Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tạo hành lang pháp lý để thanh niên trở thành lực lượng đi đầu

Thứ ba, 10/09/2019 - 16:03

Thảo luận tại phiên họp thứ 37, các ý kiến thống nhất về sự cần thiết sửa đổi Luật Thanh niên, bởi sau 13 năm thực thi, Luật đã bộc lộ nhiều điểm không còn phù hợp.

Bí thư thứ nhất Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh Lê Quốc Phong phát biểu ý kiến. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 37, sáng 10/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).

Tạo hành lang pháp lý để thanh niên trở thành lực lượng lao động sáng tạo

Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến thống nhất về sự cần thiết sửa đổi Luật Thanh niên, bởi sau 13 năm thực thi, Luật đã bộc lộ nhiều điểm không còn phù hợp. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nếu dự thảo vẫn chỉ quy định về quyền, nghĩa vụ, chính sách đối với thanh niên với tư cách là công dân nói chung và không có đặc thù so với các công dân khác thì chưa nên ban hành Luật mới.

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) có 18/62 điều quy định "Nhà nước có chính sách"; 9 điều giao Chính phủ quy định chi tiết, trong đó có những chính sách quan trọng chưa thể hiện rõ nội dung và phạm vi giao quy định chi tiết.

Do đó, Thường trực Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo cụ thể hóa về phạm vi và nội dung các chính sách dự kiến giao Chính phủ để đảm bảo tính thống nhất của nghị định hướng dẫn với nội dung và tinh thần của Luật, đồng thời nghiên cứu cụ thể hóa một số vấn đề tại dự thảo Luật để giảm nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết.

Thường trực Ủy ban thống nhất với định hướng xây dựng Luật vừa quy định những vấn đề có tính nguyên tắc, vừa quy định cụ thể, chi tiết, đồng thời có các biện pháp bảo đảm thi hành và nhấn mạnh, dự thảo Luật cần tạo hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho thanh niên - một lực lượng xã hội to lớn, một trong những nhân tố quan trọng quyết định tương lai, vận mệnh dân tộc - trở thành lực lượng đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc.

Về chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, các ý kiến cho rằng, đây là chính sách mới, gắn liền với xu hướng khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên. Hiện nay, vấn đề này vẫn chưa có hành lang pháp lý đầy đủ nên việc quy định vào dự thảo là cần thiết. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ các vấn đề liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo để khuyến khích, thúc đẩy phong trào thanh niên khởi nghiệp. 

Nhiều chính sách, pháp luật về thanh niên còn chung chung, chồng chéo

Về các chính sách khác của Nhà nước đối với thanh niên, các đại biểu cho rằng, đối với thanh niên từ 16 đến dưới 18 tuổi, đây là nhóm thanh niên chuẩn bị trưởng thành, đang có sự thay đổi lớn về thể chất, tâm sinh lý, định hình nhân cách, dễ bị tổn thương, do đó cần có những chính sách chăm sóc, bảo vệ phù hợp.

Tuy nhiên, các chính sách được quy định tại dự thảo Luật về cơ bản là các chính sách chung dành cho mọi đối tượng thanh niên. Từ đó, các đại biểu đề nghị nghiên cứu để có những chính sách đặc thù cho riêng nhóm đối tượng này.

Tuy nhiên, cho ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, nếu luật này có quy định chính sách đặc thù cho thanh niên là không hợp lý, bởi đây không phải là đối tượng yếu thế, hơn nữa sẽ chồng chéo lên các luật khác.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cũng nhất trí quan điểm không coi đây là lực lượng yếu thế. Thanh niên cần thấy được sức mạnh, trách nhiệm, vai trò, sứ mệnh…

Trong dự án Luật đang thiên về đòi hỏi quyền lợi và chính sách của nhà nước đối với lực lượng này. Do đó, Luật cần xác định lại cách tiếp cận để từ đó xây dựng nội dung các quyền, nghĩa vụ và chính sách một cách khoa học, có giá trị trong thực tiễn thi hành.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, về cơ bản các chính sách được kế thừa Luật Thanh niên năm 2005. Tuy nhiên, nhiều chính sách còn chung chung và chồng lấn với nhiều lĩnh vực khác.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo bám sát quy định của Hiến pháp và các luật liên quan. Những vấn đề về quyền và nghĩa vụ của thanh niên đã được quy định khá đầy đủ trong các luật chuyên ngành, nên khi tiếp cận với những quyền của thanh niên cần có cách tiếp cận mới hơn, tránh trùng lặp.

"Vấn đề không chỉ ở chỗ thanh niên có quyền gì, trách nhiệm gì, mà cơ bản là thanh niên cần những điều kiện đảm bảo gì để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trước xã hội theo Hiến pháp quy định. Đặc biệt là việc giáo dục, bồi dưỡng đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân trong điều kiện hiện nay, nhất là bối cảnh mạng xã hội phát triển. Điều kiện hiện nay khác hẳn mấy chục năm về trước. Đây là vấn đề khó của công tác thanh niên hiện nay" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Về Ủy ban Quốc gia về Thanh niên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng ý với quy định Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên; đồng thời đề nghị bổ sung cụm từ là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thanh niên./.

Xuân Tùng (TTXVN/Vietnam+)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

Sơn La thông qua phương án hợp nhất Sở Lao động, Thương binh và Xã hội với Sở Nội vụ

(Thanh tra) - Ngày 14/12, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La chủ trì cuộc họp cùng lãnh đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ và Ban Dân tộc nhằm thống nhất phương án sắp xếp tổ chức bộ máy của một số cơ quan, đơn vị của tỉnh.

Trần Kiên

19:34 14/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm