng cho công tác quy hoạch. Theo Thủ tướng, quy hoạch là công cụ nền tảng để định hướng phát triển đô thị. Nếu quy hoạch lúng túng, chậm chạp, không được đầu tư ngang tầm thì lãng phí nguồn lực, phát triển không bền vững và không đột phá.

“Công tác quy hoạch làm tốt thì mới tiết kiệm được nguồn lực, xác định và phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, chỉ ra và hóa giải những khó khăn, thách thức của địa phương, của vùng. Quy hoạch tổng thể nhưng thực hiện có thể phân kỳ phù hợp với nguồn lực. Chúng ta có thể kiên trì thực hiện trong 5 năm, 10 năm, 20 năm, thậm chí hàng trăm năm… và nếu tôn trọng, làm theo quy hoạch hoàn chỉnh thì sẽ có một đô thị trật tự và phát triển”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng lưu ý, về đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại trên cơ sở huy động mạnh mẽ các nguồn lực. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực thi; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và đánh giá, tổng kết kinh nghiệm.

Về xây dựng thể chế, chính sách, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phải rà soát, phát hiện các vướng mắc và phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, nhất là trong xử lý những điểm nghẽn trong phát triển đô thị.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

1 năm hơn 2.300 người được khôi phục quyền lợi qua giải quyết khiếu nại, tố cáo

1 năm hơn 2.300 người được khôi phục quyền lợi qua giải quyết khiếu nại, tố cáo

(Thanh tra)- “Quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo đã tuân thủ theo trình tự, thủ tục quy định và coi trọng quyền lợi của người khiếu nại, tố cáo”, Chính phủ khẳng định và cho biết, trong năm 2024 đã khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho hơn 2.300 người; kiến nghị xử lý 412 cán bộ công chức.

Hương Giang

05:30 26/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm