Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Sẵn sàng “chung sống an toàn” với dịch COVID -19: Mọi lĩnh vực phải có người chịu trách nhiệm

Hương Giang

Thứ hai, 20/04/2020 - 14:50

(Thanh tra) - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đề nghị các bộ, ngành khẩn trương rà soát, bổ sung, cập nhật hoặc ban hành thêm các hướng dẫn, quy định để sẵn sàng “chung sống an toàn” nhưng tuyệt đối không chủ quan.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: Đình Nam

Ngày 20/4, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 với sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban.

Tại cuộc họp sáng 20/4, Ban Chỉ đạo tập trung thảo luận một số nội dung chính: Khám chữa bệnh an toàn; đi học an toàn, đi lại an toàn; sản xuất, kinh doanh an toàn; du lịch an toàn…

Tuyệt đối không được chủ quan

Theo các ý kiến, với diễn biến mới của dịch hiện nay, cần phải có sự điều chỉnh trong chỉ đạo để thích ứng.

Mục tiêu đặt ra là phải chung sống tuyệt đối an toàn, nhất định không được chủ quan, cũng như kiểm soát được dịch bệnh để phát triển sản xuất, kinh doanh. Mọi lĩnh vực, hoạt động đều phải có người chịu trách nhiệm.

Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, việc duy trì hoạt động của các doanh nghiệp lớn thời gian qua là kinh nghiệm tốt để các doanh nghiệp khác tham khảo trước khi tổ chức sản xuất lại.

Bộ Công thương đã yêu cầu các doanh nghiệp xây dựng lại quy trình sản xuất kinh doanh, làm việc, đi lại, bảo đảm khoảng cách an toàn… trong thời điểm dịch bệnh hiện nay.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn dự phòng COVID-19 trong cơ sở sản xuất; xây dựng bảng điểm về phòng, chống dịch bệnh trong nhà máy, xí nghiệp…

Dù vậy, để bảo đảm các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ biện pháp phòng, chống dịch bệnh, theo ông Long, Bộ Công thương phải tổ chức các đoàn kiểm tra, đồng thời, hướng dẫn các địa phương kiểm tra, giám sát đơn vị sản xuất trên địa bàn.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát và hỗ trợ y tế đối với công nhân tại các khu nhà trọ; giám sát điểm trên các nhóm công nhân…

Theo Ban Chỉ đạo, với loại hình nhà máy, công xưởng cần hướng dẫn từ lúc công nhân đi vào, giao nhận ca, ăn uống, đến khi tan ca, đưa đón…

Vì vậy, Bộ Công thương cần có văn bản chỉ đạo quyết liệt, sâu sát hơn. Cùng với đó, rà soát, bổ sung hướng dẫn, quy định để bảo đảm hoạt động lưu thông hàng hoá, tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình giá cả, thị trường hàng hóa tại các địa phương để kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động.

Với các địa phương, Ban Chỉ đạo yêu cầu, tuỳ vào điều kiện thực tế có thể bổ sung các quy định, hướng dẫn, bảo đảm cụ thể, đầy đủ, không được bỏ sót, bỏ lọt.

Đặc biệt, địa phương phải chịu trách nhiệm chính trong hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định an toàn, phòng, chống dịch đối với hoạt động của nhóm các siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng nhỏ lẻ (ví dụ như sửa xe máy, cắt tóc…), lao động tự do, người bán hàng rong… trên địa bàn.

Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục rà soát thật chặt chẽ tất cả quy định liên quan đến tiếp nhận người đến khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế. Chính quyền địa phương căn cứ vào hướng dẫn của ngành Y tế có quy định bổ sung và Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm.

Không bỏ sót, bỏ lọt lĩnh vực, ngành nghề, đối tượng

Về nội dung đi lại an toàn, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, Bộ sẽ rà soát lại các hướng dẫn trước đây về bảo đảm an toàn trong hàng không, xe khách liên tỉnh, xe taxi… cập nhật thêm các biện pháp phòng, chống mới theo hướng dẫn chung của ngành Y tế, và tuỳ theo các tỉnh sẽ có hướng dẫn trực tiếp.

Theo nhiều ý kiến, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin giám sát sự tuân thủ quy định phòng, chống dịch trên các phương tiện giao thông như lái xe phải đeo khẩu trang, chở đúng số lượng hành khách, khử khuẩn phương tiện sau khi khách xuống xe…

Hành khách cũng có thể phản ánh việc tuân thủ quy định phòng dịch trên phương tiện giao thông thông qua phần mềm ứng dụng.

“Không chỉ đi lại an toàn mà đi học an toàn, làm việc an toàn, du lịch an toàn, khách sạn an toàn… đều có thể ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để giám sát việc tuân thủ”, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Còn vấn đề đi học an toàn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, cùng với hướng dẫn đã được ban hành trước đây về đi học an toàn, trường lớp an toàn, Bộ sẽ phối hợp với ngành Y tế để bổ sung các biện pháp mới như đeo khẩu trang khi đi học, trong lớp học; chia nhỏ các lớp, học theo ca, bảo đảm khoảng cách an toàn cho học sinh trong lớp học.

Bộ Giáo dục Đào tạo cũng có hướng dẫn khung về chương trình, năm học để các địa phương có căn cứ triển khai, kết hợp học tại lớp và học trực tuyến.

Tương tự, Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thuỷ cũng cho biết, sẽ bổ sung thêm các biện pháp, hướng dẫn về du lịch an toàn dành cho khách du lịch, hướng dẫn viên, công ty lữ hành, vận tải du lịch, khách sạn, điểm đến, cơ sở dịch vụ…

Ban Chỉ đạo nêu rõ, các bộ ngành cần khẩn trương rà soát, bổ sung hoặc ban hành thêm các hướng dẫn với những tiêu chí cơ bản, sẵn sàng cho “chung sống an toàn”, không bỏ sót, bỏ lọt lĩnh vực, ngành nghề, đối tượng. Trên cơ sở đó, địa phương thực hiện, tùy vào điều kiện cụ thể có thể có quy định bổ sung, thống nhất từ trên xuống.

Tính đến 6h ngày 20/4, Bộ Y tế không ghi nhận thêm ca dương tính COVID-19, đánh dấu 4 ngày không thêm ca nhiễm mới.

Tổng số ca nhiễm 268, trong đó 202 người đã khỏi bệnh. Một ca tái dương tính sau khi ra viện được đưa trở lại bệnh viện điều trị.

4 ngày qua không ghi nhận ca nhiễm mới, chuyên gia y tế đánh giá là tín hiệu khả quan, song cảnh báo đừng chủ quan, dịch còn diễn biến dài và phức tạp. Người dân cần tuân thủ giãn cách xã hội, không tập trung đông người, đeo khẩu trang khi ra ngoài, rửa tay thường xuyên.

Trên toàn quốc, gần 63.000 người đang được cách ly, trong đó tại bệnh viện 279 người, tại cơ sở tập trung hơn 11.300 người, số còn lại cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

Ninh Thuận: Phấn đấu vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm hộ nghèo xuống dưới 10%

(Thanh tra) - Ngày 22/11, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV năm 2024 lấy chủ đề “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững” đã diễn ra thành công tốt đẹp, với sự tham gia của 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Hoàng Nam

22:10 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm