Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thủ tướng: Giá thịt lợn hơi tăng hơn 90.000 đồng/kg là “quá đáng”

Hương Giang

Thứ ba, 21/04/2020 - 16:02

(Thanh tra) – Cho rằng giá thịt lợn hơi hiện tăng hơn 90.000 đồng/kg là “quá đáng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề, “người dân chăn nuôi có hưởng không hay chỉ một bộ phận được hưởng?”

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Quang Hiếu

Sáng ngày 21/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá nhằm đánh giá kết quả công tác điều hành giá quý I và định hướng công tác điều hành giá quý II, cũng như các tháng còn lại của năm 2020.

Giá thịt lợn cao, ai hưởng lợi?

Mở đầu cuộc họp, nhắc lại mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay dưới 4%, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tình hình giá cả trong quý I vừa qua đã được Tổng cục Thống kê công bố, “chưa phải đến nỗi nào”.

Tuy nhiên, nguy cơ tăng giá đối với nước ta vẫn ở mức cao. Do đó, Ban Chỉ đạo cần chủ động, đưa ra biện pháp xử lý kịp thời.

Thủ tướng đề nghị các thành viên tập trung phân tích những yếu tố thiết thực, nhất là nhu yếu phẩm, đặc biệt là giá thịt lợn. Ông đặt vấn đề: Liệu có chuyện làm giá hay không? Lò giết mổ, chợ đầu mối hay thành phần nào hưởng lợi trong vấn đề này?

Báo cáo tại cuộc họp, theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, một trong những nguyên nhân giá thịt lớn tăng trong thời gian qua là do tốc độ tái đàn chậm.

Với khả năng sản xuất dự kiến, tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng cả năm 2020 tương đương năm 2018. Tính theo quý thì quý II/2020 đạt hơn 900 nghìn tấn, quý III đạt hơn 1 triệu tấn, quý IV gần 1,1 triệu tấn. Như vậy, đến quý III, IV sẽ cơ bản đáp ứng được phần lớn nhu cầu thịt lợn.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, đến nay, chúng ta đã nhập khẩu hơn 45.000 tấn thịt lợn.

Bộ Công Thương cho hay, giá bán lẻ thịt lợn thành phẩm phụ thuộc vào giá lợn hơi. Giá lợn hơi càng cao, giá bán lẻ thịt lợn thành phẩm cũng tăng cao theo tỷ lệ tương ứng. Hiện nay, giá lợn hơi ở mức 80.000 - 90.000 đồng/kg và giá thịt lợn thành phẩm tại chợ phổ biến ở mức 145.000 - 165.000 đồng/kg.

Trong khi đó, theo nhận định của Tổng cục Thống kê, chi phí trung gian trong giá thành thịt lợn còn ở mức cao, chiếm từ 70 - 90%.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo điều hành giá cũng cho rằng, chi phí trung gian hiện tại so với thời điểm trước khi có dịch tả lợn châu Phi khoảng 23.000 - 28.000 đồng/kg. Do đó, việc rà soát, tổ chức lại hệ thống thị trường theo hướng tinh gọn, giảm bớt các kênh trung gian, phân phối sẽ góp phần giảm giá thịt lợn.

Các gói hỗ trợ hơn 600 nghìn tỷ không ảnh hưởng đến CPI

Một vấn đề nữa được lãnh đạo Chính phủ đề cập đến trong cuộc họp là giá lương thực, trong đó có giá gạo.

Theo Thủ tướng, xuất khẩu gạo là cần thiết nhưng phải đảm bảo an ninh lương thực trong nước, nhất là bài học vừa qua cho thấy, khi dịch bệnh diễn ra đã có sự lộn xộn về thị trường, một số người dân có tâm lý mua lương thực tích trữ.

Cho nên, cần có biện pháp quản lý giá lương thực trên cơ sở bảo đảm quyền lợi của nông dân trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực, không để xảy ra tình trạng khan hiếm lương thực.

“Đẩy mạnh xuất khẩu, đúng. Tự do lưu thông, càng đúng hơn. Nhưng dự trữ Nhà nước, dự trữ trong dân, gối đầu vụ rất quan trọng”, Thủ tướng nói.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay, đến nay, căn bản diện tích lúa Đông Xuân các vùng miền đều khá tốt, sẽ đạt kết hoạch sản lượng khoảng 20,2 triệu tấn thóc trong 6 tháng đầu năm, chiếm 46% sản lượng thóc cả năm. Dự kiến cả năm sẽ đạt kế hoạch sản xuất đề ra là 43,5 triệu tấn thóc.

Tại cuộc họp, các ý kiến cũng thảo luận tác động của các gói hỗ trợ (khoảng hơn 600.000 tỷ đồng, chiếm 10% GDP) mà Chính phủ đưa ra đối với mặt bằng giá cả như thế nào?...

Bộ Kế hoạch Đầu tư khẳng định, tổng các gói hỗ trợ mà Chính phủ đưa ra không ảnh hưởng đến CPI.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo điều hành giá, với những diễn biến phức tạp của thị trường giá cả hàng hóa trên thế giới và trong nước trong quý I và đầu quý II cho thấy, việc kiểm soát lạm phát mục tiêu dưới 4% theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra có thể thực hiện được.

Tuy nhiên, kịch bản xấu nhất (CPI sẽ tăng hơn mức 4%) vẫn có thể xảy ra. Lợi thế hiện nay là giá xăng dầu đang được điều hành giảm mạnh; giá gas trong nước cũng giảm khá sâu theo giá thế giới. Giá điện được miễn giảm cho một số đối tượng trong 3 tháng (4, 5, 6).

Như vậy, cần phải tiếp tục quyết liệt trong việc điều hành với các giải pháp mạnh để bảo đảm đủ nguồn cung, trên cơ sở đó điều hành giảm giá thịt lợn xuống mức 60.000 đồng/kg đồng thời có giải pháp quản lý phù hợp để giữ bình ổn giá gạo trong nước không để tăng đột biến.

Quyết chống đầu cơ, thao túng giá

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ, “nếu buông lỏng là một sai lầm”. Cho nên, phải quản lý Nhà nước tốt hơn về vấn đề giá cả theo đúng quy định pháp luật.  Nếu phát hiện thao túng giá, đầu cơ, trục lợi phải xử lý theo quy định pháp luật.

“Tăng trưởng tốt mà giá cả tăng cao thì đời sống nhân dân bị ảnh hưởng”, Thủ tướng nhấn mạnh, phải làm tốt 2 mặt: Tăng trưởng tốt và giá cả ổn định, bảo đảm cuộc sống nhân dân, nhất là người có hoàn cảnh khó khăn.

Cho rằng giá thịt lợn hơi hiện tăng hơn 90.000 đồng/kg là “quá đáng”, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương, Tài chính, Công an theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện ngay các giải pháp để bình ổn giá thịt lợn, trước hết là kiểm tra giá thành, đặc biệt là các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, quy mô lớn để có biện pháp hữu hiệu.

“Chúng ta động viên các doanh nghiệp, nhưng phải phân bổ lợi nhuận một cách hợp lý”, lãnh đạo Chính phủ nêu rõ và yêu cầu, thực hiện các giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để sớm giảm giá thịt lợn về khoảng trên dưới 60.000 đồng/kg.

Cùng với đó, bình ổn giá gạo, giảm giá điện, giá nước, bình ổn giá đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đời sống người dân do tác động của dịch COVID-19.

Về mặt hàng gạo, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần xuất khẩu có kiểm soát để bảo đảm an ninh lương thực và quyền lợi cho người nông dân, chấn chỉnh những lệch lạc vừa qua, xử lý nghiêm sai phạm.

Bộ Tài chính được giao chủ trì cùng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan chuẩn bị dự thảo kết luận cuộc họp của Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá.

Trong kết luận này, Thủ tướng lưu ý thể hiện rõ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, giao nhiệm vụ cụ thể, có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp chậm trễ, bỏ bê, vi phạm quy định, “làm quá chậm để tình hình giá cả quá xấu”.

Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính chủ trì cùng các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến tại cuộc họp, tiếp tục rà soát, hoàn thiện kịch bản, phương án điều hành giá từng sản phẩm, từng mặt hàng để bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng CPI dưới 4% trong năm 2020.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

(Thanh tra) - Ngày 22/11, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 lấy chủ đề “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững” đã diễn ra thành công tốt đẹp, với sự tham gia của 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Hoàng Nam

22:10 22/11/2024
Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

Giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đối với ông Hà Sỹ Đồng

(Thanh tra) - Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị được giao Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị từ ngày 22/11 cho đến khi kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Minh Tân

17:29 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm