Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Tân Tổng Thanh tra Chính phủ sẽ đối mặt với áp lực, thách thức gì?

Thứ năm, 26/10/2017 - 07:21

(Thanh tra) - Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 25/10, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, tân Tổng Thanh tra phải đưa những vụ việc tiêu cực, tham nhũng ra ánh sáng, lấy lại niềm tin cho nhân dân; cũng như chấn chỉnh kỷ cương, phép nước ở ngay chính trong cơ quan thanh tra…

ĐBQH Trương Trong Nghĩa và ĐBQH Lê Thanh Vân

Theo ĐBQH Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội (ĐBQH tỉnh Cà Mau), mong muốn của nhân dân, của các ĐBQH là vị đứng đầu ngành Thanh tra phải là người có trí minh, tâm sáng. Người đó phải “phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”.

“Trí nghĩa là có năng lực, nhận biết đúng sai. Muốn nhận biết đúng sai phải tinh thông đường lối, chủ trương, pháp luật. Còn tâm là phải vì nước vì dân, phải gạt bỏ những lợi ích, quan hệ cá nhân, phải công tâm trong công việc”, ông Vân nói.

Đối với công cuộc phòng, chống tham nhũng do Đảng, Nhà nước phát động, Tổng Bí thư trực tiếp là Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng lại càng đòi hỏi cao với người đứng đầu ngành Thanh tra.

“Từ hoạt động của ngành phải phát hiện đưa những vụ việc tiêu cực, tham nhũng ra ánh sáng, lấy lại niềm tin cho nhân dân”, ông Lê Thanh Vân nhấn mạnh, nếu như người đứng đầu ngành Thanh tra không xử nghiêm được các vụ việc tiêu thì không đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi, kỳ vọng của nhân dân.

“Sự cố gắng của người đứng đầu lĩnh vực Thanh tra sẽ góp phần tạo thêm niềm tin của người dân vào Đảng, Nhà nước”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách nói.

Cũng theo ông Lê Thanh Vân, vai trò của Thanh tra Chính phủ là kiểm soát nhánh hành pháp. Trong hoạt động hành pháp rất dễ xảy ra vi phạm pháp luật, tiêu cực, vấn đề lạm quyền, trục lợi. Chính vì thế, kiểm soát tốt được nội bộ, kiểm soát được bên trong cơ quan hành pháp, hệ thống hành chính là vấn đề vô cùng hệ trọng.

“Dựa trên quyền được giao, người đứng đầu ngành Thanh tra phải xây dựng được kế hoạch, chương trình cả nhiệm kỳ, lựa chọn vấn đề xã hội quan tâm, vấn đề bức xúc dư luận đặt ra để giải quyết. Anh phải chỉ đạo thanh tra đột xuất khi dư luận nêu ý kiến về một cá nhân, đơn vị cụ thể, để phúc đáp ngay vấn đề dư luận đặt ra. Anh cũng phải chấn chỉnh kỷ cương, phép nước ở ngay chính trong cơ quan Thanh tra”.

ĐBQH tỉnh Cà Mau cho rằng, áp lực với người đứng đầu ngành Thanh tra trong bối cảnh hiện nay là vô cùng lớn; phải giải quyết một loạt vấn đề, trong đó phải cộng hưởng với sự quyết liệt từ các cơ quan của Đảng. Thanh tra Chính phủ cũng phải thường xuyên giúp cho Chính phủ, giúp Thủ tướng thanh lọc bộ máy để trong sáng, thực sự liêm chính, kiến tạo, phát triển như thông điệp Thủ tướng đưa ra đầu nhiệm kỳ.

Cùng chung nhận định về áp lực của tân Tổng Thanh tra, theo ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh), khối lượng công việc của Thanh tra Chính phủ rất nặng nề.

“Nặng nề ở cả 2 nghĩa. Thứ nhất, các vụ việc Thanh tra Chính phủ thanh tra đều phức tạp, nghiêm trọng, phải làm cho chặt chẽ, đến nơi đến chốn. Thứ hai, khi thanh tra không được nhũng nhiễu, không được qua loa, không được có hành vi tiêu cực, không tạo ra phiền hà cho các doanh nghiệp cũng như các đơn vị được thanh tra. Cho nên, trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ rất nặng”, ĐBQH TP Hồ Chí Minh.

Theo ông Trương Trọng Nghĩa, sau Đại hội 12, công tác phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh rất nhiều nên ngành Thanh tra cũng sẽ có những thuận lợi hơn trong cuộc đấu tranh này. “Tôi nghĩ, Thanh tra Chính phủ nên hợp tác tốt hơn với báo chí, nhân dân và Mặt trận tổ quốc thì công tác phòng, chống tham nhũng sẽ thuận lợi hơn”, ông Nghĩa nói.

ĐBQH TP Hồ Chí Minh cũng bày tỏ kỳ vọng tân Tổng Thanh tra sẽ có trách nhiệm cao hơn, quản lý ngành cũng như cán bộ thanh tra tốt hơn về mặt đạo đức và trách nhiệm công vụ.

“Quốc hội khi bỏ phiếu luôn chờ đợi Tổng Thanh tra mới sẽ làm việc có hiệu quả hơn nữa”, ông Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm