Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Thị trường trên internet gần như nằm trong tay công ty nước ngoài

Thứ sáu, 17/11/2017 - 19:33

(Thanh tra) - Chiều 17/11, Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn tiếp tục trả lời làm rõ những vấn đề đại biểu quan tâm, đặc biệt liên quan quan đến dòng tiền quảng cáo qua Facebook và Youtube… Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham gia làm rõ thêm vấn đề.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Google, Facebook thu cả trăm triệu USD nhưng không đóng thuế

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện chúng ta chưa có giải pháp hiệu quả ngăn chặn dòng tiền quảng cáo sử dụng mục đích xấu trên Facebook, Youtube…

Hiện nay, Google có chính sách chia sẻ doanh thu cho người sản xuất nội dung nên các phần tử chống đối, thế lực thù địch lợi dụng người dân vì hám lợi tham gia sản xuất, đăng tải clip phản động lên mạng, coi đó là việc làm nhẹ nhàng thu nhập cao.

Ông Trương Minh Tuấn cho hay, việc ngăn chặn nguồn tiền bất hợp pháp đó rất cần thiết, nhưng đang gặp khó khăn.

"Nguồn thu từ quảng cáo qua các mạng này rất lớn, hơn 100 triệu USD một năm nhưng không đóng một đồng thuế nào", Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông nói và cho rằng, cần có giải pháp đồng bộ.

Trước hết, các nhà sản xuất nội dung Việt Nam, báo chí cần nghiêm túc hạn chế đưa sản phẩm của mình trên các mạng xuyên biên giới.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng đề nghị Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm soát mua bán quảng cáo xuyên biên giới; Ngân hàng Nhà nước có quyết sách trong hoạt động kinh doanh của Google và Facebook…

Tranh luận, ĐB Vũ Trọng Kim (Hải Dương) băn khoăn trước thông tin không thu được thuế của các mạng xã hội nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

“Việt Nam không phải là mảnh đất không chủ, không phải đất hoang cứ làm ăn, khai thác như vậy. Đề nghị Quốc hội, Bộ trưởng, Quốc hội có giải pháp để giải quyết vấn đề này”, ĐB Vũ Trọng Kim nói.

Phát biểu tại hội trường, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ở Việt Nam hiện nay có 67% số người sử dụng internet, trong đó có khoảng 60% số người dùng mạng xã hội. Nhưng thị trường trên internet của Việt Nam gần như nằm trong tay của các công ty nước ngoài.

Cụ thể, mạng xã hội 95% thị phần của nước ngoài; công cụ tìm kiếm 98% của nước ngoài; thương mại điện tử 80% của công ty nước ngoài…

Phó Thủ tướng cho biết, bao trùm lên các lĩnh vực trên số tiền thu được từ quảng cáo. Hiện nay, tiền quảng cáo các công ty nước ngoài điển hình là Facebook và Youtube chiếm tới 80% thị phần.

“Riêng số tiền mà hai công ty Facebook và Youtube năm vừa rồi thu được là 320 triệu đô la. Thời gian tới chúng ta phải có thái độ kiên quyết hơn với những vấn này”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Có thể thay thế được Youtube, Facebook trong 5-7 năm tới

ĐB Triệu Thị Huyền (Yên Bái) đặt vấn đề, Facebook và Youtube là 2 mạng xã hội có số lượng người Việt Nam sử dụng đông nhất cho đến nay. Thực tế cho thấy, chúng ta đang ưu tiên sử dụng các mạng xã hội do nước ngoài cung cấp vào Việt Nam. Điều này gây khó khăn trong công tác quản lý do máy chủ của các mạng xã hội này đặt ở nước ngoài.

“Để tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý, Bộ có giải pháp chủ trương gì để khuyến khích cũng như thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu, phát triển các mạng xã hội do Việt Nam sáng tạo ra và lộ trình thực hiện như thế nào”, bà Huyền hỏi.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn

Trả lời vấn đề này, theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, rất nhiều doanh nghiệp, không chỉ Việt Nam có tham vọng xây dựng thương hiệu cạnh tranh với 2 doanh nghiệp này. Hiện nay chỉ có một số quốc gia có mạng trong nước chiếm ưu thế như Trung Quốc, họ không sử dụng Facebook, Google. Hàn Quốc sử dụng mạng trong nước chiếm ưu thế, Liên bang Nga có phần mềm tìm kiếm riêng. Còn lại các nước khác lệ thuộc rất lớn vào 2 mạng này.

Tại Việt Nam, từ năm 2008 đã có một số trang như Bamboo, Zalo, Zingme được kỳ vọng có thể thay thế được các trang mạng nước ngoài. Nhưng sau khi hoạt động được một thời gian, do tiềm lực tài chính chưa đủ mạnh và do chính sách hỗ trợ đặc biệt của Nhà nước, nên Bamboo và Zalo đã phải đóng cửa sau 2 năm.

Hiện chỉ có Zingme còn tồn tại nhưng càng ngày càng tụt hậu cả số lượng, người sử dụng, nếu so với Facebook, Google thì rất thấp.

Bộ trưởng cho rằng, nếu có thể thí điểm triển khai một số cơ chế chính sách, với điều kiện ưu tiên đồng bộ cả thuế, tài chính, giảm thủ tục hành chính, có chính sách ưu tiên đặc biệt để quản lý thông tin hỗ trợ các doanh nghiệp số trong nước phát triển.

“Từ đó, ta mới hình thành được hệ sinh thái số lớn mạnh tại Việt Nam. Lúc đó mới có cơ sở tin tưởng rằng các doanh nghiệp Việt Nam có thể xây dựng các sản phẩm thay thế được Youtube, Facebook trong 5-7 năm tới”, Bộ trưởng nói.

Cũng theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông để làm được điều này, các doanh nghiệp phải tập trung xây dựng 4 mảng dịch vụ lớn, xây dựng mô hình 4 nhà: Nhà mạng viễn thông, nhà mạng hỗ trợ, nhà quảng cáo trong nước, nhà phát triển tập trung trong nước.

“Tập trung 4 nhà đó, lúc đó mới hy vọng xây dựng được hệ sinh thái số Việt Nam để đáp ứng yêu cầu thay thế 2 mạng lớn. Đây là vấn đề rất khó vì thói quen và sự tương tác rất lớn 2 nhà mạng”, Bộ trưởng nói.

Hương Giang

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm