Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Rõ trách nhiệm để hạn hán không đổ tại trời

Thứ ba, 13/09/2016 - 06:29

(Thanh tra)- Hôm qua (12/9), tại phiên họp thứ 3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án (D.A) Luật Thủy lợi và D.A Luật Đường sắt (sửa đổi). Việc chuyển từ “thuỷ lợi phí” sang “giá dịch vụ thuỷ lợi” cũng như trách nhiệm bảo đảm an toàn công trình thuỷ lợi là nội dung nhận được nhiều ý kiến quan tâm.

Phiên làm việc thứ 3 của UBTVQH diễn ra từ 12 - 22/9 sẽ thảo luận nhiều nội dung quan trọng. Ảnh: TN

“Người dân không lời hay giàu từ làm lúa đâu”

Thẩm tra D.A Luật Thủy lợi, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường nhất trí với quan điểm chuyển đổi cơ chế từ thu “thủy lợi phí” sang “giá dịch vụ thủy lợi”. “Việc tính giá dịch vụ thủy lợi góp phần sử dụng hợp lý, hiệu quả công trình thủy lợi, khuyến khích việc sử dụng nước tiết kiệm”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nói.

Tuy nhiên, đây là nội dung đổi mới quan trọng, cho nên dự thảo luật cần quy định rõ về các nội dung: Chủ thể cung cấp dịch vụ thủy lợi được thu tiền; các loại hình dịch vụ thủy lợi; bổ sung các loại dịch vụ về kiểm soát lũ cho sản xuất nông nghiệp, cung cấp nước cho nuôi trồng thủy sản, khu dân cư tập trung... để tránh chồng chéo, hoặc bỏ sót. Cùng với đó, quy định rõ thẩm quyền quyết định giá dịch vụ thuỷ lợi; phân chia nguồn thu dịch vụ thuỷ lợi giữa các chủ thể cùng tham gia quản lý khai thác một hệ thống công trình thuỷ lợi…

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc băn khoăn với những công trình thủy lợi nhỏ, nội đồng, người dân đã bỏ tiền đầu tư rồi thì việc cung cấp dịch vụ giá sẽ như thế nào? “Cơ sở hạ tầng đầu tư rồi thì phải bỏ tiền ra mua lại thì người dân mới chịu. Rồi trách nhiệm của người cung cấp dịch vụ thế nào, phải cam kết, phải có đền bù chứ không khi hạn hán lại đổ tại trời. Cần làm rõ kẻo sau này áp lực với quản lý Nhà nước”, ông Phúc nói.

Trong khi đó, theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình: Phí, giá là vấn đề “đụng” đến đời sống và nhận thức của người dân. Cho nên, cần nghiên cứu, đánh giá tác động chứ không chỉ đơn giản là ngôn từ rằng chuyển qua kinh tế thị trường phải là giá dịch vụ.

“Tổng chi phí của người nông dân rất cao. Lời là anh bán lúa, gạo nhưng người nông dân gặp khó. Thực sự phải giúp người dân chứ không chỉ phục vụ quản lý Nhà nước. Người dân không lời hay giàu từ làm lúa đâu nên luật làm gì tốt nhất cho người dân. Trách nhiệm quản lý Nhà nước và người khai thác công trình thuỷ lợi cũng cần làm rõ. Không để lãi thuộc về tôi, còn lỗ và sửa chữa thuộc về Nhà nước”, ông Phan Thanh Bình nêu quan điểm.

Giải trình trước UBTVQH, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng, việc chuyển từ phí sang giá vì thuỷ lợi phí không nằm trong Luật Phí đã được Quốc hội thông qua. Nhà nước cũng có những chính sách đầu tư, hỗ trợ để thực hiện vấn đề này.

“Đầu tư làm công trình thuỷ lợi nếu đặt vào vai Nhà nước thì đụng đến đâu cũng sẽ gặp khó, dù đụng đến một ít đất thì người dân cũng có phản ứng mạnh. Thực tế nếu vận động như nông thôn mới, người dân làm và Nhà nước có chính sách hỗ trợ thì tốt hơn. Chúng tôi tiếp thu để nghiên cứu kỹ hơn về chính sách, quyền tiếp cận của người dân”, ông Thắng cho biết.

Phải rõ trách nhiệm, tránh đùn đẩy khi có sự cố

Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trực tiếp khai thác, vận hành, sử dụng công trình thuỷ lợi cũng cần cụ thể để khi xảy ra sự cố quy trách nhiệm được ngay, tránh đùn đẩy. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ lưu ý, công trình thủy lợi lớn còn liên quan đến an ninh quốc phòng, nếu mất an toàn là thảm họa.

“Bảo vệ không tốt mà đập bị vỡ thì không biết hậu quả đến đâu. Ta mới quy định mang tính kỹ thuật chứ chưa yêu cầu bắt buộc bộ, ngành, địa phương phải làm, trong đó có trách nhiệm Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Do đó, công tác bảo vệ an ninh an toàn cần làm rõ hơn để tránh đùn đẩy khi tình huống xảy ra”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho rằng, việc quản lý công trình thuỷ lợi thời gian qua chưa hiệu quả, nhất là mô hình quản lý chưa phù hợp như vừa quản lý Nhà nước vừa quản lý khai thác dẫn đến dễ xung đột, thất thoát tiền khi Nhà nước đầu tư nhưng cá nhân doanh nghiệp hưởng lợi hay thất thoát nước rất lớn do nhiều năm thiếu tiền đầu tư...

“Nếu chỉ dừng như quy định trong dự thảo thì chưa tạo đột phá, chưa giải quyết được những vấn đề nhập nhằng, chồng chéo chức năng và vấn đề thực tiễn. Đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình kỹ từng ý kiến trong báo cáo thẩm tra để đưa ra mô hình quản lý phù hợp, nếu không chưa đạt mục tiêu đề ra”, bà Nga đề nghị.

Cho ý kiến vấn đề này, theo Chủ tịch Quốc hội, Luật này chưa bao quát hết được công tác thuỷ lợi trong tình hình mới như biến đổi khí hậu, nước biển dâng; phục vụ tái sản xuất nông nghiệp cũng như hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát kỹ để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ trong hệ thống luật.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm