Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Quy định trích lại một phần tiền xử phạt có thể làm cảnh sát giao thông bị điều tiếng

Hương Giang

Thứ tư, 22/05/2024 - 21:09

(Thanh tra) - Đại biểu Quốc hội lo Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ bổ sung quy định trích lại một phần tiền xử phạt cho cảnh sát giao thông, có thể vừa không thống nhất với các luật khác, vừa vô tình làm cảnh sát giao thông bị điều tiếng.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến Nhi lo ngại: Quy định trích lại một phần tiền xử phạt có thể làm cảnh sát giao thông bị điều tiếng. Ảnh: P.Thắng

Tiếp tục chương trình kỳ họp 7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, chiều 22/5.

So với dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp 6, dự thảo luật mới đã được tiếp thu, chỉnh lý có 9 chương, 89 điều.

Một trong những điểm mới tại dự thảo luật trình ra Quốc hội lần này là quy định: “Trích một phần khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, hiện đại hóa lực lượng cảnh sát giao thông”.

Nêu ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) cho rằng quy định như trên là “chưa thật hợp lý”.

Theo đại biểu, công tác xử phạt hành chính trong nhiều ngành, lĩnh vực đều phải tuân theo Luật Xử phạt vi phạm hành chính. Nếu quy định như dự thảo luật sẽ không thống nhất với các chính sách, quy định chung, cũng như các luật khác có liên quan như Luật Ngân sách Nhà nước.

“Mặt khác, còn vô tình làm cho lực lượng cảnh sát giao thông bị những điều tiếng không hay”, bà Nhi nói.

Đại biểu nhấn mạnh tăng cường cơ sở phương tiện, phương tiện, thiết bị và hiện đại hóa cho lực lượng cảnh sát giao thông là cần thiết.

Tuy nhiên, theo bà Nhi, các ngành, lĩnh vực khác như môi trường, quản lý thị trường cũng hết sức phức tạp, xảy ra vi phạm hành chính trên cả nước, cũng rất quan trọng cần được quan tâm chứ không riêng gì lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Bà Nhi đề nghị không quy định trích một phần khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ, sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước trong dự luật.

“Vấn đề này sẽ thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Nếu khó khăn về trình tự, thủ tục trong bố trí ngân sách thì cần có biện pháp tháo gỡ thỏa đáng để thực hiện thông suốt”, đại biểu đoàn Bến Tre góp ý.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp). Ảnh: P.Thắng

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) thì đồng tình trích lại một phần tiền xử phạt cho cảnh sát giao thông bởi họ làm việc rất cực khổ. Nhưng ông đề nghị quy định ngưỡng bao nhiêu %.

Không thể nói trích một phần tiền xử phạt. Một phần là bao nhiêu? Một phần có thể là 90%, 70% và cũng có thể 50%, ông Hòa nêu.

“Trước đây đã có dự thảo, dư luận và báo chí phản ánh rồi là trích 70% tiền xử phạt cho cảnh sát giao thông, là rất nhạy cảm. Họ nghĩ trích như thế cảnh sát giao thông để phạt rất triệt”, ông Hòa nhấn mạnh cần quy định ngưỡng trích lại bao nhiêu %.

Trừ điểm giấy phép lái xe “nhân văn hơn”

Nội dung mới nữa, dự thảo luật đã bổ sung quy định về điểm của giấy phép lái xe tại Điều 58.

Theo đó, người lái xe vi phạm tùy theo tính chất, mức độ của hành vi có thể bị trừ điểm giấy phép lái xe và trong thời hạn 12 tháng không bị trừ điểm khi đang còn điểm sẽ được phục hồi đủ 12 điểm.

Trường hợp bị trừ hết điểm, người được cấp giấy phép lái xe phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ (không phải kỳ thi sát hạch cấp giấy phép lái xe) và khi có kết quả đạt yêu cầu, sẽ được phục hồi đủ 12 điểm.

Dự luật giao Chính phủ quy định cụ thể các hành vi vi phạm bị trừ điểm giấy phép lái xe, thẩm quyền trừ điểm, trình tự, thủ tục thực hiện trừ điểm, phục hồi giấy phép lái xe và quy định lộ trình thực hiện.

“Việc trừ điểm giấy phép lái xe, tiến tới hạn chế áp dụng biện pháp xử phạt hành chính bổ sung là tước giấy phép lái xe như hiện nay, mang tính nhân văn hơn”, bà Nhi bày tỏ quan điểm ủng hộ.

Nữ đại biểu băn khoăn khi khoản 3 Điều 58 quy định khi giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, người được cấp giấy phép lái xe phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ do lực lượng cảnh sát giao thông tổ chức theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.

Việc này, theo đại biểu nên giao cho Bộ Giao thông Vận tải. Vì khoản 8 Điều 60, khoản 7 Điều 61 của dự thảo luật thì Bộ Giao thông Vận tải quy định hình thức, nội dung, chương trình, quy trình đào tạo lái xe và sát hạch để cấp giấy phép lái xe.

“Việc kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ nên giao Bộ Giao thông Vận tải quy định”, bà Nhi nêu quan điểm.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới. Ảnh: P.Thắng

Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới cho hay, bổ sung quy định điểm, trừ điểm giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý văn minh, hiện đại, phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế số, xã hội số của nước ta.

“Quy định này sẽ tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của người lái xe”, ông Tới nói.

Theo báo cáo của Chính phủ, mỗi năm cơ quan chức năng tước có thời hạn trên 500.000 giấy phép lái xe. Khi bị tước, người lái xe không được phép điều khiển phương tiện, dẫn đến tác động không nhỏ đến các hoạt động đi lại, lao động, sản xuất kinh doanh, đời sống hàng ngày của người dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá việc tước giấy phép lái xe đang thực hiện thủ công, nhiều người vi phạm bỏ giấy phép không đến lấy, tồn đọng nhiều giấy phép lái xe tại cơ quan xử phạt, dẫn đến lãng phí, tăng chi phí, nguồn lực quản lý, nhưng vẫn chưa quản lý được tốt quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thành lập thanh tra chuyên ngành di sản văn hóa

Thành lập thanh tra chuyên ngành di sản văn hóa

(Thanh tra) - Chiều 23/11, với 413/422 đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Di sản văn hóa sửa đổi, trong đó có quy định về thành lập thanh tra chuyên ngành di sản văn hóa.

Hương Giang

16:19 23/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm