Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Thành công chống COVID -19 khẳng định tinh thần Việt Nam, bản lĩnh Việt Nam

Hương Giang

Chủ nhật, 29/10/2023 - 18:00

(Thanh tra) - Dù còn những khiếm khuyết, song về tổng thể, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 và ban chỉ đạo các cấp đã hoàn thành nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao phó và kết thúc nhiệm vụ tại đây, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: N.Bắc

Ngày 29/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Tổng kết công tác phòng chống dịch COVID-19 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trực tuyến với các địa phương.

“Đi sau nhưng về trước” trong phòng chống COVID-19

Tại hội nghị, các đại biểu khẳng định, với tinh thần đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, Việt Nam trở thành một trong những nước “đi sau nhưng về trước” trong phòng chống dịch; mở cửa các hoạt động kinh tế xã hội trong nước từ 11/10/2021 và mở cửa với quốc tế từ 15/3/2022.

Đặc biệt, từ một nước tiếp cận sau về vaccine, có tỷ lệ tiêm chủng rất thấp, Việt Nam trở thành một trong 5 nước có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất và là quốc gia duy nhất trong nhóm này có dân số đông khoảng 100 triệu người.

Xúc động nhắc lại những thời khắc cam go, vất vả trong phòng, chống dịch, Thủ tướng nói, chúng ta đã trải qua những thời gian khó khăn nhất với nhiều lo lắng, trăn trở.

Thời điểm đó “vô cùng khó khăn”, “khó khăn tứ bề” khi “trong tay không có gì khác”, không có vaccine, không có test kit… hệ thống y tế có thể đáp ứng được yêu cầu trong điều kiện bình thường nhưng không thể đáp ứng trong điều kiện bất thường, khẩn cấp về y tế, người đứng đầu Chính phủ nhớ lại.

Trao đổi tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi chia sẻ các bài học kinh nghiệm trong phòng chống dịch COVID-19.

Lãnh đạo TPHCM bày tỏ mong muốn cần dành sự kính trọng, tôn vinh đối với ngành y tế. Ảnh: N.Bắc

Trong đó, ông nhấn mạnh bài học sớm thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch và triển khai ngay các biện pháp phòng chống dịch phù hợp; kịp thời huy động các chuyên gia y tế, các nhà quản lý đương chức và hưu trí để lắng nghe đề xuất, kiến nghị, các biện pháp y tế.

Điển hình, lập các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị COVID, phân tầng trong điều trị, lập các trạm y tế lưu động; quản lý, chăm sóc F0 tại nhà…

“Chính những ý kiến, biện pháp này đã giúp cho công tác phòng chống dịch ở TP đạt được kết quả, dù tình hình rất phức tạp", ông Mãi nói.

Ông cũng nhấn mạnh bài học ứng xử chính sách, sự phối hợp điều hành của các ngành, các cấp trên địa bàn; mở cửa và tiếp tục các biện pháp phòng chống dịch, phục hồi phát triển kinh tế.

“Các quyết định phòng chống dịch đã khó, quyết định “mở cửa” càng khó hơn. TP “mở cửa” nền kinh tế từ ngày 01/10/2021, lúc này cũng còn nhiều ý kiến băn khoăn, thậm chí không đồng tình, phản đối. Trên cơ sở đánh giá tình hình, TP đã mạnh dạn “mở cửa” song song với các biện pháp tiếp tục kiểm soát phòng chống dịch”, ông Mãi cho hay.

Nhân dịp này, lãnh đạo TP HCM bày tỏ mong muốn cần dành sự kính trọng, tôn vinh đối với ngành y tế, trong đó có lực lượng quân y.

"Không vì những sai phạm ở Học viện Quân y mà chúng ta nhìn khác hoặc có cái nhìn sai lệch về những cống hiến của lực lượng quân y cũng như cả ngành Y tế...”, theo lời ông Mãi.

Sẵn sàng điều kiện để ứng phó với đại dịch có thể xảy ra

Nhất trí cao với các bài học kinh nghiệm được các đại biểu chỉ ra, Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số nội dung.

Theo ông, phòng chống dịch thành công là do luôn đặt dưới sự lãnh đạo kịp thời của Trung ương, Bộ Chính trị, trực tiếp là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đóng góp của người dân, doanh nghiệp và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế.

Ông đặc biệt nhấn mạnh, phải hết sức bình tĩnh, kiên trì, bản lĩnh, tỉnh táo trước những diễn biến phức tạp, thời khắc khó khăn; phải sáng suốt, linh hoạt đưa ra các giải pháp phù hợp, sát tình hình, khả thi, hiệu quả.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Tổng kết công tác phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: N.Bắc

Y tế dự phòng, y tế cơ sở phải chuẩn bị năng lực ở mức cao hơn bình thường; nhanh chóng khắc phục hậu quả mà đại dịch gây ra; khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh….

Đề cập đến nhiệm vụ thời gian tới, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tiếp tục cảnh giác, phòng ngừa “từ sớm, từ xa” với các loại dịch bệnh có thể xảy ra và cũng chưa thể hoàn toàn yên tâm với đại dịch COVID-19, hậu quả đại dịch COVID-19 còn tiếp tục kéo dài.

Cùng với tạo lập hệ thống khuôn khổ pháp lý đồng bộ, đầy đủ, phù hợp, đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng chống dịch bệnh (nhất là về mua sắm thuốc, vaccine, trang thiết bị, vật tư y tế...) trong mọi tình huống, các bộ, ngành, địa phương phải chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để ứng phó với các đại dịch có thể xảy ra.

Thủ tướng yêu cầu tăng cường đầu tư phát triển hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ y tế, bảo đảm chính sách cho lực lượng phòng chống dịch.

Ngoài ra, tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, khắc phục hậu quả dịch bệnh có thể còn kéo dài, ổn định đời sống nhân dân, đặc biệt là trẻ em mồ côi cả về vật chất và tinh thần.

“Dù còn những khiếm khuyết, song về tổng thể, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 và ban chỉ đạo các cấp đã hoàn thành nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao phó và kết thúc nhiệm vụ tại đây”, Thủ tướng phát biểu kết luận.

Nhìn lại thời gian hơn 3 năm phòng, chống dịch vừa qua, Thủ tướng nhắc lại một số mốc thời gian quan trọng:

- Tháng 12/2019, thế giới ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên (tại thành phố Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc).

- Ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế Thế giới chính thức tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu.

- Ngày 23/01/2020, Việt Nam ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên.

- Ngày 30/3/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết chống dịch.

- Ngày 31/3/2020, đối mặt với đại dịch nguy hiểm, chưa có tiền lệ, trong khi thông tin hạn chế, chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu, để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị số 16, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày.

- Ngày 27/4/2021, sau hơn 1 năm chống dịch, chúng ta đối mặt với đợt dịch thứ 4, chủ đạo là biến chủng Delta có độc lực cao, tốc độ lây lan nhanh, xâm nhập sâu trong cộng đồng tại 62/63 tỉnh, thành phố, gây hậu quả rất nặng nề, đặc biệt là tại TP HCM. "Đó là những ngày tháng không thể ngủ được", Thủ tướng chia sẻ.

- Ngày 29/7/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi lần thứ hai, gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19.

- Tháng 7/2021, chúng ta bắt đầu đưa ra công thức chống dịch. Lúc đầu, công thức chỉ gồm có 5K+vaccine", song đây vẫn là việc rất có ý nghĩa, đánh dấu việc chuyển hướng từ chống dịch bằng biện pháp hành chính sang chống dịch bằng biện pháp hành chính kết hợp với biện pháp khoa học là vaccine. Sau đó, công thức chống dịch lần lượt được bổ sung các thành tố, trở thành "5K+vaccine+điều trị+xét nghiệm+công nghệ+ý thức của người dân và các biện pháp khác". Đây là công thức chống dịch tương đối hoàn chỉnh.

- Ngày 11/10/2021, với tỷ lệ bao phủ vaccine khá cao, đúc rút được nhiều kinh nghiệm, xác định công thức phòng, chống dịch phù hợp, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP, đánh dấu bước chuyển hướng chiến lược sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

- Ngày 20/10/2023, COVID-19 đã chính thức được chuyển phân loại từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B tại Việt Nam.

Qua 4 đợt dịch, lực lương chức năng đã phát hiện, xử lý hành chính 1.295 vụ với 3.232 trường hợp xuất nhập cảnh vi phạm quy định về xuất nhập cảnh; xử phạt vi phạm hành chính 459.368 trường hợp vi phạm các quy định về công tác phòng chống dịch bệnh.

Chủ động phối hợp, phát hiện xử lý 365 vụ với 413 đối tượng lợi dụng chính sách phòng chống dịch bệnh để thực hiện các hành vi như đầu cơ nâng khống giá bán các mặt hàng thiết yếu phẩm phục vụ c phòng chống dịch; buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả….

Công an các cấp đã khởi tố 37 vụ với 104 bị can, xử phạt vi phạm hành chính 220 vụ, 222 đối tượng với số tiền gần 3 tỷ đồng; tập trung điều tra, xử lý nghiêm minh các hành vi lợi dụng chính sách phòng chống dịch bệnh để tham nhũng tiêu cực, đặc biệt là tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các vụ mà Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã chỉ đạo, như vụ án Việt Á. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm