Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thứ trưởng Lê Quý Vương: Có vụ phải cho phép nổ súng tiêu diệt luôn

Thứ tư, 11/01/2017 - 09:10

(Thanh tra) - Dẫn thực tế có đối tượng được trang bị nhiều súng, lựu đạn, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, phải căn cứ vào từng tình huống, tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm của đối tượng để quyết định nổ súng tiêu diệt luôn.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương giải trình tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: TN

Chiều 10/1, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục phiên họp, thảo luận về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. 

Còn băn khoăn

Dự án luật này đã được Quốc hội thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 2. Hiện vẫn còn 6 vấn đề còn ý kiến khác nhau. Đó là, phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí; quy định nổ súng; quản lý, sử dụng vật liệu nổ và sử dụng tiền chất thuốc nổ.

Cho ý kiến, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định bày tỏ lo ngại khi trường hợp được nổ súng sau khi cảnh báo có vẻ mở hơn so với dự luật lần trước trình. “Đây là điều liên quan trực tiếp đến tính mạng con người nên cần quy định chặt chẽ”, ông Định nêu quan điểm.

Còn Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thì băn khoăn với điểm c, Khoản 2, Điều 21. “Nếu rơi vào những trường hợp nguy hiểm thì phụ nữ hay người cao tuổi cũng phải nổ súng chứ, quy định như vậy liệu có ổn không, có đảm bảo yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự không?”, bà Nga hỏi.

Giải trình tại phiên họp, thay mặt Ban Soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, dự thảo luật quy định rõ, phải căn cứ vào từng tình huống, tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm của đối tượng để quyết định việc nổ súng. Đây gần như là nguyên tắc chung của người cầm súng hoặc người chỉ huy, người cầm súng.

Ông dẫn chứng như trường hợp bắt giữ đối tượng Trần Trung Hùng (tức Gióng) ở Kon Tum, chỉ huy cho phép khi tiếp xúc đối tượng thì được phép nổ súng tiêu diệt luôn. “Đối tượng được trang bị 1 khẩu AK, 31 viên đạn, 2 quả lựu đạn, 1 khẩu K59, 9 viên đạn… Trong trường hợp đấy chúng tôi có quyền quyết định luôn, căn cứ vào tình huống, tính chất, mức độ cụ thể của đối tượng để nổ súng”, Thứ trưởng nói. Còn phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em, người cao tuổi là nhóm người yếu thế nên cần cân nhắc kỹ khi nổ súng. Nhưng “có câu “trừ trường hợp những người này có sử dụng vũ khí…” như vậy là chặt chẽ rồi”, Thứ trưởng Lê Quý Vương nhấn mạnh.

Đối tượng có vũ khí buộc chúng ta phải nổ súng

Tiếp tục băn khoăn về điểm c, khoản 3, Điều 21, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu, lâu nay trong một số trường hợp ở tội chống người thi hành công vụ đôi khi biểu hiện chỉ là không chấp hành, hoặc giằng co, bảo dừng mà không dừng, vẫn tiếp tục. “Mức độ chống lại như thế nào thì bắn chỉ thiên, nổ súng? Cần phải cân nhắc”, bà Nga đề nghị.

Đồng quan điểm, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, hiện nay nhiều lực lượng được giao quyền sử dụng súng, cho nên cần phải quy định cụ thể việc nổ súng. “Quy định mập mờ thì khó, anh em cầm súng nhưng không biết sử dụng như thế nào, không cẩn thận lại vi phạm pháp luật…”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Thứ trưởng Lê Quý Vương cho biết, trong hai năm trở lại đây đã diễn ra 6 lần đấu súng tại Vân Hồ (Sơn La), các đối tượng có vũ khí buộc chúng ta phải nổ súng.

Căn cứ những vụ việc xảy ra trong thực tế, Ban Soạn thảo đã nghiên cứu rất kỹ để quy định về nổ súng và trường hợp được nổ súng trong luật cho phù hợp.

“Thực chất ta nổ súng trước bằng hình thức cảnh báo, nếu chống cự thì mới nổ súng gây sát thương, do đó không gây nguy hại mấy. Có những trường hợp cả toán vũ trang mấy chục đối tượng có trang bị vũ khí, rất nguy hiểm”, Thứ trưởng lưu ý.

Chiều cùng ngày, UBTVQH cũng thảo luận về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Cảnh vệ.

Sau khi tiếp thu, hoàn chỉnh, gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội, cả hai dự án luật này sẽ được trình ra Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 3.

Điều 21. Quy định nổ súng (sau khi được tiếp thu, chỉnh lý)

1. Khi làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, việc nổ súng thực hiện theo quy định của Luật này và các luật khác có liên quan.

2. Khi thi hành nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, việc nổ súng phải tuân theo các nguyên tắc sau:

a) Phải căn cứ vào từng tình huống, tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm của đối tượng để quyết định việc nổ súng;

b) Chỉ nổ súng vào đối tượng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo. Nếu việc nổ súng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của bản thân hoặc người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được nổ súng ngay;

c) Không nổ súng vào đối tượng khi biết rõ người đó là phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em, người cao tuổi, trừ trường hợp những người này đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa trực tiếp tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác;

d) Trong mọi trường hợp nổ súng, người sử dụng cần hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra.

3. Những trường hợp được nổ súng sau khi đã cảnh báo

Người thi hành nhiệm vụ độc lập, trước khi nổ súng vào đối tượng phải cảnh báo bằng hành động, lời nói hoặc bắn chỉ thiên đối với các trường hợp sau:

a) Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực hoặc công cụ, phương tiện khác tấn công hoặc chống trả,đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác;

b) Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực,hoặc công cụ, phương tiện khác gây rối trật tự công cộng, uy hiếp nghiêm trọng tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác;

c)Người bị giam giữ, áp giải do phạm tội đang chạy trốn hoặc chống lại;đối tượng đang đánh tháo người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, người đang bị áp giải, xét xử do phạm tội hoặc chấp hành hình phạt tù.

d)Được phép nổ súng vào phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường thủy nội địa, trừ phương tiện giao thông của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế để dừng phương tiện.....

4. Những trường hợp được nổ súng không cần cảnh báo

a) Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội khủng bố, giết người, bắt cóc con tin, mua bán và vận chuyển trái phép chất ma túy hoặc đang trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ khi vừa thực hiện xong hành vi phạm tội trên;

b) Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc uy hiếp trực tiếp đến an toàn của công trình quan trọng về an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật;

c) Đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác;

d) Đối tượng đang trực tiếp thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ;

đ) Động vật đang đe dọa trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.


Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm