Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Thủ tướng: "Chúng ta cùng bắt tay nhau lo cuộc sống tốt hơn cho công nhân"

Hương Giang

Thứ năm, 24/12/2020 - 15:29

(Thanh tra) - Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, dù chỉ chiếm 14% dân số và 27% lực lượng lao động xã hội, nhưng đóng góp hằng năm của giai cấp công nhân chiếm hơn 65% tổng sản phẩm quốc dân và hơn 70% ngân sách Nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Quang Hiếu

Ngày 24/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam nhằm đánh giá quy chế phối hợp công tác giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam giai đoạn 2016-2020.

Mở đầu, người đứng đầu Chính phủ gửi lời thăm hỏi thân thiết đến công nhân lao động trên mọi miền Tổ quốc. “Chúng ta phải biết ơn, cảm ơn giai cấp công nhân Việt Nam đã ngày đêm lao động miệt mài để phát triển đất nước, vượt qua thách thức”, ông nói.

Thu nhập bình quân của công nhân lao động tăng 35%

Cuộc làm việc không dừng lại ở việc tổng kết công tác phối hợp giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam trong 5 năm qua, mà còn tập trung thảo luận, đưa ra các giải pháp, phương hướng, nhiệm vụ cụ thể trong các vấn đề như giải quyết việc làm bền vững, nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần, nhất là cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động nước ta trong thời gian tới.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Nguyễn Đình Khang cho hay, tính đến nay, số lượng lao động làm công hưởng lương khoảng 24-24,5 triệu người, trong đó, công nhân lao động trong các doanh nghiệp chiếm trên 60%.

Sau 5 năm qua, công nhân lao động có việc làm tăng 26%, trong đó số có việc làm bền vững, thu nhập cao tăng đều các năm. Mức lương tối thiểu vùng tăng 1,3 lần, thu nhập bình quân tăng 35% góp phần cải thiện thu nhập, đời sống cho người lao động.

Theo khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn, quý IV/2020, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (lương cơ bản) của công nhân lao động là 5,22 triệu đồng/tháng. Tính cả tiền lương làm thêm giờ, tiền thưởng, chuyên cần thì tổng thu nhập thực tế của một lao động là khoảng 7,4 triệu đồng/tháng.

Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng cho biết, còn một bộ phận lớn công nhân lao động có việc làm bấp bênh, thu nhập thấp, cuộc sống rất khó khăn.

Đặc biệt, năm 2020, tác động của đại dịch COVID-19 đã làm 31,8 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng. Trong đó 68,9% lao động bị giảm thu nhập, gần 40% phải giảm giờ làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và khoảng 14% buộc phải tạm nghỉ việc.

Có không ít công nhân lao động đã bị mất việc và ra khỏi dây chuyền sản xuất sau khi đã làm việc trong thời gian tương đối dài cho doanh nghiệp (sau nhiều lần ký hợp đồng lao động ngắn hạn) để doanh nghiệp tuyển lao động mới.

Đáng lưu ý, tình trạng vi phạm pháp luật lao động còn khá phổ biến, gây nên bất bình, mâu thuần và tranh chấp lao động, số vụ đình công giảm nhưng đã xuất hiện những yếu tố ngoài quan hệ lao động tác động đến các vụ đình công, gây mất an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch COVID -19, thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhằm tạo thêm nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.

Cơ quan này cũng kiến nghị nhiều vấn đề để cải thiện tiền lương cho công nhân lao động.

“Chúng ta cùng bắt tay nhau lo cuộc sống tốt hơn cho công nhân trong thời gian tới”, người đứng đầu Chính phủ phát biểu kết luận sau đó. Theo ông, dù chỉ chiếm 14% dân số và 27% lực lượng lao động xã hội, nhưng đóng góp hằng năm của giai cấp công nhân chiếm hơn 65% tổng sản phẩm quốc dân và hơn 70% ngân sách Nhà nước.

Thu nhập chưa đủ sống là “trăn trở của Thủ tướng với giai cấp công nhân”

Nhìn lại 5 năm qua, Thủ tướng cho biết, nhiều vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động và hoạt động công đoàn đã được Chính phủ quan tâm giải quyết kịp thời.

“Mấy chục vấn đề mà Tổng Liên đoàn đề nghị thì cơ bản chúng tôi đã giải quyết, chứng tỏ lời nói đi đôi với việc làm chứ không chỉ có trên giấy”, Thủ tướng khẳng định.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Quang Hiếu

Dẫn lại các con số như 5 năm qua, số việc làm tăng 26%, mức lương tối thiểu tăng 1,3 lần, thu nhập bình quân tăng 35%, Thủ tướng cho hay, ông đã nhiều lần đến nhà máy, xí nghiệp ở Bắc, Trung, Nam để thăm hỏi, tìm hiểu đời sống công nhân lao động.

“Tôi nhớ có Tết, Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo Tổng Liên đoàn xử lý vấn đề giới chủ bỏ trốn để giải quyết quyền lợi cho người lao động vui Tết đón Xuân bình thường”, Thủ tướng chia sẻ.

Trước thu nhập của một bộ phận công nhân chưa đủ sống, học hành của con cái họ, chỗ ở của công nhân còn nhiều khó khăn hay hình ảnh những công nhân xanh xao, gầy gò, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh đây “là nỗi trăn trở của tất cả chúng ta, của Thủ tướng đối với giai cấp công nhân Việt Nam”.

Vì vậy, việc chăm lo, bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống và điều kiện làm việc cho công nhân lao động là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của Ðảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, của mỗi công nhân và toàn xã hội, trong đó tổ chức công đoàn có vai trò, trách nhiệm to lớn.

Các bộ, ngành, chính quyền địa phương phải phối hợp chặt chẽ với các cấp công đoàn và người sử dụng lao động trong lĩnh vực quy hoạch đất đai, xây dựng nhà ở, trường học và các thiết chế phục vụ công nhân.

Cùng với đó, theo chức năng, nhiệm vụ, tiếp tục tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ các chủ trương, chính sách, pháp luật và giải pháp cụ thể để bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động, giảm bớt nỗi vất vả, nhọc nhằn của công nhân.

Thủ tướng giao Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Tổng LĐLĐ Việt Nam, Văn phòng Chính phủ tham mưu ban hành một chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.

Thủ tướng cũng mong doanh nghiệp, người sử dụng lao động vừa lo phát triển doanh nghiệp đồng thời phải lo cho công nhân, lao động để hài hòa lợi ích, không để người lao động thất nghiệp. Đồng thời kêu gọi, toàn thể công nhân cả nước phát huy truyền thống giai cấp công nhân Việt Nam, vượt qua khó khăn, không ngừng học tập, nâng cao trình độ, lao động sáng tạo để cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nỗ lực phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta thành nước phát triển.

“Chúng ta kỳ vọng người công nhân Việt Nam thời kỳ mới là những người có tri thức, kỹ năng cao, tự tôn dân tộc, lao động sáng tạo, tác phong công nghiệp, có việc làm bền vững và mức sống ngày càng cao”, Thủ tướng bày tỏ.

Nhân dịp này, Thủ tướng lưu ý, các cấp, các ngành, Tổng LĐLĐ Việt Nam, các doanh nghiệp phải chuẩn bị lo Tết cho công nhân, nhất là người có hoàn cảnh khó khăn để mọi người, mọi công nhân đón Tết đầm ấm, vui tươi.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm