Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Quốc hội biểu quyết thông qua 4 luật

Thứ tư, 19/06/2013 - 18:21

(Thanh tra) - Chiều nay (19/6), tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội (QH) Khóa XIII đã thông qua 4 Dự án (D.A) Luật: Luật Giáo dục quốc phòng - an ninh (QPAN); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và Luật Phòng, chống thiên tai (PCTT).

Đại biểu QH TP Hà Nội Chu Sơn Hà phát biểu ý kiến. Ảnh: QH

 Luật Giáo dục QPAN có 8 chương, 47 điều với mục tiêu giáo dục cho công dân về kiến thức QPAN để phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống dựng nước và giữ nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao ý thức, trách nhiệm, tự giác thực hiện nhiệm vụ QPAN, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.

Luật Giáo dục QPAN quy định cụ thể về chính sách của Nhà nước về giáo dục QPAN; quyền và trách nhiệm của công dân về giáo dục QPAN và các hành vi bị nghiêm cấm như lợi dụng hoạt động giáo dục QPAN để tuyên truyền xuyên tạc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tiết lộ bí mật Nhà nước; tuyên truyền chính sách thù địch, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; cản trở việc thực hiện giáo dục QPAN và các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.

Luật Giáo dục QPAN có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014.

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GTGT với 25 nhóm đối tượng miễn thuế GTGT sẽ giúp các doanh nghiệp có cơ hội không nhỏ để phát triển sản xuất, kinh doanh của mình.

Luật quy định giảm 50% mức thuế suất thuế GTGT từ ngày 1/7/2013 đến hết ngày 30/6/2014 đối với nhà ở là căn hộ sẽ góp phần giải quyết khó khăn về nhà ở đối với người có thu nhập thấp, đang có nhu cầu về chỗ ở, đồng thời góp phần giảm lượng căn hộ thương mại đang tồn kho, tháo gỡ một phần khó khăn cho thị trường bất động sản.

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN, sửa đổi, bổ sung Điều 1, Điều 9 - các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế; Điều 10 - thuế suất; Điều 13 - ưu đãi về thuế suất; Điều 14 - ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế; Điều 16 - chuyển lỗ; Điều 18 - điều kiện áp dụng ưu đãi thuế.

Luật PCTT với 6 chương, 47 điều, quy định về hoạt động PCTT, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia hoạt động PCTT, quản lý Nhà nước và nguồn lực bảo đảm việc thực hiện PCTT.

Ngoài quy định về chính sách của Nhà nước trong PCTT; nguồn nhân lực cho PCTT; vật tư, phương tiện, trang thiết bị, hệ thống thông tin, nhu yếu phẩm cho hoạt động PCTT; nguồn tài chính cho PCTT; ngân sách Nhà nước cho PCTT, Luật PCTT còn quy định về Quỹ PCTT. Quỹ được thành lập ở cấp tỉnh, do UBND cấp tỉnh quản lý. Quỹ PCTT không bao gồm ngân sách Nhà nước và không có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước.

Luật Việc làm phải bảo đảm việc làm bền vững

Trước đó, QH đã thảo luận ở Hội trường về D.A Luật Việc làm, bao gồm các quy định về 5 nội dung chính: Hỗ trợ tạo việc làm; thông tin thị trường lao động; đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; dịch vụ việc làm và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Đa số ý kiến đại biểu tán thành 6 nhóm chính sách hỗ trợ tạo việc làm trực tiếp tại Chương II Dự thảo Luật: Chính sách tín dụng tạo việc làm; hỗ trợ chuyển dịch việc làm cho người lao động khu vực nông thôn, quy định cụ thể về đối tượng, chế độ đối với người lao động khu vực nông thôn tham gia đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp để nâng cao chất lượng và hiệu quả lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập của người lao động khu vực nông thôn; hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (được phát triển trên cơ sở D.A thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia về việc làm; hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên.

Về đối tượng tham gia BHTN tại Điều 35, theo đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) việc mở rộng đối tượng tham gia BHTN đối với nhóm lao động không có quan hệ lao động, quy định tại khoản 2, là cần thiết vì thực tế hiện nay lực lượng lao động không có quan hệ lao động còn chiếm tỷ lệ khá lớn, đây là những lao động dễ bị tổn thương hoặc có nguy cơ mất việc, thiếu việc làm thường xuyên. Đại biểu Phúc cho rằng, chính sách việc làm cần lưu ý để thu hút số lao động thuộc nhóm này tham gia loại hình BHTN, tăng tính bền vững cho việc làm của họ.

Đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH, đại biểu cho rằng, Dự thảo Luật chỉ nên quy định phạm vi áp dụng đối với nhóm lao động có hợp đồng lao động, có thời gian từ đủ 3 tháng đến 12 tháng. Đối với nhóm lao động còn lại, Dự thảo nên quy định nguyên tắc và giao cho Chính phủ quy định cụ thể phù hợp với từng giai đoạn nhất định và phù hợp với khả năng quản lý, trình độ phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị giải thích rõ như thế nào là thu nhập bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu. Ngoài ra, tại một số điều, khoản của Dự thảo Luật có nêu chương trình việc làm công, dịch vụ việc làm, thị trường lao động, cần bổ sung thêm vào phần giải thích từ ngữ để làm rõ nội hàm của các nội dung này.

Băn khoăn về đối tượng mở rộng được tham gia BHTN, đại biểu Châu Thị Thu Nga (TP Hà Nội) đề nghị có những biện pháp nhằm tăng tính bền vững cho việc làm của họ trong điều kiện thị trường lao động đang phát triển. Dự thảo Luật cũng cần quy định các nguyên tắc xác định lộ trình mở rộng các đối tượng để tổ chức thực hiện đạt có hiệu quả, phù hợp với khả năng quản lý và trình độ phát triển kinh tế xã hội.

Liên quan đến vấn đề đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia từ Luật Dạy nghề và chuyển vấn đề BHTN từ Luật Bảo hiểm xã hội sang D.A Luật Việc làm, đại biểu Nguyễn Trung Thu (Long An) tán thành với Tờ trình của Chính phủ, Tuy nhiên, Dự thảo cần quy định cụ thể về quy trình thủ tục đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề. Ban Soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, chỉnh lý D.A Luật theo hướng bổ sung quy định để có thể áp dụng những tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc tế đã được công nhận ở Việt Nam. Đồng thời, bổ sung quy định về nguyên tắc các tiêu chuẩn, kỹ năng nghề quốc gia phải tiếp cận chuẩn mực kỹ năng nghề quốc tế phù hợp trong thời kỳ hội nhập kinh tế hiện nay.

Nhiều đại biểu QH cho rằng, D.A Luật Việc làm liên quan đến nhiều luật khác nữa như Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Dạy nghề, Luật Doanh nghiệp, Luật Người khuyết tật và kể cả Luật Thanh niên…. Do vậy, Ban Soạn thảo cần tiếp tục phối hợp để rà soát các quy định để bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Luật cũng cần khuyến khích mạnh mẽ sự tham gia của xã hội trong chính sách việc làm thông qua việc đa dạng hóa các nguồn lực và xã hội hóa dịch vụ việc làm, đại biểu Chu Sơn Hà (TP Hà Nội) nhận định và đề nghị tăng cường xã hội hóa công tác dịch vụ việc làm. Luật chỉ tạo cơ sở pháp lý quy định những đặc thù cho việc quản lý, tổ chức các doanh nghiệp dịch vụ việc làm hoạt động như các doanh nghiệp khác theo Luật Doanh nghiệp, không tổ chức trung tâm dịch vụ việc làm như trong Dự thảo Luật để thực hiện nguyên tắc không tăng về biên chế, không phình thêm bộ máy - đại biểu Chu Sơn Hà nhấn mạnh.

Một số ý kiến đại biểu cho rằng, Luật cần xây dựng cơ chế thông tin - dự báo, định hướng cho việc phát triển thị trường lao động phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ánh Tuyết

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

Hà Giang: Tỷ lệ tinh giảm biên chế giai đoạn 2016-2021 giảm 10%

(Thanh tra) - Chiều 13/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 28 để tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Bùi Bình

19:37 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm