Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Kiểm soát dịch COVID -19, tiến tới chung sống an toàn”

Hương Giang

Thứ sáu, 17/04/2020 - 20:35

(Thanh tra) – “Chúng ta phải kiểm soát được dịch bệnh, tiến tới chung sống an toàn, thúc đẩy sự điều chỉnh tích cực của xã hội”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói và lưu ý, chỉ khi nào có thuốc đặc trị hoặc có vaccine thì mới có thể coi là cơ bản hết dịch được.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: H.G

Chiều 17/4, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID -19 họp với các bộ, ngành, địa phương để góp ý về dự thảo chỉ thị mới của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Dịch bệnh chắc chắn còn kéo dài

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, dự thảo được soạn thảo dựa trên tinh thần kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo ngày 15/4 vừa qua.

Về nội dung, dự thảo đưa ra các biện pháp áp dụng chung trên phạm vi toàn quốc cũng như các biện pháp áp dụng theo từng nhóm nguy cơ, gồm nguy cơ cao, nguy cơ và nguy cơ thấp.

Sau khi nghe các địa phương góp ý, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, dịch bệnh chắc chắn còn kéo dài, dù sẽ có từng nơi, từng thời điểm lắng xuống, nhưng chỉ tới khi nào có thuốc đặc trị hoặc có vaccine thì mới có thể coi là cơ bản hết dịch được.

Vì vậy, phải tiếp tục chống dịch, tuyệt đối không được chủ quan, không để dịch lan rộng; đồng thời cũng phải ổn định và phát triển. “Chúng ta phải kiểm soát được dịch bệnh, tiến tới chung sống an toàn, thúc đẩy sự điều chỉnh tích cực của xã hội”, Phó Thủ tướng nói.

Do đó, theo ông Vũ Đức Đam, thời gian tới, phải tiếp tục kiên định, quyết liệt tiếp tục tực hiện thật nghiêm, thật tốt lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, các hướng dẫn, và luôn bám sát nguyên tắc: Ngăn chặn - Phát hiện - Cách ly - Khoanh vùng - Dập dịch.

Về vấn đề này, ông Vũ Đức Đam lưu lý, “ngăn chặn” ở đây là phải kiểm soát chặt chẽ để chủ động điều phối vấn đề xuất nhập cảnh, đảm bảo an toàn.

“Quan trọng nhất là khi phát hiện một người nhiễm bệnh, nghi ngờ nghiễm bệnh thì điều tra dịch tễ, khoanh vùng, cách ly để dập dịch, nhất là những nơi chưa từng phát sinh ca lây nhiễm trong cộng đồng”, ông Vũ Đức Đam lưu ý.

Cũng theo Phó Thủ tướng, tinh thần cơ bản trong thời gian tới là cần có giải pháp phù hợp với từng địa bàn, từng nhóm đối tượng, từng nhóm ngành nghề để đảm bảo vừa kiểm soát được dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Chúng ta đã hình thành được mô hình dự báo nguy cơ theo địa bàn từng tỉnh, thành phố để phân ra làm 3 nhóm: Nguy cơ cao, nguy cơ và nguy cơ thấp.

“Tôi nhấn mạnh chúng ta phải tiếp tục chia được nhóm đến cấp huyện, cấp xã, thậm chí đến cấp thôn… để chúng ta có thể điều hành sát sao hơn, linh hoạt hơn, kịp thời hơn và trên hết là hiệu quả hơn trong thực hiện mục tiêu kép. Vì vậy, các tỉnh phải có bộ phận cập nhật số liệu, theo dõi hàng ngày”, Phó Thủ tướng nói.

Không chủ quan, điều chỉnh tích cực

Nhấn mạnh vì dịch còn dài, theo Phó Thủ tướng, chúng ta phải xác định chung sống an toàn, nhưng tuyệt đối không được chủ quan. Để làm được điều này phải hiểu về virus, sự nguy hiểm và cơ chế lây lan của nó để phòng ngừa.

Dễ thấy nhất là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, rửa tay, không tụ tập đông người vì cơ chế lây lan của virus là trực tiếp theo giọt bắn, hoặc gián tiếp qua các bề mặt”, ông Vũ Đức Đam nói và khẳng định các biện pháp này là cực kỳ quan trọng trong việc chung sống an toàn với dịch bệnh.

Từ đó, ông Vũ Đức Đam cho rằng, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế, các bộ, ngành, địa phương phải đưa ra những hướng dẫn an toàn cho từng hoạt động của ngành mình từ cơ sở y tế, giao thông vận tải, cơ sở sản xuất, giáo dục cho tới các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao…

Để kiểm soát được dịch bệnh, để chung sống an toàn, theo Phó Thủ tướng, chúng ta đã và đang có những điều chỉnh, thay đổi ở các cấp độ, lĩnh vực đời sống xã hội, từ trong các cơ quan Đảng, công quyền ra ngoài xã hội, từ cấp độ toàn xã hội đến tập thể nhỏ, đến gia đình, cá nhân. Đó là lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tinh thần dân tộc, ý thức cộng đồng, cống hiến, hy sinh, tương trợ lẫn nhau…

Nhưng thời gian tới, cần tiếp tục đề cao tinh thần kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân. Đồng thời, cần thúc đẩy những thay đổi tích cực nhanh hơn.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chính trong lúc dịch bệnh này cần bình tĩnh nhìn lại để thúc đẩy những điều chỉnh tích cực ở mọi tầng nấc, quy mô từ trong cơ quan công quyền ra doanh nghiệp, cộng đồng; từ quy mô toàn xã hội, tập thể, gia đình và tới từng cá nhân.

“Chúng ta phải kiểm soát được dịch bệnh, chung sống an toàn, điều chỉnh tích cực. Làm được như vậy nhất định chúng ta sẽ chống dịch thành công, vẫn phát triển được kinh tế - xã hội trong điều kiện có dịch bệnh, đồng thời thúc đẩy những sự thay đổi, sự điều chỉnh tích cực, nhanh hơn theo hướng đúng đắn.”, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia nói.

Lãnh đạo Chính phủ mong rằng các bộ ngành, địa phương cùng nhau thống nhất hành động. “Mặc dù còn vất vả nhưng chắc chắn chúng ta sẽ thành công”,  Phó Thủ tướng nói.

Chung sống an toàn phải đi vào từng lĩnh vực cụ thể

Theo Phó Thủ tướng, “tinh thần chung là chúng ta phải chung sống an toàn trên từng lĩnh vực, từng ngõ ngách, từng cấp độ nhưng tuyêt đối không chủ quan”.

Đầu tiên là trong lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ sức khỏe: Từ ăn ở hợp vệ sinh mùa dịch, lau chùi nhà cửa, để thông thoáng, luyện tập, tinh thần… đến việc đảm bảo an toàn trong khám chữa bệnh. Chỉ tới cơ sở y tế khám bệnh khi thực sự cần thiết, sau khi đã liên hệ với bác sĩ hoặc cơ sở y tế. Các cơ sở y tế phải quán triệt tinh thần coi người đến khám là người có nguy cơ lây nhiễm (F1) để có giải pháp đảm bảo an toàn cho người khám, người tới khám và tất cả mọi bệnh nhân, nhân viên trong cơ sở y tế.

Thứ hai là học tập an toàn: Cần chuẩn bị kỹ lưỡng học tập an toàn với các giải pháp rất cụ thể cho từng vùng, từng cấp học, từng loại hình trường lớp. Mấy tháng qua đã có các hướng dẫn và chuẩn bị rồi, nay cần rà soát, bổ sung và thực hiện phù hợp để khi dịch bệnh kiểm soát được rồi thì đi học trở lại phải an toàn.

Thứ ba là đi lại phải an toàn: Hạn chế ra ngoài, đi lại khi không thật sự cần thiết nhưng khi cần thiết thì đi lại phải an toàn. Cần có quy định thật cụ thể khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng từ máy bay, tàu hỏa, tàu thủy, xe khách tới taxi, xe ôm. Ví dụ taxi và kể cả xe ôm thì khẩu trang như thế nào, xịt tay khi lên, xuống xe như thế nào…

Thứ tư là sản xuất, kinh doanh an toàn: Từ nhà máy, xí nghiệp lớn tới các tổ hợp tác, các cơ sở sản xuất kinh doanh gia đình, nhỏ lẻ, lao động tự do đều phải có các hướng dẫn rất cụ thể ơt từng địa phương. Đặc biệt đối với các hộ kinh doanh cá thể, người hành nghề tự do cần có quy định hướng dẫn kể cả khi cầm tiền, thanh toán… như thế nào cho an toàn.

Thứ năm là các hoạt động của các cơ quan công quyền an toàn. Đặc biệt là việc tổ chức các sự kiện cần có nhiều người tham gia phải có phương án thật chi tiết đảm bảo đúng các hướng dẫn về phòng dịch.

Thứ sáu là sinh hoạt vui chơi, văn hóa, thể thao, du lịch: Trước mắt chưa cho phép tập trung đông người. Đối với các hoạt động bắt buộc phải làm như hiếu, hỉ cần tuân thủ quy định về số người tham gia cùng các biện pháp đảm bảo an toàn. Các cơ sở lưu trú không chỉ phải đáp ứng các yêu cầu về y tế thuần túy mà cả các yêu cầu về khai báo lưu trú… đáp ứng yêu cầu chống dịch… 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Kháng thuốc - mối đe doạ hàng đầu đối với sức khoẻ cộng đồng toàn cầu

Kháng thuốc - mối đe doạ hàng đầu đối với sức khoẻ cộng đồng toàn cầu

(Thanh tra) - Kháng thuốc hiện nay là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững. Tổ chức Y tế thế giới đã xếp kháng thuốc vào danh sách 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu. Tình trạng kháng thuốc không chỉ ảnh hưởng tới tất cả các lĩnh vực sức khỏe mà còn tác động sâu rộng tới toàn xã hội, vượt qua ranh giới của bất kỳ quốc gia nào.

Phương Anh

15:41 22/11/2024
Chủ động cảnh báo, chỉ đạo về phòng, chống thiên tai sẽ giảm thiểu thiệt hại

Chủ động cảnh báo, chỉ đạo về phòng, chống thiên tai sẽ giảm thiểu thiệt hại

(Thanh tra) - Ngày 22/11, tại Hòa Bình, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị Chủ tịch UBND cấp huyện các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt, nhằm đánh giá về diễn biến của trận lũ đặc biệt lớn sau bão số 3, thực trạng hệ thống đê điều, bãi sông, lòng dẫn và vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện trong công tác ứng phó, hộ đê, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều.

Hoàng Nam

15:38 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm