Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: “Ném đá”, nói xấu... trên mạng xã hội đang nhức nhối

Thứ sáu, 17/11/2017 - 14:23

(Thanh tra)- Kiểm soát, ngăn chặn thông tin độc hại, xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên mạng xã hội là một trong những vấn đề “nóng” trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, sáng 17/11.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn. Ảnh: TN

Làm thế nào chặn thông tin sai sự thật tràn lan trên mạng xã hội?

Chất vấn, ĐB Mong Văn Tình (Nghệ An) nêu, nhiều thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự cá nhân, tổ chức lan tràn trên mạng xã hội. “Với vai trò tư lệnh ngành Thông tin truyền thông, Bộ trưởng đưa ra giải pháp gì?”, ĐB Tình hỏi.

“Việc xác định thông tin độc hại trên mạng dựa vào những tiêu chí nào?”, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) hỏi.

Cùng chung mối quan tâm, ĐB Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) chất vấn, lượng tin giả, xuyên tạc, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên mạng xã hội rất nhiều…. Bộ trưởng có giải pháp đột phá nào để quản lý thông tin thông tin trên mạng xã hội?

Theo ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) hiện có 363 trang mạng xã hội trong nước. Có 2 mạng xã hội nước ngoài có đông người việt dùng nhất, tính đến 30/9/2017, Facebook có khoảng 53 triệu thành viên, Youtube có khoảng 35 triệu thành viên tại Việt Nam.

“Có hay không tình trạng thông tin trên mạng xã hội đang lấn áp thông tin truyền thống. Với trách nhiệm của ngành, Bộ Thông tin và Truyền thông có giải pháp gì tận dụng mạng xã hội đưa thông tin tích cực đến người dân cũng như hạn chế những thông tin xấu độc”, ĐB Cao Thị Xuân nói.

5 - 6 người tự tử vì bị “ném đá tập thể”

Làm rõ vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu ứng dụng công nghệ thông tin. Giới trẻ Việt Nam sử dụng công nghệ thông tin rất giỏi.

Theo Bộ trưởng, mạng xã hội mang lại nhiều tiện ích cho con người, làm cho con người xích lại gần nhau, là kho kiến thức đồ sộ để tra cứu.

Bên cạnh tiện ích tích cực, tác hại của mạng xã hội đem lại không nhỏ, đó là những thông tin bôi nhọ, xâm phạm đời tư, kích động, bạo lực, chia rẽ dân tộc, tôn giáo… ngày càng phát triển. Nhiều người nói rằng, thông tin xấu như vậy có nên sử dụng mạng xã hội nữa không?

Tư lệnh ngành Thông tin Truyền thông cho rằng, mạng xã hội như con đường, trên con đường đó có người xấu, người tốt và "đừng coi việc sử dụng là xấu, điều quan trọng nằm ở ý thức của người sử dụng".

Hiện gần 70% người dân Việt Nam dùng Internet, khoảng 53 triệu người dùng Facebook nhưng chỉ một bộ phận nhỏ với "năng lượng đen, xấu" đã làm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường mạng xã hội.

Bộ trưởng nhấn mạnh, việc "ném đá", nói xấu, bôi nhọ… trên mạng xã hội đang là vấn đề nhức nhối, dẫn tới hệ lụy khôn lường. Từ năm 2014 đến nay, có 5 - 6 người tự tử vì bị bôi xấu, “ném đá tập thể” trên mạng xã hội.

Tác động gỡ bỏ 5.000 clip xấu trên mạng

Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc với các đơn vị liên quan để tăng cường năng lượng tốt, giảm năng lượng thông tin tiêu cực trên mạng xã hội.

Bộ cũng đã làm việc với các mạng xã hội nước ngoài, như Facebook, Goolge... để trao đổi với các công ty này về việc một mặt tuân thủ luật quốc tế, nhưng khi kinh doanh tại Việt Nam thì cũng phải tuân thủ luật Việt Nam.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã tác động Youtube gỡ bỏ 5.000 clip xuyên tạc, nói xấu, phản cảm, sai sự thật.

"Tới đây Bộ sẽ tăng cường hoạt động phát triển mạng xã hội trong nước, đẩy mạnh thông tin trên báo chí để đẩy lùi các thông tin xấu, sai sự thật trên mạng, không để báo chí bị dẫn dắt bởi mạng xã hội", ông Trương Minh Tuấn nói.

 Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm