Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Quốc hội sẽ giám sát chuyên đề oan sai và quản lý đất nông lâm trường

Thứ ba, 24/06/2014 - 22:14

(Thanh tra) - Ngày 24/6, với 480 đại biểu tán thành (đạt tỷ lệ 94,58%), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2015.

Theo Nghị quyết được thông qua, tại Kỳ họp 9, Quốc hội tiến hành giám sát tối cao Báo cáo bổ sung của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2015 và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật; xem xét Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội; tiến hành chất vấn một số thành viên Chính phủ, Trưởng ngành.

Đồng thời, giám sát chuyên đề: Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật.

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội xem xét các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015; các báo cáo công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật;

Quốc hội cũng xem xét việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015 và giám sát chuyên đề: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004 - 2014.

Trước đó báo cáo giải trình, tiếp thu trước Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Về lựa chọn chuyên đề giám sát, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Đoàn Thư ký kỳ họp gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội. Kết quả, 263 ý kiến tán thành giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004 - 2014; 261 ý kiến tán thành giám sát chuyên đề: Tình hình oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; 158 ý kiến tán thành giám sát chuyên đề Kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Ngoài ra, một số ý kiến đề xuất bổ sung các nội dung giám sát khác như: Tình hình xử lý mua bán nợ xấu của ngân hàng thông qua VAMC; quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA; đất sản xuất và sinh kế tại các khu, điểm tái định cư các dự án thuỷ điện trong cả nước; việc thực hiện chính sách, pháp luật dạy nghề cho lao động nông thôn; chương trình mục tiêu quốc gia; việc thực hiện các Nghị quyết, kết luận, kiến nghị sau giám sát….

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, những nội dung đại biểu Quốc hội đề nghị giám sát đều là những vấn đề quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế, để đảm bảo tính khả thi, chất lượng, hiệu quả giám sát, không nên đưa quá nhiều nội dung vào chương trình giám sát của Quốc hội.

Theo ông Phúc, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo, điều hoà, phối hợp hoạt động giám sát của Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, trong đó đề nghị quan tâm đến các nội dung đại biểu Quốc hội đề nghị giám sát.

Đối với chuyên đề: Tình hình oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, các vụ án oan, sai chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tố tụng hình sự, do đó, phạm vi của chuyên đề giám sát là không lớn, chưa thật đúng tầm một chuyên đề giám sát của Quốc hội. Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự xảy ra trong tất cả các khâu tố tụng từ điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

Mặt khác, nội dung này không chỉ là việc làm oan người vô tội mà còn gồm cả việc áp dụng sai pháp luật hình sự, tố tụng hình sự về tội danh, hình phạt, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Bên cạnh đó, việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự cũng có phạm vi rộng gồm việc xác định những trường hợp được bồi thường, kết quả bồi thường, việc bồi thường chậm, không đúng, không thoả đáng của Cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát, Toà án, Cơ quan Thi hành án theo quy định của pháp luật. 

Do đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên nội dung, phạm vi giám sát và chỉnh lý tên chuyên đề giám sát như trên.

Thảo Nguyên

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm