Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thủ tướng: Dứt khoát thu giấy phép nếu cửa hàng xăng dầu không dùng hóa đơn điện tử

Hương Giang

Thứ bảy, 02/03/2024 - 22:35

(Thanh tra) - Nêu rõ yêu cầu tập trung triển khai sử dụng hóa đơn điện tử, nhất là các hoạt động kinh doanh ăn uống, dịch vụ, bán lẻ xăng dầu, Thủ tướng chỉ đạo thu hồi giấy phép nếu các cửa hàng xăng dầu không sử dụng hóa đơn điện tử, từ tháng 3.

Thủ tướng quán triệt “kiên quyết không để thiếu điện, xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng". Ảnh: N.Bắc

Yêu cầu này được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra khi phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, ngày 2/3

Tiếp tục có biện pháp giảm lãi suất cho vay

Theo đánh giá của Thủ tướng, các bộ trưởng, trưởng ngành cùng lãnh đạo địa phương ngày càng có kinh nghiệm hơn, quyết liệt hơn, vững vàng hơn, linh hoạt hơn, trách nhiệm hơn, hiệu quả hơn trong chỉ đạo, điều hành.

Bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, Thủ tướng nêu rõ, nước ta vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và khó khăn thách thức.

Ông quán triệt tinh thần là phải chủ động, tích cực, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, bảo đảm hiệu quả trong quản lý, chỉ đạo điều hành. Theo dõi sát diễn biến tình hình, kịp thời có phản ứng chính sách phù hợp, hiệu quả.

“Không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với phương châm “thắng không kiêu, bại không nản”. Nêu cao tinh thần tự giác, chủ động, trách nhiệm của cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu. Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn”, theo lời Thủ tướng.

Định hướng điều hành đối với một số lĩnh vực trọng tâm, Thủ tướng nêu rõ, thực hiện nhất quán mục tiêu ưu tiên cho tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng nhắc điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục có biện pháp giảm lãi suất cho vay, đồng thời cần sớm trình sửa đổi Nghị định của Chính phủ về quản lý thị trường vàng.

Kiên quyết không để thiếu điện, xăng dầu

Phấn đấu quyết liệt tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước cũng là nhiệm vụ quan trọng được Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông yêu cầu tập trung triển khai sử dụng hóa đơn điện tử, nhất là các hoạt động kinh doanh ăn uống, dịch vụ, bán lẻ xăng dầu. “Dứt khoát trong tháng 3, nếu các cửa hàng xăng dầu không sử dụng hóa đơn điện tử thì thu giấy phép”, Thủ tướng yêu cầu.

Đồng thời, giảm chi thường xuyên không cần thiết, hội họp; chi thường xuyên có tính chất đầu tư.

Đặc biệt, Thủ tướng quán triệt “kiên quyết không để thiếu điện, xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng; lưu ý tập trung triển khai các công trình truyền tải điện, phát điện. Phải rà soát việc này hàng tháng”.

Thủ tướng chỉ đạo thu hồi giấy phép nếu các cửa hàng xăng dầu không sử dụng hóa đơn điện tử, từ tháng 3. Ảnh: N.Bắc

Bên cạnh tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Thủ tướng lưu ý, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu tiếp tục xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài; hoàn thiện các phương án xử lý các dự án yếu kém, tồn đọng như Thép Việt-Trung, Gang thép Thái Nguyên-giai đoạn 2, Đóng tàu Dung Quất, Bột giấy Phương Nam….

Nhiệm vụ nữa, theo yêu cầu của Thủ tướng, phải chuẩn bị thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 01/7; khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền về chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa; chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa.

Cùng với đó, tăng cường quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; triển khai chu đáo, thực chất, hiệu quả các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao; tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.

Hầu hết các lĩnh vực đều đạt kết quả tốt hơn

Trước đó, các ý kiến tại phiên họp thống nhất đánh giá 2 tháng đầu năm 2024, hầu hết các lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng 1,04% so với tháng 1; bình quân 2 tháng tăng 3,67% (cùng kỳ năm 2023 tăng 4,6%).

Cả 3 khu vực đều phát triển tốt. Nông nghiệp phát triển ổn định. Sản xuất công nghiệp tăng 5,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 2,9%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,1%; khách quốc tế đạt trên 3 triệu lượt, tăng 68,7%.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 2 đạt 50,4 điểm (tháng 1 đạt 50,3 điểm), thể hiện mức độ cải thiện của ngành sản xuất, trong đó cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 tháng tăng 18,6%. Thu ngân sách Nhà nước 2 tháng ước đạt 23,5% dự toán năm, tăng 10,4%. Giải ngân vốn đầu tư công 2 tháng đạt 9,13% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ (6,97%).

Thu hút FDI đạt 4,29 tỷ USD, tăng 38,6%; vốn FDI thực hiện đạt 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ (lũy kế có 39.553 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 473 tỷ USD; tổng vốn thực hiện gần 300 tỷ USD).

Phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tăng. Trong 2 tháng có trên 22,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 12,4% và có 19.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 4,4%; nâng tổng số doanh nghiệp gia nhập thị trường lên hơn 41.000, tăng 8,5% so với cùng kỳ.

Cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh. Cơ quan chức năng đưa ra truy tố, xét xử nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn…

Báo cáo cho thấy, nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả chỉ đạo điều hành và triển vọng của kinh tế Việt Nam.

IMF dự báo Việt Nam nằm trong nhóm 20 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới. Fitch Ratings dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,3% vào năm 2024 và 7,0% vào năm 2025.

Theo Thủ tướng, các động lực tăng trưởng mới gồm:

(1) Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật để huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực;

(2) Thúc đẩy mạnh mẽ 6 vùng kinh tế-xã hội;

(3) Tranh thủ các cơ hội mới từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất, thương mại, đầu tư toàn cầu và khu vực;

(4) Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia;

(5) Thu hút nguồn lực tài chính xanh, tín dụng xanh ưu đãi để phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới, hydrogen;

(6) Xây dựng và phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sàn thương mại điện tử, nền tảng số có thể phải nộp thuế doanh nghiệp

Sàn thương mại điện tử, nền tảng số có thể phải nộp thuế doanh nghiệp

(Thanh tra) - Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đề nghị làm rõ khả năng thu thuế doanh nghiệp trên thực tế với các doanh nghiệp nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam cung cấp hàng hoá vào Việt Nam thông qua các giao dịch trên sàn thương mại điện tử, nền tảng số.

Hương Giang

10:49 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm