Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ tư, 14/05/2025 - 10:04
(Thanh tra) - “Không có quyền chất vấn, đại biểu HĐND sẽ khó có thể yêu cầu Chánh án hoặc Viện trưởng Viện KSND ra trước kỳ họp HĐND để trả lời cụ thể từng vấn đề, đối thoại công khai với đại biểu và cử tri”, theo đại biểu Quốc hội.
Quốc hội thảo luận ở hội trường Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, sáng 14/5. Hiến pháp đang quy định đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chánh án TAND, Viện trưởng Viện KSND.
Dự thảo nghị quyết đề xuất, sửa đổi quy định của Hiến pháp theo hướng không quy định Chánh án TAND, Viện trưởng Viện KSND thuộc phạm vi đối tượng trả lời chất vấn của đại biểu HĐND.
Đề xuất này, Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 cho biết, là do sẽ không tổ chức TAND và Viện KSND cấp huyện mà thay thế bằng các TAND, Viện KSND khu vực không gắn với đơn vị hành chính cụ thể, nên không có HĐND ngang cấp để thực hiện quyền chất vấn.
Lý do nữa, tuy Hiến pháp không quy định thẩm quyền chất vấn, HĐND vẫn thực hiện được quyền giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương (bao gồm giám sát hoạt động của TAND, Viện KSND và các cơ quan nhà nước khác trên địa bàn). HĐND vẫn có quyền kiến nghị với các cơ quan, tổ chức hữu quan.
“Tôi không đồng tình với cả 2 lý do trên”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) phát biểu.
TAND, Viện KSND là cơ quan duy nhất nằm ngoài chất vấn của đại biểu HĐND?
Lý giải cho quan điểm của mình, bà Thúy cho biết, đổi mới cơ cấu sắp tới, bên cạnh TAND, Viện KSND khu vực, vẫn còn TAND, Viện KSND cấp tỉnh, nên rất khó thuyết phục đại biểu HĐND cấp tỉnh và cử tri: Vì sao họ không còn được quyền chất vấn người đứng đầu 2 cơ quan này như Hiến pháp 2013 quy định.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng). Ảnh: P.Thắng
TAND, Viện KSND khu vực tuy không gắn với đơn vị hành chính cụ thể, nhưng bà Thúy nhấn mạnh, những cơ quan này vẫn khởi tố, truy tố, xét xử công dân của những đơn vị hành chính cụ thể mà đại biểu HĐNĐ là đại diện.
“Không lẽ TAND, Viện KSND khu vực sẽ là những cơ quan tư pháp duy nhất ở nước ta nằm ngoài sự giám sát bằng hình thức chất vấn của đại biểu HĐND? Nếu vậy dân bị oan sai sẽ nhờ cậy ai chất vấn để bảo vệ quyền lợi của họ?”, bà Thúy băn khoăn và đề nghị Quốc hội xem xét kỹ về việc tổ chức thực hiện giám sát đối với các cơ quan này.
Đại biểu Thúy tiếp tục nêu, nếu cho rằng TAND, Viện KSND khu vực không gắn với đơn vị hành chính cụ thể, nên không có HĐND ngang cấp để thực hiện quyền chất vấn thì thẩm quyền giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật của HĐND với những cơ quan tư pháp này ở mức nào?
“Phải chăng thẩm quyền ấy chỉ ngang với thẩm quyền giám sát đối với các doanh nghiệp Trung ương đóng trên địa bàn?”.
Thêm nữa, theo bà Thúy, giám sát việc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và quyền kiến nghị hoàn toàn không thể thay thế cho quyền chất vấn - vốn là hình thức giám sát trực tiếp, công khai, buộc người bị chất vấn phải trả lời trực tiếp và chịu trách nhiệm về lời trả lời của mình.
“Không có quyền chất vấn, đại biểu HĐND sẽ khó có thể yêu cầu Chánh án hoặc Viện trưởng ra trước kỳ họp HĐND để trả lời cụ thể từng vấn đề, đối thoại công khai với đại biểu và cử tri”, bà Thúy nói.
Quốc hội thảo luận ở hội trường Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi. Ảnh: P.Thắng
Chưa nói đến oan sai, bà Thúy cho biết, thực tế đã có nhiều trường hợp bản án, quyết định của TAND tuyên không rõ, gây khó khăn cho việc thi hành án, trong đó có những vụ có kiểm sát viên tham gia kiểm sát xét xử.
“Những trường hợp như vậy, nếu đại biểu HĐND chỉ có quyền kiến nghị thì kiến nghị ấy có hiệu lực pháp lý như ý kiến chất vấn công khai trước kỳ họp HĐND không?”, bà Thúy đặt vấn đề.
Với những lập luận đã nêu, đại biểu Kim Thúy đề nghị Quốc hội giữ lại quy định về thẩm quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án TAND, Viện trưởng Viện KSND trong Hiến pháp. Trên cơ sở đó luật chuyên ngành quy định cụ thể, phù hợp với mô hình tổ chức mới.
“Đây chính là cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước và nội dung này hiện chưa phát sinh vướng mắc”, đại biểu Quốc hội đoàn Đà Nẵng nói.
Chất vấn của đại biểu HĐND không can thiệp vào xét xử hay truy tố vụ án
Nhất trí với đại biểu Thúy, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) đề nghị hết sức cân nhắc bỏ thẩm quyền chất vấn của đại biểu HĐND với Chánh án TAND, Viện trưởng Viện KSND.
Theo ông Nghĩa, chất vấn là một công cụ giám sát quan trọng nhằm đảm bảo các cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm giải trình trước đại biểu dân cử và Nhân dân.
“Nếu cho rằng việc chất vấn của đại biểu HĐND với Chánh án, Viện trưởng làm ảnh hưởng đến tính độc lập của tư pháp thì sẽ rất khó lý giải quyền chất vấn của đại biểu Quốc hội với Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng Viện KSND Tối cao”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn). Ảnh: P.Thắng
Chất vấn của đại biểu HĐND, theo ông Nghĩa, không nhằm can thiệp vào nội dung xét xử hay truy tố của vụ án cụ thể, mà tập trung vào trách nhiệm quản lý, việc tổ chức thi hành và tuân thủ pháp luật của Chánh án và Viện trưởng.
“Duy trì quyền chất vấn là cần thiết để đảm bảo tính công khai, minh bạch và trách nhiệm trong hoạt động tư pháp”, ông Nghĩa góp ý.
Đại biểu lưu ý thêm, theo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức TAND và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Viện KSND trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này thì mô hình tổ chức của TAND và Viện KSND có 3 cấp: Tối cao, cấp tỉnh và khu vực.
“Như vậy, việc trao quyền giám sát, nhất là quyền chất vấn cho đại biểu HĐND cấp tỉnh đối với Chánh án và Viện trưởng cấp tỉnh là phù hợp và khả thi”, theo lời đại biểu Nghĩa.
Đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hòa) cũng tán thành cần phải giữ lại quy định về quyền chất vấn của đại biểu HĐND với Chánh án TAND và Viện trưởng Viện KSND cấp tỉnh.
Theo ông, tới đây, không còn HĐND cấp huyện nên người chất vấn Chánh án, Viện trưởng Viện KSND cấp huyện không còn. Nhưng vẫn còn TAND khu vực và Viện KSND khu vực. Vì vậy, trách nhiệm của “Chánh án TAND cấp tỉnh và Viện trưởng Viện KSND cấp tỉnh nặng nề hơn, bao quát hơn so với trước”.
Về kỹ thuật lập pháp, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm 3 từ “theo luật định”. Cụ thể, quy định “chất vấn Chánh án TAND, Viện trưởng Viện KSND theo luật định”.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Dự thảo luật lần này mở rộng nhóm nhiệm vụ độc lập của chủ tịch UBND cấp tỉnh từ 11 lên 23. Điều này thể hiện rõ vai trò "nhạc trưởng” của Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong vận hành chính quyền địa phương.
Hải Hà
(Thanh tra) - UBND tỉnh Nam Định ban hành Quyết định thành lập 9 tổ bàn giao và 57 tổ tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự, khối lượng công việc thực hiện và cơ sở vật chất khi triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Trung Hà
Hương Giang
Trần Lê
T. Minh
Hương Giang
Lâm Ánh
Lan Anh
Trần Kiên
Trần Kiên
Thu Huyền
Hải Hà
Trung Hà
Thái Hải
Phúc Anh
Hương Giang