Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Sơ kết Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến 2020

Thứ ba, 04/01/2011 - 14:53

(Thanh tra) - Sáng 4/1/2011, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) họp phiên thứ 37 dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng. Sau lời phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội, UBTVQH đã cho ý kiến về sơ kết việc triển khai Kế hoạch số 900/UBTVQH của UBTVQH thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

Báo cáo sơ kết việc thực hiện Kế hoạch số 900 do ông Nguyễn Văn Thuận- Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình bày đã nêu rõ: Với Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị, lần đầu tiên Việt Nam có một Chiến lược dài hạn, khá toàn diện với những bước đi và giải pháp tương đối cơ bản cho việc xây dựng và thực thi pháp luật. UBTVQH, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội… đã phối hợp chặt chẽ và có những đóng góp quan trọng để xây dựng pháp luật. Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã tập trung vào những lĩnh vực trọng điểm, có ý nghĩa then chốt. Từ tháng 5/2005 đến hết tháng 6/2007, Quốc hội thông qua 64 luật, UBTVQH thông qua 10 pháp lệnh. Từ tháng 7/2007 đến hết tháng 11/2010, Quốc hội thông qua 64 luật, UBTVQH thông qua 11 pháp lệnh. Theo dự kiến, đến tháng 3/2011, Quốc hội khóa XII sẽ thông qua 69 luật.

Báo cáo nêu rõ qui trình xây dựng luật, pháp lệnh có những đổi mới quan trọng; việc ban hành và thực hiện các văn bản qui phạm pháp luật thời gian qua đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, phục vụ kịp thời yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế. Đánh giá những hạn chế trong việc xây dựng và triển khai Chương trình xây dựng pháp luật, báo cáo nêu rõ, khâu chuẩn bị, việc trình kiến nghị xây dựng luật, pháp lệnh của một số cơ quan chưa thực sự có đầy đủ các căn cứ khoa học và thực tiễn; còn thiên về tập hợp kiến nghị, đề xuất của bộ ngành mà chưa có sự phân tích, đánh giá chính sách một cách thực sự toàn diện. Việc triển khai Chương trình còn có những hạn chế, không đảm bảo về tiến độ, chất lượng chuẩn bị dự án còn thấp dẫn đến Chương trình không ổn định, vừa xây dựng xong lại đề xuất điều chỉnh, bổ sung hoặc thay đổi… Bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng của một số văn bản qui phạm pháp luật còn chưa chú trọng đến tính cụ thể, tính khả thi, tính ổn định, tính đồng bộ, thống nhất, tính công khai, minh bạch… Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức của lãnh đạo một số bộ, ngành và địa phương về công tác xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật còn chưa đầy đủ, công tác nghiên cứu lý luận chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn; tổ chức bộ máy tham gia phục vụ công tác xây dựng pháp luật còn yếu.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xây dựng pháp luật, trong thời gian tới, các cơ quan chuyên trách cần đổi mới việc lập và thông qua Chương trình xây dựng văn bản qui phạm pháp luật; đổi mới qui trình xây dựng, ban hành văn bản qui phạm pháp luật; Tăng cường năng lực của các thiết chế xây dưng và thi hành pháp luật; tăng cường điều kiện bảo đảm cho công tác xây dựng pháp luật. Đối với Quốc hội, cần đổi mới tổ chức và hoạt động để bảo đảm thực hiện tốt chức năng lập pháp và hành pháp; Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của UBTVQH theo hướng tiếp tục chia tách một số Ủy ban để phụ trách công tác dân nguyện, công tác đại biểu…; có cơ chế để thu hút một cách thực chất đông đảo nhân dân tham gia vào hoạt động của Quốc hội;

Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, thống nhất từ Trung ương xuống địa phương, đổi mới về tổ chức hoạt động của các cơ quan tư pháp theo hướng mở rộng thẩm quyền xét xử của tòa án đối với các vụ khiếu kiện hành chính; nghiên cứu việc chuyển Viện kiểm sát thành viện công tố; xác định rõ hơn, hợp lý hơn về vị trí, nhiệm vụ quyền hạn của mỗi cấp chính quyền địa phương trong hệ thống cơ quan nhà nước. Đồng thời khắc phục khuynh hướng “nhà nước hóa”, “hành chính hóa” hoạt động của các hội; xây dựng và thực hiện tốt chế độ miễn nhiệm, từ chức, cho thôi việc, thay thế cán bộ kém phẩm chất…

Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam định hướng đến năm 2020 cũng xác định rõ cần xây dựng, sửa đổi, ban hành mới khoảng 129 luật, văn bản dưới luật trong thời gian 2012-2016 và 29 văn bản luật, dưới luật trong giai đoạn 2016 -2020. Trong đó có các văn bản luật xây dựng mới như Luật về việc làm, Luật về tiền lương, Luật về quan hệ lao động, Luật Quảng cáo, Luật Giáo dục phổ thông, Luật Giáo dục mầm non, Luật Phòng không nhân dân, Luật về tình trạng khẩn cấp, Luật Giám định tư pháp, Luật Bảo vệ nhân chứng, Luật Quản lý ngân quỹ...


Đan Quế

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm