Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ hai, 03/04/2023 - 16:25
(Thanh tra) - Thủ tướng Phạm Minh Chính tán thành đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc các địa phương thành lập tổ công tác giải quyết các khó khăn, vướng mắc kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, các dự án.
Thủ tướng yêu cầu bộ, ngành, địa phương phải tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân. Ảnh: N.Bắc
Ngày 3/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2023.
Thúc đẩy sản xuất, không bỏ sót công việc
Theo số liệu báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GDP cả nước tăng 3,32% trong quý I. Mức này chỉ cao hơn năm 2020 - thời điểm bùng phát dịch Covid-19.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 3 tháng đầu năm tăng 4,18% so với cùng kỳ 2022. Cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, tổng mức bán lẻ hàng hoá, tiêu dùng nội địa tăng gần 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dự báo tình hình quý II tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn khi Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay sẽ có nhiều thách thức.
Sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thu hút FDI vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. Trong đó, đáng lưu ý, thị trường, đơn hàng, đơn giá các thị trường xuất khẩu tiếp tục giảm.
Nhiều doanh nghiệp ghi nhận việc thiếu đơn hàng từ quý IV/2022, chỉ đảm bảo duy trì 35-50% năng lực sản xuất. Điều này buộc các doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất, cho lao động nghỉ luân phiên.
Doanh nghiệp cũng khó khăn về dòng tiền (vốn lưu động, đầu tư trung, dài hạn). Lãi suất tiền gửi và vay từ ngân hàng tăng khiến chi phí vốn leo thang và giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng kiến nghị cần sớm có chính sách hỗ trợ mới như giảm thuế, phí, giảm lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng yêu cầu bộ, ngành, địa phương phải tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân.
“Phải nắm chắc diễn biến tình hình để đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp phù hợp, thực hiện hiệu quả, đã nói phải làm, đã làm phải có kết quả, “cân, đong, đo, đếm” được” - Thủ tướng nêu rõ, phải giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện nghiêm các quy chế làm việc, không bỏ sót công việc.
Thủ tướng tán thành đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc các địa phương thành lập tổ công tác giải quyết các khó khăn, vướng mắc kịp thời hỗ trợ ngươi dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, các dự án.
Nghiên cứu cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, giãn nợ, giảm thuế và phí
Các bộ, ngành, địa phương được yêu cầu phải đề xuất cấp có thẩm quyền việc cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, giãn nợ, giảm chi phí doanh nghiệp; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, rà soát, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn pháp lý; tập trung đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng hạ tầng chiến lược.
"Nâng cao hiệu quả phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương, không trông chờ, ỷ lại, không để địa phương phải đi lại nhiều mà không được việc”, Thủ tướng lưu ý.
Giao nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý có trọng tâm, trọng điểm.
Ngân hàng Nhà nước phải chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay, bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý; đề xuất các cấp có thẩm quyền giải pháp cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, giãn nợ…
Với Bộ Tài chính, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương trình cấp có thẩm quyền chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất; báo cáo cấp thẩm quyền vấn đề thuế tối thiểu toàn cần; hoàn thiện báo cáo về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp giai đoạn 2022-2023 và đề xuất giải pháp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành việc phân bổ chi tiết các kế hoạch đầu tư vốn ngân sách năm 2023, vốn cho chương trình phục hồi; chủ trì, tiếp tục rà soát cắt giảm các điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị thật tốt việc trình Quốc hội ban hành một số nghị quyết liên quan tháo gỡ vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh.
Gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các dự án dở dang
Trước đó, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, các ý kiến đánh giá, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.
Cụ thể, thu đủ chi (thu ngân sách Nhà nước quý I đạt 30,3% dự toán, tăng 1,3% so với cùng kỳ); xuất đủ nhập (tính chung quý I xuất siêu 4,07 tỷ USD); làm đủ ăn (xuất khẩu gần 1,8 triệu tấn gạo, trị giá 0,95 tỷ USD, tăng 19,3% về lượng và tăng 30,2% về trị giá so với cùng kỳ); an ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm; thị trường lao động phục hồi nhanh, cung ứng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu.
Văn hóa xã hội được chú trọng, an sinh xã hội được bảo đảm. Việt Nam tăng 12 bậc trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 30 tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và Nghị định số 07 về quản lý trang thiết bị y tế, các vướng mắc trong hoạt động nhập khẩu, đấu thầu, mua sắm thuốc, trang bị, vật tư y tế đã cơ bản tháo gỡ. Các bệnh viện đã trở lại hoạt động bình thường.
“Khi Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP, nhiều lãnh đạo bệnh viện nhắn cho tôi là bệnh viện đã được 'hồi sinh'", Bộ trưởng Đào Hồng Lan chia sẻ.
Đồng quan điểm, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho hay, TP vừa hoàn thành việc mua sắm tập trung thuốc, vật tư y tế trị giá 1.481 tỷ đồng và các bệnh viện cũng cơ bản thực hiện được việc mua sắm.
Tuy nhiên, theo ông Mãi, qua khảo sát, các doanh nghiệp trên địa bàn TP gặp 4 nhóm khó khăn là: Thị trường thu hẹp; giá nguyên liệu đầu vào tăng, thiếu vốn, thiếu nhân lực. Vì vậy, ông cho hay, một trong những ưu tiên của TP là tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời đẩy mạnh giải ngân đầu tư công…
Nhấn mạnh nếu giải ngân đầu tư công được thúc đẩy mạnh trong quý II sẽ tạo dư địa tăng trưởng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cũng đề nghị tăng cường tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các dự án dở dang để giải phóng nguồn lực rất lớn.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Sau một ngày làm việc với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri và Nhân dân, Kỳ họp thứ 22 (kỳ họp chuyên đề), HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV đã bế mạc, hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra, thông qua 11 nghị quyết quan trọng.
Trọng Tài
19:28 05/11/2024(Thanh tra) - Ngày 5/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Một trong những nội dung được đại biểu quan tâm nêu ý kiến, tranh luận là chính sách nhà ở cho lực lượng vũ trang thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.
Hương Giang
19:24 05/11/2024Minh Tân
16:08 05/11/2024Hương Giang
15:43 05/11/2024Hương Giang
14:54 05/11/2024Tổng Bí thư Tô Lâm
13:36 05/11/2024Thái Hải
Hoàng Nam
Kim Thành
Hải Hà
Trọng Tài
Hương Giang
Trần Quý
Trần Kiên
Thu Huyền
Lâm Ánh
Thu Nga
Uyên Phương