Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ sáu, 22/12/2023 - 13:32
(Thanh tra) - Sáng 22/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Đây có thể coi là “hội nghị Diên Hồng” về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: N.Bắc
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để phát triển công nghiệp văn hóa Việt.
“Văn hóa Việt Nam là kết tinh thành quả hàng nghìn năm văn hiến, lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn hóa thế giới để không ngừng hoàn thiện mình và phát triển.
Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh, con người Việt Nam anh hùng, mến khách, yêu quý bạn bè, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc”, theo Thủ tướng.
Trong đó, công nghiệp văn hóa đề cập đến các ngành công nghiệp sản xuất ra các sản phẩm mang tính nghệ thuật và sáng tạo, có bản chất vật thể hoặc phi vật thể; thông qua khai thác những giá trị văn hóa cùng những sản phẩm và dịch vụ có tính trí tuệ, có ý nghĩa xã hội và văn hóa để thu về những nguồn lợi kinh tế.
Nhấn mạnh Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp văn hoá, người đứng đầu Chính phủ cho hay, Đảng, Nhà nước đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa.
Vì vậy, thời gian qua, các ngành công nghiệp văn hóa dần trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng.
“Sự đầu tư nguồn vốn vào các ngành công nghiệp văn hóa đã thúc đẩy thị trường công nghiệp văn hóa có những bước tiến mới, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội”, Thủ tướng đánh giá.
Theo Thủ tướng, so với một số ngành khác thì các ngành công nghiệp văn hóa vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế.
Để công nghiệp văn hóa nước ta sớm phát triển nhanh, bền vững, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, Thủ tướng cho rằng, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức, tư duy đến hành động, đổi mới tư duy, đột phá trong cách làm, xây dựng ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Ông đề nghị, thảo luận, đánh giá, phân tích kỹ lưỡng những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa thời gian qua. Nhận diện thời cơ, thách thức của công nghiệp văn hóa Việt Nam trong thời gian tới.
Chúng ta có thể học tập được gì từ những quốc gia đã thành công trong phát triển công nghiệp văn hóa?, Thủ tướng đặt vấn đề.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành cần đề xuất những giải pháp cụ thể, khả thi, đột phá. Trong đó nêu ra được giải pháp, lộ trình tháo gỡ những bất cập hiện nay, nhất là trong cơ chế, chính sách? Những sản phẩm, dịch vụ nào cần tập trung đầu tư để tạo hiệu quả và sức lan tỏa cao? Phát triển thương hiệu quốc gia trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa như thế nào?
Giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp văn hóa cả về số lượng và chất lượng? Có cần xây dựng một chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa cho giai đoạn mới với tầm nhìn dài hạn, giải pháp đồng bộ hơn?
Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển công nghiệp văn hoá
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết 7 năm triển khai Chiến lược Phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam, công tác phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đã đạt được một số kết quả nổi bật.
Theo ông Hùng, năm 2015, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 2,68% GDP. Sau 3 năm 2016, 2017, 2018 triển khai Chiến lược 1755: năm 2018, 12 ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 3,61% GDP. Giai đoạn từ năm 2018 - 2022, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đóng góp ước đạt 1,059 triệu tỷ đồng.
Đặc biệt, 5 năm qua, bình quân tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa đạt 7,21%/năm. Chỉ tính riêng năm 2022, thống kê có khoảng 70.321 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến ngành công nghiệp văn hóa và bình quân lực lượng lao động thu hút khoảng 1,7 triệu đến 2,3 triệu người, tăng 7,44%/năm.
“So sánh số liệu thống kê sau 7 năm của chúng ta với tình hình chung trên thế giới, có thể thấy, Việt Nam đang là quốc gia tầm trung về phát triển công nghiệp văn hoá và còn nhiều dư địa phát triển”, ông Hùng nhấn mạnh.
Vẫn theo Bộ trưởng, ngành công nghiệp văn hoá đóng góp quan trọng trong quảng bá hình ảnh, bản sắc và gia tăng sức hấp dẫn, thuyết phục của sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam.
Hà Nội, Đà Lạt, Hội An là 3 thành phố của Việt Nam đã gia nhập Mạng lưới Các thành phố sáng tạo của UNESCO, trong đó Hà Nội trở thành Thành phố Thiết kế sáng tạo, Đà Lạt là Thành phố Sáng tạo âm nhạc và Hội An là Thành phố Thủ công và Nghệ thuật dân gian.
Sự xuất hiện của 3 thành phố sáng tạo trên bản đồ các thành phố sáng tạo toàn cầu là một căn cứ vững vàng để Việt Nam có thể xác định mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo là trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa thu hút và hội tụ sự sáng tạo tại khu vực Đông Nam Á, Bộ trưởng nói.
Gần đây nhất, ngày 22/11, Việt Nam đã trúng cử thành viên Uỷ ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027 với số phiếu rất cao…
Bên cạnh kết quả đạt được, phát triển các ngành công nghiệp văn hoá vẫn còn nhiều bất cập và thách thức. Trong đó, theo ông Hùng, nguồn lực đầu tư còn mang tính dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa tập trung phát triển một số lĩnh vực chuyên ngành có lợi thế, tiềm năng.
Nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp văn hóa còn thiếu về số lượng và chất lượng. Chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp văn hóa còn chưa thực sự khuyến khích…
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chiều ngày 12/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Nam đã tổ chức hội nghị thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Hà Nam. Đây là một trong những nội dung quan trọng nhằm tinh gọn, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW.
Chính Bình
21:26 12/12/2024(Thanh tra) - Chiều 12/12, tại buổi làm việc với Bộ Ngoại giao, Chủ tịch nước Lương Cường đã yêu cầu ngành Ngoại giao làm tốt hơn nữa công tác tổ chức, sắp xếp bộ máy, đào tạo, đánh giá cán bộ theo tinh thần của Nghị quyết số 18 về “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
T.T
21:06 12/12/2024Hương Giang
20:49 12/12/2024Thu Huyền
20:30 12/12/2024Trọng Tài
20:27 12/12/2024Trần Kiên
19:26 12/12/2024Bùi Bình
Hải Hà
Phương Anh
Lê Phương
Văn Thanh
Chính Bình
Theo VietinBank
Theo EVNNPC
Theo VietinBank
Thu Hương
Theo EVNNPC
Theo EVNNPC