Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hương Giang
Thứ sáu, 08/11/2024 - 14:58
(Thanh tra) - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, quảng cáo của một số nhãn hàng, doanh nghiệp Việt Nam bị gắn vào nội dung xấu độc, phản động, vi phạm pháp luật Việt Nam, đặc biệt là trên YouTube, Facebook.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng vừa có báo cáo gửi đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm chất vấn thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông tại kỳ họp 8, trong đó việc quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng.
Xu thế quảng cáo trên mạng sẽ tiếp tục tăng
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, theo số liệu của Statista, doanh thu quảng cáo trực tuyến năm 2023 tại Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, chiếm 50% tổng chi tiêu toàn ngành quảng cáo Việt Nam (2,6 tỷ USD), tăng khoảng 30% so với năm 2021 (khoảng 850 triệu USD).
80% thị phần quảng cáo trực tuyến tập trung vào các nền tảng xuyên biên giới như YouTube, Facebook, TikTok (khoảng hơn 1 tỷ USD), 20% còn lại là các báo điện tử, doanh nghiệp quảng cáo trực tuyến trong nước như 24h, VnExpress/Eclick, Dân trí, VCCorp/Admicro, Adtima...
Thời gian tới, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, xu thế thị phần quảng cáo trực tuyến (quảng cáo trên mạng) sẽ tiếp tục tăng.
“Quảng cáo trực tuyến với lợi thế áp đảo về công nghệ đe dọa tiếp tục thu hẹp nguồn thu quảng cáo của các cơ quan báo chí, chiếm thị phần chi phối, trong khi, nội dung không được kiểm duyệt và chịu trách nhiệm như các cơ quan báo chí”, báo cáo nêu.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, các vi phạm về nội dung quảng cáo chủ yếu như quảng cáo cho dịch vụ, sản phẩm bất hợp pháp (tín dụng đen, tiền ảo, game cờ bạc, cá độ…); quảng cáo các loại thuốc gia truyền không rõ nguồn gốc, thậm chí quảng cáo chữa bách bệnh, kể cả ung thư...; quảng cáo sai sự thật lừa đảo (dùng hình ảnh mạo danh logo các báo, đài để tạo lòng tin)…
Đáng lưu ý, quảng cáo của một số nhãn hàng, doanh nghiệp Việt Nam bị gắn vào nội dung xấu độc, phản động, vi phạm pháp luật Việt Nam, đặc biệt là trên YouTube, Facebook.
“Một phần doanh thu quảng cáo lại được YouTube, Facebook chia sẻ cho các đối tượng sản xuất clip xấu độc, phản động, vô hình chung gián tiếp tiếp tay cho các hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay.
Đấu tranh với Facebook, TikTok yêu cầu chặn gỡ quảng cáo vi phạm
Trước tình hình trên, ông Hùng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các cơ quan triển khai hệ thống kỹ thuật rà quét, phát hiện các quảng cáo vi phạm pháp luật, tập trung vào các nền tảng mạng xã hội lớn có nhiều vi phạm là Facebook, YouTube, TikTok.
Cơ quan chức năng đã đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới Facebook, Google, TikTok, yêu cầu chặn gỡ các quảng cáo vi phạm; đồng thời yêu cầu tuân thủ luật pháp Việt Nam về quảng cáo.
Báo cáo cho thấy, từ 2018 đến nay, Facebook đã chặn gỡ: 539 tài khoản, 64 group, 664 fanpages, trang quảng cáo game cờ bạc, đổi thưởng, mua bán hóa đơn trái phép, giả mạo lừa đảo nạp tiền vào trò chơi; 2.460 link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp, quảng cáo cờ bạc; 117 trang quảng cáo, kinh doanh, mua bán hóa đơn trái phép.
TikTok đã chặn gỡ: 32 tài khoản, 7 nội dung quảng cáo bất hợp pháp và xóa 6 tài khoản giả mạo.
Google đã ứng dụng AI để chủ động chặn lọc, xử lý khoảng 3.000 nội dung quảng cáo, tài khoản quảng cáo vi phạm liên quan đến quảng cáo cho thuốc đông y gia truyền, cam kết chữa khỏi 100% bệnh tật, kể cả ung thư.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng và công bố danh sách “White List” với khoảng 8.000 trang/kênh/tài khoản (các báo điện tử, mạng xã hội, trang thông tin điện tử tổng hợp và trang/kênh/tài khoản trên Facebook, YouTube, TikTok, Zalo, Lotus,...) để khuyến nghị các đại lý quảng cáo, nhãn hàng ưu tiên lựa chọn quảng cáo.
Đồng thời, xây dựng danh sách “Black List” gồm hơn 600 trang/kênh/tài khoản vi phạm pháp luật để yêu cầu đại lý quảng cáo, nhãn hàng không hợp tác quảng cáo.
Đại lý quảng cáo, nhãn hàng, người phát hành quảng cáo cũng được yêu cầu tăng cường rà soát nội dung và vị trí cài đặt quảng cáo, chấm dứt tình trạng quảng cáo tràn lan, gián tiếp tiếp tay cho các nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật được sản xuất và phát tán trên không gian mạng.
Vẫn theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, ngành thông tin và truyền thông đã tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên báo chí và trên môi trường mạng.
Từ năm 2023 đến nay, Bộ Thông tinh và Truyền thông đã xử phạt vi phạm hành chính 23 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền là 258 triệu đồng.
Dùng AI để quét, phát hiện các vi phạm về quảng cáo
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nêu rõ những tồn tại, hạn chế. Trong đó, ông cho biết, các nền tảng cung cấp dịch vụ xuyên biên giới/đại lý quảng cáo vì mục đích lợi nhuận nên không kiểm soát nội dung, sản phẩm quảng cáo theo quy định pháp luật Việt Nam, không lựa chọn bộ lọc để loại trừ quảng cáo vào các nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam.
Trong khi, hiện chưa có chế tài để xử lý phạt hành chính với các nền tảng cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vì không có pháp nhân tại Việt Nam và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Lực lượng làm công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý còn mỏng so với yêu cầu. Hệ thống giám sát hoạt động quảng cáo trên mạng chưa được đầu tư tương xứng để có khả năng giám sát, tự phát hiện các vi phạm trong hoạt động quảng cáo của các nền tảng xuyên biên giới.
Thời gian tới, bên cạnh tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, cần thát triển hệ thống giám sát, tập trung đẩy mạnh áp dụng công nghệ AI để rà quét, phát hiện các vi phạm về quảng cáo trên các nền tảng số.
Cùng với đó, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quảng cáo trên báo chí và trên môi trường mạng; tăng cường đấu tranh, đàm phán với các nền tảng xuyên biên giới như Google, Facebook, TikTok và các mạng lưới quảng cáo về việc tuân thủ quy định pháp luật về cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng, dịch vụ quảng cáo, thuế.
Bộ trưởng cũng đề cập đến giải pháp tiếp tục điều hướng dòng tiền quảng cáo vào báo chí và tài khoản, kênh nội dung đã thông báo với Bộ Thông tin và Truyền thông.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sẽ bắt đầu trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin, truyền thông từ 9 giờ 5 ngày 12/11.
Các vấn đề sẽ được đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gồm:
- Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của ngành báo chí trong giai đoạn bùng nổ về truyền thông trên mạng xã hội hiện nay, đặc biệt là vai trò của báo chí cách mạng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
- Việc quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng.
- Việc đầu tư, phát triển và nâng cao chất lượng hạ tầng viễn thông, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, quảng cáo của một số nhãn hàng, doanh nghiệp Việt Nam bị gắn vào nội dung xấu độc, phản động, vi phạm pháp luật Việt Nam, đặc biệt là trên YouTube, Facebook.
Hương Giang
14:58 08/11/2024(Thanh tra) - Sáng 8/11, HĐND tỉnh Quảng Ngãi khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã tổ chức Kỳ họp thứ 28 (Kỳ họp chuyên đề) để xem xét, quyết định các nội dung thuộc thẩm quyền. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Cao Phúc và Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tấn Đức chủ trì kỳ họp.
Chính Bình
13:59 08/11/2024Hương Giang
12:54 08/11/2024Hương Giang
09:54 08/11/2024Hương Giang
09:48 08/11/2024Thái Hải
Chu Tuấn
Thùy Dương
Công Thắng - Phạm Hoa
Hoàng Hiệp
Phương Anh
Trọng Tài
Thanh Lương
Nguyễn Thị Ngọc Hương - Đảng viên, Vietcombank chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh
Nam Dũng
Hương Giang